Việc dư luận có nhiều ý kiến xoay quanh môn học Lịch sử ở cấp THPT trong thời gian gần đây là có nhiều nguyên nhân, và cũng là điều không khó hiểu, như tiếp nhận thông tin sai lệch, mức độ tiếp cận chương trình, sự am hiểu về giáo dục, v.v..
Tuy nhiên, cho đến khi các cơ quan đầu não trong bộ máy của thể chế “có ý kiến” thì mới là vấn đề thực sự! Vì sao? Trước khi xây dựng, công bố, và áp dụng thì chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) đã trải qua lần lượt các bước theo đúng quy trình.
Đầu tiên, Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Sau đó, Thực hiện Nghị quyết 29, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Rồi để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Môn Sử là môn học trong nhóm lựa chọn đã được bộ GD&ĐT quyết định từ chính những tiền đề này!
Ấy vậy mà, khi chỉ còn vài tháng nữa là bước vào năm học mới, là lúc môn Sử của chương trình mới ở cấp THPT chính thức được áp dụng, thì chính các cơ quan đã ban hành các văn bản quyết định công cuộc đổi mới lại “quay xe”.
Từ những phản ứng của dư luận với tính chất như đã nói trong phần mở đầu, ngày 22/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đã “đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến theo hướng quy định môn học Lịch sử là bắt buộc ở cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Tiếp nối Quốc hội, ngày 23/5, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng khẳng định “sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông”.
Như thế, hai cơ quan đã từng ra Nghị quyết và Quyết định với những nội dung như “Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” (Nghị quyết 88), “Ở cấp THPT, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn” (Quyết định 404); nay bỗng nhiên lại ra yêu cầu quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc.
Xin lưu ý, chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT xây dựng là dựa trên chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ như đã nhắc lại ở trên và đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến toàn dân từ ngày 12/4/2017 đến ngày 20/5/2017; và đồng thời sau khi trải qua các vòng thẩm định của các hội đồng bao gồm Hội đồng thẩm định chương trình tổng thể và Hội đồng thẩm định chương trình môn học rồi mới chính thức công bố vào ngày 26/12/2018.
Tất cả những diễn tiến trên đây, bắt đầu từ Nghị quyết 29 của Đảng, qua Nghị quyết 88 của Quốc hội, đến Quyết định 404 của Chính phủ cho sự ra đời Chương trình 2018 là cả một quãng đường dài mà các cơ quan trực tiếp chỉ đạo, thẩm định, giám sát đều có trách nhiệm lớn như là người đã sinh thành ra chương trình này. Chưa xét đến tính chất hợp lý hay không hợp lý của việc môn Lịch sử nằm trong nhóm lựa chọn, nhưng nay nếu muốn thay đổi thì trách nhiệm ấy, tất nhiên rồi, không phải chỉ thuộc về một mình Bộ GD&ĐT!
Thêm nữa, việc thay đổi một chương trình giáo dục không phải là việc đơn giản, nếu không nói là vô vàn khó khăn mà không thể một sớm một chiều có thể thực hiện được. Chỉ cần đưa Lịch sử từ nhóm lựa chọn sang nhóm bắt buộc thì không những bản thân chương trình môn Sử phải viết lại, mà toàn bộ các môn khác cũng cần phải điều chỉnh. Đó là cả một núi việc mà phải mất nhiều năm mới có thể hoàn thành. Đó cũng lại là chưa nói đến việc phải viết lại sách giáo khoa! Nghĩ đến đó thôi là ta không thể nói bừa được nữa.
Riêng chúng tôi, người trực tiếp đứng lớp ở Phổ thông, ủng hộ việc phân luồng và hướng nghiệp với quy định cụ thể rằng môn Lịch sử thuộc nhóm môn học lựa chọn. Vì đây là một chủ trương đúng, tiến bộ, hiện đại và có ý nghĩa lớn đối với việc đào tạo nguồn nhân lực lẫn phát huy năng lực ở người học theo hướng cá biệt hóa.
Học lịch sử, trước tiên là để biết sự thật trong quá khứ mà rút ra bài học cho hiện tại, chứ không phải là giáo dục đạo đức. Cho nên những quan niệm cho rằng không quy định bắt buộc học Sử thì sẽ làm giảm lòng yêu nước hay niềm tự hào dân tộc là vừa “trật chìa” vừa không hiểu môn Lịch sử. Thứ hai, Lịch sử cũng như mọi lĩnh vực khác là cần phải gắn với một cái nghề, tức là một công việc tạo ra thu nhập và phục vụ cho cuộc sống. Việc phân luồng, hướng nghiệp đối với Lịch sử cũng bình đẳng như các môn học khác, điều đó hoàn toàn hợp lý.
Việc quan trọng lúc này là cần phổ biến thông tin đầy đủ, chính xác và trang bị tri thức về giáo dục cho đông đảo cử tri để họ biết và hiểu đúng, từ đó, tất cả chung lòng thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục sao cho thành công, chứ không thể tiếp tục hiểu lầm, đổ lỗi, và đẽo cày giữa đường nữa.