Thông tuyến khám, chữa bệnh: Vấn đề gây tranh cãi trong dự án Luật Bảo hiểm y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ điều chỉnh theo 5 nhóm chính sách lớn, trong đó, đặt quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế lên trên hết - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin.

VT_ Thuấn.JPG
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Luật BHYT sửa đổi đặt quyền lợi của người tham gia bảo BHYT lên trên hết

Tại hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 28/6, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, mặc dù có nhiều quan điểm trái chiều.

Luật BHYT hiện hành bộc lộ nhiều bất cập

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số bất cập chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) BHYT của người dân ngày càng đa dạng và kỹ thuật y, dược, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ; một số văn bản quy định, hướng dẫn thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Một số vấn đề về liên quan đến cơ chế tài chính, trong đó có quy định về BHYT chưa tạo động lực, chưa có cơ chế đặc thù cho sự phát triển của y tế cơ sở. Quy trình thanh quyết toán và giám định chi phí KCB BHYT chưa cụ thể, rõ ràng cũng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở KCB.

Vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi, điều chỉnh theo 5 nhóm chính sách lớn: Mở rộng đối tượng tham gia; Mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; Đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; Bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định BHYT; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.

VT_ Hoi thao.jpg
Hội thảo về Luật BHYT thu hút sự quan tâm của nhiều ngành và địa phương

Ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - cho biết thêm những vướng mắc của Luật BHYT hiện nay. Đó là tính tuân thủ pháp luật chưa cao, khó khăn trong mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Việc thực hiện quy định “bắt buộc”, tham gia BHYT theo “hộ gia đình” còn nhiều khó khăn và còn khoảng 9% dân số chưa tham gia.

Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT chưa được giải quyết triệt để. Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế, tình trạng quá tải, thủ tục hành chính phiền hà trong chuyển tuyến, KCB BHYT.

Bên cạnh đó, Luật BHYT chưa quy định hết các nhóm đối tượng tham gia BHYT; chưa bao phủ đầy đủ các dịch vụ KCB đáp ứng quyền lợi của người tham gia BHYT.

Đặc biệt, Luật chưa quy định rõ cơ chế bảo đảm cung ứng và thanh toán BHYT đối với hàng hóa y tế (thuốc, vật tư y tế…) khi không mua sắm được thông qua đấu thầu vv… Đây là điều nhức nhối những năm gần đây, khi các bệnh viện không cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc do vướng mắc trong đấu thầu, khiến người có BHYT vẫn phải tự chi trả, rất thiệt thòi.

Để khắc phục những vấn đề này, Luật BHYT sửa đổi sẽ mở rộng đối tượng tham gia: Nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ có cựu TNXP; cựu dân công hỏa tuyến; thân nhân CNVC quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người đang hưởng trợ cấp xã hội; người cao tuổi (>70 tuổi); người khuyết tật nhẹ có khó khăn về tài chính; người nước ngoài làm việc tại Việt Nam v.v…

Quyền lợi người tham gia BHYT cũng được mở rộng: KCB (theo quy định của Luật KCB); phục hồi chức năng; khám thai định kỳ và sinh con; sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai; sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm một số bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; khám sức khỏe định kỳ; KCB tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; sử dụng vắc xin, sinh phẩm; dinh dưỡng sử dụng trong điều trị vv…

Đặc biệt, Luật BHYT sửa đổi sẽ có BHYT bổ sung, cho phép mở rộng phạm vi, mức hưởng, trao quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ y tế và loại dịch vụ y tế sử dụng.

Cũng theo ông Dũng, Luật BHYT sửa đổi sẽ đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ, nhằm phát huy vai trò y tế cơ sở, y tế tư nhân trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, sẽ quy định rõ các loại hình cơ sở có quyền tham gia ký hợp đồng KCB; cơ sở cung ứng dịch vụ, hàng hóa phục vụ KCB.

Thông tuyến khám, chữa bệnh: Nên hay không?

Tại hội thảo, bà Tống Thị Song Hương - nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế - cho rằng cần làm rõ khái niệm thế nào là “vượt quá khả năng chuyên môn” để chuyển tuyến? Có nên giữ việc thông tuyến KCB BHYT hiện nay không khi đã có quy định về chuyển tuyến?

VT_ Tống Song Hương.jpg
Bà Tống Thị Song Hương - nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế - nêu ý kiến tại hội thảo

Đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam nêu quan điểm: Chính sách thông tuyến huyện đã phá vỡ nguyên tắc quản lý KCB ban đầu, ảnh hưởng đến việc thực hiện phương thức thanh toán theo định suất. Còn thông tuyến tỉnh phá vỡ nguyên tắc chuyển tuyến, tăng lượt KCB nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh và làm tăng chỉ định nhập viện nội trú, tăng số giường nội trú/cơ sở KCB.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, vấn đề bất cập của chính sách thông tuyến KCB BHYT dẫn đến tình trạng bệnh nhân sử dụng dịch vụ vượt tuyến không cần thiết, làm gia tăng chi phí cho KCB BHYT, ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHYT.

VT_ Ông Hòa.jpg
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - phát biểu ý kiến

Quy định về thông tuyến KCB BHYT và áp dụng chính sách tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm giảm tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế của người bệnh tại tuyến y tế cơ sở, dẫn đến tình trạng quá tải tại tuyến trên.

Trái ngược với ý kiến trên, ông Lê Uyển - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam - trao đổi với VietTimes bên lề hội thảo đã khẳng định chính sách thông tuyến là rất đúng đắn. Năng lực y tế tuyến cơ sở còn hạn chế, nhân lực rất thiếu, đầu tư thiết bị hầu như không có gì, nên việc thông tuyến sẽ tránh được nhiều rủi ro, tai biến.

Nhất là hiện nay các bệnh viện tự chủ, nên sẽ muốn giữ bệnh nhân lại, không cho chuyển tuyến. Mà khi có bệnh, mọi người thường sẽ muốn đến bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, vì ở đó thầy thuốc giỏi hơn và thuốc cũng được hưởng cao hơn.

VT_ le Uyển.jpg
Ông Lê Uyển - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam - khẳng định chính sách thông tuyến là rất đúng đắn

“Thông tuyến chính là cởi trói để người dân tham gia BHYT nên tỉ lệ BHYT mới bao phủ như hiện nay, thay cho trước đây chỉ 70-80%, bây giờ trên 90%, riêng Thanh Hóa đạt 99%. Nhờ thế, đã phát hiện được nhiều bệnh mà tuyến huyện không phát hiện được. “Phía chi trả quỹ BHYT nói hạn chế vì họ sợ vỡ quỹ mà thôi. Việc thông tuyến là đảm bảo quyền lợi của người dân và rất có ý nghĩa” - ông Uyển bày tỏ.

VT_ Chủ tịch Pharma.jpg
Chủ tịch Pharma Group góp ý về Luật BHYT sửa đổi

Chủ tịch Pharma Group góp ý một số bất cập của Luật BHYT: Các thuốc mới phải chờ 4-5 năm mới được BHYT chi trả, nên hạn chế sự tiếp cận của người dân. Việc sửa đổi Luật sẽ tạo cơ hội khắc phục những vướng mắc đó, để người dân được tiếp cận các thuốc mới, tạo sự công bằng và giảm tiền túi của người bệnh, đồng thời, sẽ hấp dẫn BHYT hơn.

VT_ Ông Mai.JPG
Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội - lưu ý việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng, cần phải đánh giá tác động để việc mở rộng các phạm phạm vi, quyền lợi cho phù hợp và có lộ trình về tăng mức đóng BHYT, giá dịch vụ y tế.

Ông Mai đặc biệt lưu ý “bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT khi cơ sở y tế không cung cấp được đầy đủ danh mục thuốc, trang thiết bị y tế. Phải có cơ chế bảo vệ bệnh nhân trong phạm vi họ được hưởng”.

Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kết luận: Dự án Luật được sửa đổi toàn diện phải giải quyết được các bất cập hiện hành, nâng cao chất lượng KCB BHYT, đặt quyền lợi của người tham gia BHYT lên hàng đầu. Dự thảo Luật phải đồng bộ với các luật hiện hành, đặc biệt là Luật KCB, giải quyết được công tác thanh toán KCB BHYT.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ được trình Quốc vào tháng 5/2024./.