Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 7/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3.2%, so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này cao hơn mức 3% của tháng 6 nhưng lại thấp hơn mức dự báo 4,8% của các chuyên gia.
CPI lõi - loại trừ thực phẩm và năng lượng - cũng tăng 4,7%, so với cùng kỳ năm ngoái và giảm nhẹ so với mức tăng 4,8% trong tháng trước.
Tuy nhiên, nếu xét theo tháng, bức tranh về xu hướng lạm phát của Mỹ là khích lệ hơn. Trong tháng 7/2023, CPI chỉ tăng 0,2%, so với tháng trước đó. Thêm nữa, chỉ số CPI lõi cũng chỉ tăng 0,2% trong cả hai tháng, điều này cho thấy lạm phát đã không tăng trở lại.
Giới chức Fed tập trung vào chỉ số CPI lõi bởi họ cho rằng đây là chỉ số tốt hơn trong việc thể hiện lạm phát tương lai.
Đặc biệt, chỉ số CPI lõi có thể khuyến khích Fed giữ nguyên lãi suất tham chiếu như hiện tại trong cuộc họp chính sách tháng 9.
Giới chức Fed đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm để kiềm chế lạm phát, bằng cách hạ nhiệt nền kinh tế. Họ đang theo dõi tình hình lạm phát cùng nhiều chỉ số kinh tế khác để cân nhắc xem có tiếp tục nâng lãi suất một lần nữa vào trung tuần tháng 9 hay không. Những dữ liệu này bao gồm CPI mà Bộ Lao động công bố, một trong những thước đo về giá hàng hóa và dịch vụ được nhiều người quan tâm nhất.
Trước đó, các nhà kinh tế học tham gia cuộc thăm dò của Wall Street Journal dự đoán rằng CPI sẽ tăng 0,2% trong tháng 7, so với tháng trước đó và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thuê nhà và ô tô đã qua sử dụng đã tăng mạnh sau khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Nhưng tháng 7 và những tháng sắp tới có thể sẽ chứng kiến đà giảm của giá thuê nhà và giá xe ô tô đã qua sử dụng, từ đó giảm sức ép đối với lạm phát cơ bản, theo Kathy Bostjancic, kinh tế gia đến từ Nationwide.
Giá trung bình của một gallon xăng không chì thông thường tại Mỹ đã tăng dần trong tháng 7 lên 3,76 USD vào cuối tháng, từ khoảng 3,54 USD vào đầu tháng, theo OPIS, nhà cung cấp dữ liệu và phân tích năng lượng. Các nhà kinh tế cho biết, vì chỉ số giá tiêu dùng về cơ bản dựa trên giá trung bình trong tháng, nên việc giá xăng dầu tăng gần đây có thể sẽ tác động nhiều hơn đến dữ liệu lạm phát của tháng 8.
Mặc dù giới chức Fed đã chứng kiến những tín hiệu đầy khích lệ khi sức ép giá đang giảm, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thể hạ nhiệt như kỳ vọng. Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nói rằng ngân hàng trung ương đang muốn thị trường lao động suy giảm hơn, trong đó bao gồm cả tăng trưởng lương.
Sức ép về lương chính là một phần nguyên nhân mà Fed đang theo dõi sát sao một thước đo lạm phát tập trung vào các ngành dịch vụ vốn cần nhiều lao động, ngoại trừ nhà ở và năng lượng. Cái gọi là lạm phát “siêu lõi” và lạm phát lõi có thể không chậm lại trong tháng 7 là do giá vé máy bay và giá phòng khách sạn không giảm như trong tháng 6, theo Pooja Sriram, nhà kinh tế học đến từ Barclays./.
Điều gì khiến lạm phát của Mỹ giảm: Các đợt nâng lãi suất của Fed có thực sự hiệu quả?
Tại sao Fed chưa sẵn sàng tuyên bố chiến thắng lạm phát?
"Vòng xoáy" lạm phát ở châu Âu: Người dân thắt lưng buộc bụng, thực phẩm sắp hết hạn 'lên ngôi'
Theo Wall Street Journal