Thông tin trên được TS. Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHYT (2014-2019) và xin ý kiến Dự thảo Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 12/12.
Người khám, chữa bệnh BHYT tăng
“BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển của ngành y tế. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã xấp xỉ đạt được 90% dân số, tiền túi người dân phải bỏ ra khi tham gia BHYT đã giảm xuống còn 37% (2018); chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện, người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế cao, kỹ thuật hiện đại, nhiều loại thuốc mới nhanh chóng được BHYT chi trả, chính sách BHYT đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT” - PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo TS. Lê Văn Khảm, sau 5 năm triển khai, thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng từ 71,3% (2014) lên 89,8% (2019), vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao.
TS. Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế
|
Thống kê cho thấy, số lần khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT tăng dần qua các năm từ năm 2015 (130 triệu lượt khám, chữa bệnh) đến năm 2018 đã có 176 triệu lượt khám, chữa bệnh bằng BHYT. Tỷ lệ lượt khám, chữa bệnh tại các cơ sở tuyến trung ương là 3,5%; tuyến tỉnh 25,8%; tuyến huyện chiếm tỷ lệ cao nhất, 70%, tuyến xã 0,7%. Tuy chỉ chiếm 3,5% số lượt khám, chữa bệnh nhưng chi phí mà quỹ BHYT thanh toán đối với các bệnh viện tuyến trung ương chiếm hơn 18,9% tổng chi khám, chữa bệnh của quỹ BHYT.
Về quản lý và sử dụng quỹ BHYT, đến ngày 30/11/2019, số thu BHYT ước đạt 84.936 tỷ đồng, chi phí khám, chữa bệnh BHYT ước đạt 95.938 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 3 năm (2016, 2017, 2018), mặc dù quỹ BHYT bị bội chi, nhưng cân đối thu chi của quỹ vẫn có kết dư do số dư từ những năm trước chuyển sang. Đến hết năm 2018, dự kiến quỹ dự phòng BHYT còn khoảng trên 37.000 tỷ đồng.
10% dân số chưa tham gia BHYT
Tuy nhiên, quy định pháp luật về BHYT vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: các văn bản ban hành thiếu đồng bộ, có những quy định không còn phù hợp, tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ.
Cụ thể, vẫn còn khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó có người lao động ở các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm 2 trở đi, người tham gia theo hộ gia đình. Nhận thức của nhiều hộ gia đình về chính sách BHYT còn hạn chế, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chiếm tỷ lệ thấp (41%). Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra do sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm chưa chặt chẽ.
Cùng với đó, tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương vẫn còn, việc thực hiện tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh đã dẫn đến tình trạng một số bệnh viện tuyến dưới “giữ” bệnh nhân lại điều trị, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ; có tình trạng bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế; việc tổ chức, quản lý khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã còn gặp khó khăn.
Đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thảo luận tại hội nghị
|
Đáng chú ý, chính sách “thông tuyến” phát sinh nhiều bất cập, khi người có thẻ BHYT lợi dụng để đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong thời gian ngắn, gây lãng phí quỹ BHYT; một số cơ sở khám, chữa bệnh có cơ chế thu hút người bệnh dẫn đến việc tăng số lượng khám, chữa bệnh so với nhu cầu thực tế, ảnh hưởng đến việc sử dụng quỹ BHYT.
Công tác giám định BHYT còn nhiều vướng mắc khi quy trình giám định thiếu chặt chẽ, giám định điện tử chưa được triển khai đầy đủ, việc giám định tại một cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nhiều lần, kết quả giám định không thống nhất. Tình trạng trục lợi BHYT vẫn diễn ra (lợi dụng chính sách, chỉ định thực hiện dịch vụ không phù hợp, người bệnh đi khám chữa bệnh nhiều nơi, mượn thẻ của người khác để khám bệnh,…). Việc người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình không tương thích với nhóm đối tượng tham gia đóng BHYT.
Ngoài ra, Luật BHYT chưa có điều chỉnh đến yếu tố nước ngoài, chưa có quy định cụ thể đối tượng nào thuộc diện tham gia dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Người dân sẽ không phải chi tiền túi khi có BHYT
Theo TS. Lê Văn Khảm, trong kiến nghị dự thảo Luật BHYT sửa đổi, quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ được điều chỉnh – quỹ BHYT không chỉ chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh như hiện nay mà còn chi trả cho các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Về lâu dài, quỹ BHYT sẽ được sử dụng có hiệu quả, người dân sẽ không phải chi tiền túi khi có BHYT.
Đại biểu tham dự hội nghị
|
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đã định danh một cách rõ ràng vấn đề lạm dụng, trục lợi BHYT. Từ đó, các đơn vị liên quan có nhận thức rõ ràng về trục lợi BHYT, ngăn chặn vi phạm có thể xảy ra.
Kỳ vọng lớn nhất được đặt ra đối với dự thảo Luật BHYT sửa đổi đó là thực hiện được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, mọi người dân đều tham gia BHYT, quỹ BHYT phải đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT để giảm chi tiền túi cho người dân.
Bên cạnh đó, cách thức tổ chức, vận hành của các cơ quan có liên quan (BHYT, Bảo hiểm xã hội,…) phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn vướng mắc phát sinh.