
Kích hoạt hệ thống hội chẩn trực tuyến, khám bệnh từ xa
Trao đổi với VietTimes tối 22/7, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam cho biết ngay khi nhận thông tin từ BV Đa khoa Điện Biên về việc hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân trong vụ sập cầu treo Pa Thơm, BV Việt Đức đã khẩn trương hội chẩn trực tuyến qua hệ thống Telemedicine (khám bệnh từ xa) với sự tham gia của các chuyên gia ở các lĩnh vực.
Khi phim chụp của các bệnh nhân được gửi vào hệ thống hội chẩn và qua hệ thống PACS (lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế), các bác sĩ đã trực tiếp đánh giá và lên phương án xử trí từng trường hợp cho các bác sĩ tuyến dưới.
Theo PGS Khánh, trong 3 bệnh nhân, nặng nhất là anh L.X.T (43 tuổi, trú TP. Điện Biên Phủ) bị chấn thương ngực hai bên, gãy nhiều xương sườn, tràn máu và khí màng phổi phải, tổn thương phổi phức tạp.
“Chúng tôi nhận định bệnh nhân này không chỉ bị chấn thương khi xe rơi xuống nước, mà còn có khả năng bị đuối nước. Những tổn thương kết hợp này khiến phổi tiến triển rất nhanh theo hướng suy hô hấp cấp tính. Có thể chỉ vài giờ sau, phim chụp phổi đã cho thấy hình ảnh mờ trắng lan tỏa, nguy cơ suy hô hấp nặng” - PGS Khánh phân tích.
Bệnh nhân đã được dẫn lưu màng phổi, hút ra khoảng 450 ml máu và khí. Tuy nhiên, do tình trạng hô hấp rất xấu, bị đụng dập phổi, nên ngay sau hội chẩn, theo tư vấn của các chuyên gia của BV Việt Đức, bệnh nhân đã được chuyển về BV để điều trị.
“Sau khi chúng tôi trao đổi kỹ tình hình, tiên lượng về sức khoẻ bệnh nhân, BV Đa khoa Điện Biên lập tức bố trí xe cứu thương có máy thở để vận chuyển bệnh nhân về Hà Nội ngay trong đêm. Đồng thời, ekip trực của ngoại khoa và hồi sức cấp cứu của BV Việt Đức cũng sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân ngay khi xe về tới, dự kiến khoảng 23h đêm nay” - PGS Khánh nói.

Hai bệnh nhân khác đã tạm ổn, tiếp tục theo dõi sát
Hai bệnh nhân còn lại gồm anh V.B.L (34 tuổi, Điện Biên) bị chấn thương ngực kín, gãy một số xương sườn bên phải, tràn khí màng phổi – đã được xử lý dẫn lưu và hỗ trợ hô hấp tại chỗ; chị T.K.T (57 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) bị chấn thương phần mềm vùng đầu, không có tổn thương nội sọ.
PGS Khánh nhận định cả hai trường hợp này hiện ổn định, có thể tiếp tục theo dõi tại chỗ. Tuy nhiên, BV Việt Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn từ xa nếu có bất thường xảy ra.
“Chúng tôi có mạng lưới hội chẩn Telemedicine thường xuyên với các BV tuyến tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng cao. Với những ca vượt quá khả năng xử trí của tuyến dưới, hoặc có nguy cơ biến chứng nặng, chúng tôi sẽ hỗ trợ chuyên môn và tiếp nhận điều trị nếu cần”, ông Khánh nhấn mạnh.
Ngoài BV Đa khoa Điện Biên, BV Việt Đức còn sẵn sàng các đội cấp cứu ngoại viện để có thể lên đường bất cứ lúc nào nếu tuyến dưới yêu cầu, đặc biệt trong bão lũ đang diễn ra.

Sập cầu, ô tô rơi xuống sông cuốn theo 3 người
Trước đó, khoảng 8h30 ngày 22/7, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ bão Wipha, cáp chính phía phải của cầu treo Pa Thơm bắc qua sông Nậm Núa, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên bất ngờ bị đứt khiến mặt cầu sập nghiêng. Thời điểm này, ô tô bán tải chở 3 người và một xe máy đang lưu thông qua cầu thì gặp nạn.
Chiếc bán tải rơi xuống lòng sông, mang theo cả 3 người trên xe; người đi xe máy bị hất văng xuống bờ sông.
Nhờ sự ứng cứu kịp thời của lực lượng ứng trực bão lũ và người dân địa phương, cả 4 nạn nhân đều được cứu sống và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Bé 10 tuổi thoát nạn vụ lật tàu ở Hạ Long được chăm sóc, theo dõi tâm lý lâu dài

VEM.AI vào Bệnh viện E: Trợ lý ảo, bác sĩ thật, bệnh nhân hưởng lợi
