Cải thiện chính sách bảo hiểm y tế cho người khuyết tật:

Ưu tiên mở rộng danh mục chi trả BHYT cho người khuyết tật

VietTimes -- Mặc dù đã có những quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho người khuyết tật (NKT) được chăm sóc sức khỏe, song, các chính sách đó vẫn tồn tại những hạn chế. Theo các chuyên gia, vấn đề cấp thiết cần được cải thiện trước mắt là các quy định về dụng cụ hỗ trợ để bước đầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho NKT.
Buổi hội thảo về chính sách bảo hiểm y tế dành cho người khuyết tật  tổ chức sáng 23/8 tại Hà Nội.
Buổi hội thảo về chính sách bảo hiểm y tế dành cho người khuyết tật tổ chức sáng 23/8 tại Hà Nội.

Đây cũng là nội dung được các chuyên gia bàn bạc trong hội thảo về Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đối với NKT - Thực trạng và định hướng sửa đổi, bổ sung, do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ BHYT, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế phối hợp với The International Center tổ chức tại Hà Nội ngày 23/8.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, ngành y tế cùng với ngành LĐ-TB-XH đã, đang và sẽ dành nhiều sự quan tâm cho NKT. Với tinh thần đó, Bộ Y tế đã xây dựng những thông tư, nghị định, văn bản pháp quy để có quyền cho NKT được chăm lo sức khỏe và sẽ xem xét những phần chính sách, cùng với các cơ quan khác tiếp tục đề xuất chính sách cần thiết mang tính nhân văn trong khuôn khổ pháp luật cho NKT có thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Những hạn chế còn tồn tại

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT vào năm 2016 – 2017. Trong khi đó, năm 2017, dân số toàn quốc là khoảng 95 triệu người. Con số này cho thấy NKT chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng, cần được cộng đồng và xã hội chăm sóc.

ThS. Lê Tuấn Đống – Trưởng phòng Phục hồi chức năng và Giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, NKT phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đa số NKT thuộc nhóm người dân nghèo nhất trong xã hội. Họ có sức khỏe yếu, thường xuyên bị ốm, bệnh, chấn thương, phải sử dụng nhiều dịch vụ y tế hơn so với người bình thường khoảng 20%.

Bên cạnh đó, theo Điều tra quốc gia về NKT năm 2016, có 21,74% NKT vận động từ 18 tuổi trở lên sử dụng công cụ hỗ trợ và con số này đang ngày càng tăng lên. Nhưng nhiều NKT không thể tiếp cận các dụng cụ này do phải tự chi trả chi phí mua, còn bảo hiểm y tế (BHYT) chưa hỗ trợ nhiều trong phương diện này.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại sự kiện.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại sự kiện.

Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về NKT Việt Nam chia sẻ, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú cho NKT; tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ và cấp phát thuốc miễn phí cho NKT trong các cơ sở bảo trợ xã hội; NKT nặng và đặc biệt nặng được cấp thẻ BHYT với mức hỗ trợ 100%; trẻ khuyết tật được phát hiện sớm và can thiệp sớm; công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng từng bước được quan tâm…

Song, thực tế, vẫn còn nhiều NKT chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ gồm: NKT nhẹ chưa được cấp hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT; đặc biệt, nhiều danh mục dụng cụ hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với NKT chưa được BHYT chi trả khiến cho NKT gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dụng cụ trợ giúp cơ bản, thiết yếu…

Nguyên do của tình trạng này một phần đến từ việc chưa nhận thức, đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của dụng cụ trợ giúp đối với NKT. Do đó, còn tồn tại những quan niệm chưa đúng về dụng cụ hỗ trợ NKT, đánh đồng dụng cụ với quan niệm thẩm mỹ, ngân sách BHYT chi cho đối tượng NKT còn hạn hẹp…

Người khuyết tật làm việc tại cơ sở sản xuất đồ thủ công (Ảnh minh họa).
Người khuyết tật làm việc tại cơ sở sản xuất đồ thủ công (Ảnh minh họa).

Một số chính sách, quy định pháp luật trong luật cũng đã bộc lộ hạn chế. Ví dụ, điều 23 của Luật Bảo hiểm y tế 2008 quy định các trường hợp không được hưởng BHYT gồm: điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ mắt; sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng… Ông Lê Tuấn Đống đánh giá, điều này đã hạn chế rất lớn việc cung cấp và sử dụng các dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng trong thời gian qua.

Cần công nhận dụng cụ hỗ trợ là vật tư y tế

ThS. Lê Tuấn Đống cũng chia sẻ, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho NKT gồm: tạo điều kiện, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; gia đình NKT có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để NKT được tham gia và được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng có trách nhiệm tham gia hướng dẫn hoạt động chuyên môn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; UBND các cấp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Người khuyết tật chụp (Ảnh: UNICEF)
Người khuyết tật chụp (Ảnh: UNICEF)

Tuy nhiên, với các hạn chế đã nêu, ThS. Lê Tuấn Đống cho rằng các chính sách cần được tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để để các dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng được công nhận là vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, nhằm giảm bớt khó khăn cho người bệnh, NKT khi họ cần phải sử dụng các vật tư này trong khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Thanh cũng chỉ ra, vấn đề dụng cụ trợ giúp đối với NKT chưa được các cơ quan quản lý thống nhất do có 1 số quan điểm cho rằng vấn đề dụng cụ trợ giúp NKT chỉ vật thẩm mỹ thay vì đó là hỗ trợ chức năng.

Vì vậy, ông kiến nghị các bộ, ngành cần phối hợp để nghiên cứu nhu cầu sử dụng dụng cụ trợ giúp của NKT, đưa ra các đánh giá ục thể vai trò và tác động của dụng cụ trợ giúp đôi với NKT và mở rộng danh mục BHYT chi trả dụng cụ trợ giúp cho NKT. Theo ông, trước tiên, cần đưa vào danh sách các dụng cụ cơ bản thiết yếu gồm máy trợ thính, thiết bị hỗ trợ tăng thị lực cho người khiếm thị; chân tay giả, nẹp chỉnh hình, nạng, xe lăn...