Bắt 20 con côn trùng làm món ăn cho bữa trưa
Thông tin vào sáng nay, 21/7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Ngày 11/7/2025, ông Lèng Văn C., 56 tuổi, người dân tộc Nùng, trú tại thôn Cốc Chứ, xã Mường Khương, tỉnh Lào Cai, tử vong trên đường chuyển viện sau khi ăn một loại côn trùng lạ bắt trên nương ngô.
Theo lời kể của vợ nạn nhân – bà Pờ Thị N., sáng 9/7, khi hai vợ chồng đi làm rẫy, ông C. phát hiện nhiều con sâu (bọ) nhỏ có cánh, màu đen xen cam, thường bu trên hoa bí. Nghĩ rằng đây là loại côn trùng ăn được, ông bắt khoảng 20 con mang về rửa sạch, rang với mỡ và muối làm món ăn cho bữa trưa.
Khoảng 11h cùng ngày, ông C. ăn hết phần côn trùng trong bữa cơm. Dù thấy vị đắng ngay từ con đầu tiên, ông vẫn tiếp tục ăn vì cho rằng đó là “thuốc quý”. Trước đó, ông từng nghe nói loại sâu này được thu mua để bán sang Trung Quốc làm thuốc với giá cao. Người vợ không ăn món này.
Chỉ hơn một tiếng sau, ông C. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ngộ độc: buồn nôn, nôn liên tục, đau bụng dữ dội quanh rốn, đi ngoài nhiều lần, tức ngực, khó thở. Khoảng 15h, gia đình vội đưa ông đến và do diễn biến nặng, ông tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai trong tình trạng nguy kịch, nhưng không qua khỏi vào ngày 11/7.

Loài côn trùng nghi là sâu ban miêu – độc tính cực mạnh
Qua mô tả từ người nhà, loại côn trùng mà ông C. ăn có nhiều điểm tương đồng với sâu ban miêu – loài côn trùng có hình dạng nhỏ, dài 2–3 cm, thân màu đen xen cam, hai râu dài, thường sống trên cây bí vào mùa hè.
Sâu ban miêu chứa cantharidin, một chất độc cực mạnh không bị phá huỷ bởi nhiệt độ khi nấu chín. Cantharidin có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ tiêu hoá, gan, thận, gây viêm loét, xuất huyết nội tạng, suy đa tạng và tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Đây không phải là vụ tử vong đầu tiên liên quan đến việc ăn côn trùng lạ ở vùng núi phía Bắc.
Trước đó, tháng 8/2024, tại Gia Lai, anh Đinh Sêp, 27 tuổi, tử vong sau khi ăn khoảng 10 con sâu ban miêu. Anh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc chỉ sau 30 phút và không qua khỏi dù được cấp cứu.
Tại Sơn La, cụ ông L.V.M (72 tuổi) cũng đã tử vong do ngộ độc sâu ban miêu sau hai ngày điều trị tại bệnh viện với các phản ứng sốc, co giật, suy hô hấp, nôn ra máug.
Tháng 6/2024, một người đàn ông ở Yên Bái đã ăn sâu ban miêu để tăng cường sinh lý và chỉ sau 30 phút, đã bị ngộ độc, tiểu ra máu, buồn nôn, đau bụng, tê bì đầu lưỡi và mặt. Nhưng may mắn, bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cứu sống.
Tất cả các vụ việc đều có điểm chung: Người dân nhầm tưởng sâu ban miêu là thực phẩm ăn được hoặc thậm chí là “thuốc bổ”, trong khi đây là một trong những loài côn trùng có độc tính cao nhất trong tự nhiên.

Chưa có thuốc giải đặc hiệu
TS Phạm Đăng Hải, Phụ trách Chủ nhiệm khoa Hồi sức nội khoa và chống độc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lưu ý: Tuyệt đối không ăn các loại côn trùng lạ, kiểm tra kỹ khi mua rau củ quả để không lẫn sâu ban miêu trong thực phẩm. Lưu ý khi sử dụng thuốc đông y vì một số bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc thường có thành phần từ sâu ban miêu. Khi nghi ngờ bị ngộ độc sâu ban miêu, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Theo GS.TSKH Vũ Quang Côn, Hội Côn trùng học Việt Nam, ban miêu thuộc loại độc bảng A, nếu con người tiếp xúc phải, nhẹ thì gây rộp da, bỏng, nặng thì có thể tử vong. Cantharidin không có thuốc giải đặc hiệu, điều trị chủ yếu là hồi sức tích cực và lọc máu. Tỷ lệ tử vong rất cao.
Ngộ độc sâu ban miêu thường rất đau đớn và nặng với những triệu chứng ở dạ dày và ruột, tiểu tiện ít và có máu, dương vật cương do những rối loạn về thần kinh và có thể tử vong trong vòng 24 giờ.
