
Mạo danh cơ quan nhà nước để lừa đảo tuyển dụng
Thông tin vào chiều nay, 23/7, đại diện Cục ATTP Bộ Y tế cho biết đã phát hiện một fanpage Facebook có địa chỉ: https://www.facebook.com/profile.php?id=61551730141551, sử dụng trái phép tên gọi, logo và hình ảnh nhận diện của Cục để lừa đảo người dân.
Fanpage này không chỉ khiến người dùng hiểu nhầm là kênh chính thống mà còn lan truyền thông tin sai sự thật về việc tuyển dụng công chức vào Cục ATTP và hình ảnh các cá nhân đăng tải trên fanpage còn được gán là công chức, viên chức đang công tác tại Cục, trong khi hoàn toàn không đúng sự thật.
Cục ATTP khẳng định hiện Cục không có hoạt động tuyển dụng công chức, và kênh thông tin chính thức duy nhất là trang Thông tin điện tử của Cục tại địa chỉ https://vfa.gov.vn.
Trước sự việc này, Cục ATTP đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chia sẻ hoặc tương tác với các nội dung từ fanpage giả mạo. Nếu phát hiện vi phạm, người dân có thể gọi đến đường dây nóng 0243.232.1556 để báo cáo. Đồng thời, Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật này.

Giả danh Bệnh viện ĐHYHN để chèo kéo, trục lợi
Không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, nhiều bệnh viện cũng trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội. Bệnh viện ĐHYHN vừa phát đi cảnh báo về một nhóm cộng đồng hoạt động trên Facebook mang tên “Bệnh viện Đại học Y Hà Nội”, thu hút hàng nghìn thành viên tham gia nhưng hoàn toàn không do Bệnh viện lập ra, cũng không thuộc sự quản lý, điều hành của Bệnh viện.
Nhóm này thường xuyên đăng tải thông tin liên quan đến việc khám chữa bệnh, giá cả, chia sẻ trải nghiệm cá nhân… nhưng toàn bộ nội dung chỉ là ý kiến cá nhân, không được xác minh chuyên môn và không đại diện cho tiếng nói của Bệnh viện. Một số nội dung còn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng bởi “cò khám bệnh”, giả danh nhân viên y tế hoặc kêu gọi từ thiện không minh bạch.
Vì vậy, Bệnh viện ĐHYHN khuyến cáo người dân và cộng đồng chỉ tiếp cận thông tin qua các kênh chính thức: Fanpage có dấu tích xanh "Bệnh viện ĐHYHN", website http://benhviendaihocyhanoi.com, và tổng đài đặt lịch khám 1900 6422.
Bệnh viện cũng đề nghị người dân không chia sẻ thông tin cá nhân, kết quả khám bệnh hay tình trạng sức khỏe lên các nhóm cộng đồng không do bệnh viện quản lý, tránh bị thu thập, sử dụng sai mục đích.
Đặc biệt, Bệnh viện ĐHYHN khuyến cáo người dân cảnh giác trước các lời kêu gọi hỗ trợ, chuyển khoản ủng hộ, đặc biệt là những nội dung không có xác minh, chứng cứ rõ ràng.

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện một số fan page mang danh “Bệnh viện Việt Đức”, “Bệnh viện Việt Đức – Hà Nội” để quảng cáo việc điều trị xương khớp, cột sống, nhưng hoàn toàn không phải của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức – một bệnh viện ngoại khoa hàng đầu.
Cần mạnh tay xử lý các hành vi giả mạo cơ quan y tế trên mạng
Thực tế cho thấy, tình trạng mạo danh cơ quan nhà nước và bệnh viện trên mạng xã hội để trục lợi đang diễn ra ngày càng tinh vi, có tổ chức. Không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan chức năng, hành vi này còn đe dọa trực tiếp đến quyền lợi, tài sản, thậm chí sức khỏe của người dân.
Vì thế, đề nghị các cơ quan chức năng sớm xác minh, gỡ bỏ các fanpage, nhóm giả mạo trên nền tảng mạng xã hội, đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng đứng sau hành vi lừa đảo, lợi dụng danh nghĩa y tế để thu lợi bất chính.
Nhà nước đang tăng cường chống hàng giả, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, thì việc mạo danh các cơ sở, cơ quan y tế cũng cần được mạnh tay xử lý, vì hậu quả của nó rất khó lường.
Trước môi trường thông tin hỗn loạn như hiện nay, người dân cần nâng cao cảnh giác, không chia sẻ thông tin cá nhân và tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không rõ danh tính, không có xác nhận chính thức từ cơ quan y tế.
Người dân chỉ tiếp cận thông tin y tế từ các nguồn chính thống, xác minh rõ ràng, và có sự kiểm duyệt chuyên môn. Cảnh giác với những lời mời gọi hấp dẫn, những fanpage lấy danh nghĩa cơ quan chức năng nhưng không có bất kỳ dấu hiệu xác thực nào, là cách tự bảo vệ bản thân và người thân trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Mạo danh hàng loạt bác sĩ, bệnh viện để quảng cáo bán thuốc và lừa người dân đến phẫu thuật, làm đẹp

Phòng khám da liễu gắn mác “Viện thẩm mỹ Quốc tế CCI Beauty Center”, mạo danh nhiều bệnh viện

Mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy quảng cáo điều trị hiếm muộn trên mạng xã hội
