Đề xuất áp dụng tối đa khung giá dịch vụ y tế để nâng cao ý thức tham gia bảo hiểm y tế

VietTimes – Đại biểu TP.HCM đề xuất thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước quy định tại Thông tư số 31 của Bộ Y tế. Nội dung này được UBND TP. HCM trình bày trước HĐND TP. HCM vào sáng 7/12.

Đề xuất áp dụng tối đa khung giá dịch vụ y tế để nâng cao ý thức tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: BHXH
Đề xuất áp dụng tối đa khung giá dịch vụ y tế để nâng cao ý thức tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: BHXH

Hiện nay, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tại TP.HCM chiếm gần 88%; còn 12,4% người dân chưa tham gia BHYT. Bên cạnh đó, đối tượng người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo, các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. 

Do đó, theo tờ trình Nghị quyết về việc quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, việc áp dụng tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT sẽ không ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng của toàn thành phố.

Hơn nữa, khi áp dụng tối đa khung giá dịch vụ y tế sẽ tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có BHYT. Từ đó nâng cao ý thức tham gia BHYT của người dân.

Theo nội dung tờ trình Nghị quyết về việc quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước tại TP.HCM, các bệnh viện (BV) có giường bệnh, trung tâm y tế tuyến tỉnh có chức năng khám, chữa bệnh; trung tâm y tế huyện thực hiện các chức năng phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh đã được xếp hạng sẽ áp dụng mức giá của BV tương đương. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng áp dụng mức giá của BV hạng IV.

Áp dụng tối đa khung giá dịch vụ y tế sẽ tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có BHYT. Ảnh: SYT
Áp dụng tối đa khung giá dịch vụ y tế sẽ tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có BHYT. Ảnh: SYT

Các phòng khám đa khoa khu vực, nếu có giấy phép hoạt động dưới hình thức BV hoặc thuộc trường hợp quy định tại Nghị định 155 năm 2018 của Chính phủ chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh ngoại trú thì áp dụng mức giá quy định của BV hạng IV.

Đại biểu đề xuất áp dụng mức giá bằng 50% mức giá/ngày/giường nội khoa loại 3 của BV hạng IV trong trường hợp Sở Y tế quyết định phải có giường lưu.

So với Thông tư 37 năm 2018 thì nội dung về mức giá của Thông tư 14 năm 2019 không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh, chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390 đồng sang mức 1.490.000 đồng.

Trong khi đó, so với Thông tư 02 năm 2017 (quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước), nội dung của Thông tư 14 năm 2019 tăng khoảng 13%-15% đối với mức giá khám bệnh ngày/giường và tăng khoảng 3-4% đối với mức giá dịch vụ kỹ thuật y tế.