Đây là nỗ lực của Bệnh viện và là bước đi cụ thể trong hiện thực hóa chuyển đổi số y tế: Bác sĩ có thêm “trợ lý AI”, bệnh nhân được chẩn đoán nhanh, ghi hồ sơ bệnh án tự động, giảm thời gian chờ và nâng cao chất lượng điều trị.

AI đọc X-quang trong vài giây
Một bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện E đã đưa phim X-quang vừa chụp ra và được thấy ngay khả năng phân tích ảnh X-quang của VEM.AI: Chỉ trong vài giây, AI đã đưa ra các khả năng chẩn đoán bệnh từ hình ảnh X-quang, là bệnh nhân bị viêm phổi và cần phải gặp bác sĩ của Khoa hô hấp để khám chuyên sâu và điều trị. Việc này hỗ trợ bác sĩ đánh giá nhanh và chính xác hơn.
Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, ứng dụng AI như VEM.AI giúp bác sĩ rút ngắn quy trình khám bệnh và cải thiện độ chính xác, nhờ tận dụng kho dữ liệu y tế lớn.
Không dừng ở hỗ trợ chẩn đoán, VEM.AI còn có thể tự động ghi chép, tóm tắt hồ sơ bệnh án – công việc vốn mất nhiều thời gian và nhân lực. Nhờ đó, phần việc thủ công của điều dưỡng được giảm tải, thời gian chờ khám của bệnh nhân cũng được rút ngắn rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Quản lý ứng dụng, Trung tâm Thanh toán số Viettel Digital, cho biết ứng dụng VEM.AI là sản phẩm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nhân viên y tế trong KCB do Viettel phát triển, được ứng dụng trên hạ tầng thông thường của Bệnh viện E.
Phần mềm này sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs), có khả năng tương tác bằng tiếng Việt, hỗ trợ bác sĩ trong việc đưa ra chẩn đoán và kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.
Sản phẩm được huấn luyện từ dữ liệu thực tế của hơn 10 khoa tại Bệnh viện E và tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ đầu ngành. Hiệu quả hỗ trợ khám, chữa bệnh hiện đạt trên 90% – theo báo cáo nội bộ của bệnh viện trong giai đoạn thử nghiệm.

AI không thay bác sĩ, nhưng có thể giúp bác sĩ “thay da đổi thịt”
TS Hựu nhấn mạnh, AI không nhằm thay thế bác sĩ, mà để đồng hành như một “bác sĩ biết tuốt” đứng sau bác sĩ thật, hỗ trợ mọi lúc mọi nơi, xử lý lượng lớn thông tin y khoa, giúp bác sĩ đưa ra quyết định nhanh và chính xác hơn, để chăm sóc người bệnh tốt hơn, nhanh hơn, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh bệnh viện ngày càng nhiều bệnh nhân, dữ liệu ngày càng phức tạp.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Trường Đại học FPT, cho biết đơn vị đang đầu tư hơn 1.000 kỹ sư công nghệ vào lĩnh vực AI y tế. Trong tương lai gần, các thiết bị y tế ứng dụng AI có thể được đưa tới tận nhà dân – từ đo nhịp tim, SPO2 đến tầm soát ngưng thở khi ngủ – chỉ bằng sóng wifi gia đình.
Ý tưởng đưa VEM.AI vào hỗ trợ các nhân viên y tế ở Bệnh viện E, theo TS Hựu, xuất phát từ thực tiễn ghi chép hồ sơ bệnh án của các bác sĩ, cũng như tóm tắt hồ sơ bệnh án khi ra viện của người bệnh còn mất thời gian, nhiều khi không đảm bảo chính xác…
Việc ứng dụng AI vào KCB sẽ giải quyết được các rào cản đang tồn tại, mà lại giải phóng được một điều dưỡng đang hỗ trợ bác sĩ tại mỗi bàn khám, giảm tối đa thời gian chờ của bệnh nhân.
Khi có kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, phần mềm sẽ đưa ra kết luận bệnh nhân mắc bệnh gì và kê đơn thuốc ngay, Phần mềm này còn xây dựng cá nhân hóa của người thầy thuốc bằng trợ lý “ảo” trong các chuyên ngành khác nhau, tư vấn 24/24h. Thông tin của AI phụ thuộc thuật ngữ và kiến thức do bác sĩ cung cấp trong quá trình KCB.
Bác sĩ sẽ duyệt những thông tin mà trợ lý “ảo” trước khi cung cấp cho người bệnh.
