Cơn sốt đầu tư mới
Xu hướng đầu tư vào các sản phẩm tiết kiệm có lãi suất cao đang định hình lại hệ thống tài chính Mỹ, theo The Wall Street Journal.
Theo dữ liệu của Refinitiv Lipper cập nhật tới ngày 16/8, các quỹ thị trường tiền tệ (chuyên đầu tư vào tín phiếu kho bạc và các chứng khoán nợ kỳ hạn ngắn) đã hút dòng tiền ròng lên tới 36 tỉ USD trong tuần gần nhất, khi mức lợi suất kho bạc tăng vọt lên 5%.
Tài sản trong các quỹ thị trường tiền tệ bán lẻ đã tăng hơn 25% trong năm nay, theo dữ liệu của Fed, lên mức kỷ lục 1,5 nghìn tỉ USD. Các quỹ từ các công ty bao gồm Vanguard Group, Charles Schwab và JPMorgan Chase đang đưa ra mức lợi suất trên 5%.
Quỹ thị trường tiền tệ là một loại quỹ tương hỗ được hầu hết các nhà đầu tư coi như tài khoản ngân hàng, và được xem là an toàn để cất giữ tiền tiết kiệm. Họ chỉ nắm giữ các tài sản lưu động chất lượng cao như trái phiếu kho bạc, và trong một số trường hợp là nợ ngắn hạn của công ty. Các quỹ gần đây đã trả lãi suất trung bình là 5,15%/năm, theo Crane Data, mức cao nhất kể từ năm 1999.
Và các quỹ này không phải là nguồn hỗ trợ duy nhất cho những người tiết kiệm. Các tài khoản tiết kiệm tại nhiều ngân hàng hiện đang trả lãi trên 4%/năm - sau nhiều năm duy trì mức lãi suất gần như bằng 0.
Dòng tiền mặt ồ ạt phản ánh sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng khiến Fed nâng lãi suất với nhịp độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.
Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm chốt vào hôm 18/8 ở mức 4,251%, sát mức cao nhất kể từ năm 2008.
Đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, lãi suất ngắn hạn cao đang mang đến cho họ cơ hội thực hiện điều mà họ không thể vào giai đoạn trước khủng hoảng tài chính năm 2008: gửi tiền vào nơi an toàn và được trả lãi cao.
“Tôi có thể hưởng lãi suất 5% dựa vào lượng tiền gửi của mình mà chả cần làm gì cả, không cần phải hứng rủi ro mất tiền trên thị trường”, Yaacov Teplow-Phipps, 42 tuổi làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Briarcliff Manor, New York, nói.
Mức lãi suất cao do nhiều tổ chức tài chính đưa ra, cùng với sự sụt giảm lãi suất gần đây và làn sóng tái cấp vốn mua nhà vào năm 2021, cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang khá giả hơn so với trước đây. Điều này lý giải tại sao nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mặc dù các nhà kinh tế học và giới đầu tư dự báo về một cuộc suy thoái xảy ra trong năm 2023 – mà giờ nhiều bên đã rút lại.
Giống như nhiều người khác, Teplow-Phipps cho biết ông được hưởng lãi suất vay thế chấp ở mức thấp từ nhiều năm trước. Ông vẫn đang tiêu tiền cho những hoạt động như tổ chức cắm trại cho con cái và sửa chữa ngôi nhà của mình.
“Chúng tôi không hề cắt giảm chi tiêu”, ông nói.
Rủi ro tiềm ẩn với ngành ngân hàng
Theo Freddie Mac, khoảng 2/3 người Mỹ được hưởng mức lãi suất vay thế chấp dưới 4%/năm trong quý đầu năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với mức lãi suất khoảng 7% mà nhiều ngân hàng đang cho vay ở thời điểm hiện tại.
Tất nhiên, sự thay đổi đó không phải là không tiềm ẩn rủi ro. Các ngân hàng địa phương đã chịu nhiều sức ép trong năm nay khi những người tiết kiệm phát hiện ra rằng họ có thể gửi tiền ở nơi khác để hưởng lãi suất cao hơn. Trong quý đầu năm nay, lượng tiền gửi không được tính lãi tại các ngân hàng của Mỹ đã giảm 18% so với một năm trước, theo dữ liệu của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC).
Những khoản tiền gửi đang chảy ra dần làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng tồn tại và triển vọng kinh doanh dài hạn của hàng nghìn ngân hàng nhỏ của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu vào tháng 3 năm nay là ví dụ điển hình nhất về nguy cơ tiềm ẩn nêu trên và nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về rủi ro lãi suất cao hơn sẽ tạo ra nhiều vấn đề trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Nhưng hiện tại, những người dân như Barry Wong không có gì phải lo lắng hay phàn nàn về lợi suất cao hơn.
“Điều này thật tuyệt”, Wong, 44 tuổi làm việc trong ngành bảo hiểm nói. Ông đã mở một tài khoản ở công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab và trong tháng này đã mua trái phiếu kho bạc lần đầu tiên sau nhiều năm đầu tư vào chứng khoán.
Wong, giống như nhiều người khác, đã chốt được lãi suất thế chấp khoảng 3% sau khi tái cấp vốn vào năm 2020. Ông thấy lo lắng trước sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hồi năm ngoái và vẫn kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ xấu đi. Nhưng ngược lại, nền kinh tế lại tiếp tục tăng trưởng.
“Trong 2 năm qua, tôi vẫn luôn nghĩ rằng mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ, nhưng hoá ra không phải”, Wong nói.
Người dân Mỹ nhiều tiền hơn
Các nhà đầu tư cũng đang dựa vào sức mạnh của thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 14% trong năm 2023, bồi đắp thêm cho danh mục của các nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, cơn sốt tiền mặt đã đánh dấu sự thay đổi thái độ đối với cổ phiếu bấy lâu nay. Trước đây, cổ phiếu vốn được coi là nơi tốt nhất và duy nhất để tìm kiếm lợi nhuận cao.
“Lần đầu tiên sau một thời gian dài, chúng tôi hoàn toàn thoải mái khi giữ tiền mặt trong tài khoản của mình”, David Sadkin, một đối tác tại Bel Air Investment Advisors, cho biết. “Chúng tôi có thể quay trở lại cách phân bổ tài sản truyền thống hơn mà không phải chịu rủi ro quá mức để nhận được tiền lãi”.
Sadkin, người thường xuyên làm việc với những cá nhân có tài sản hơn 20 triệu USD, nói rằng ông đã phân bổ 5% đến 10% danh mục đầu tư của khách hàng vào tiền mặt hoặc các khoản đầu tư tương tự tiền mặt, chẳng hạn như trái phiếu kho bạc hoặc quỹ thị trường tiền tệ.
Sadkin cho hay, một năm trước, ông chắc chắn sẽ không phân bổ cho những khoản đầu tư như vậy.
Người dân Mỹ có thu nhập cao hơn, một phần là do những lợi suất tăng, đã giúp thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Một số công ty ở Phố Wall, bao gồm Bank of America, cho biết họ kỳ vọng Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái trong năm nay.
“Hiện tại, người tiêu dùng có rất nhiều thứ để mua”, Stephen Juneau, nhà kinh tế cấp cao của Hoa Kỳ tại Bank of America, cho biết./.
Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm: Phần nổi của 'tảng băng chìm'?
Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm: 'Sóng ở đáy sông'?
Điều gì khiến lạm phát của Mỹ giảm: Các đợt nâng lãi suất của Fed có thực sự hiệu quả?
Theo Wall Street Journal