Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm: Phần nổi của 'tảng băng chìm'?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Washington đã để lại mầm mống của một cuộc khủng hoảng mà Phố Wall không thể bỏ qua.

im-832926.jpg
Ray Dalio, người sáng lập quỹ phòng hộ Bridgewater Associates, cho rằng "tiền mặt đang hấp dẫn" (Ảnh: WSJ)

Khi tiền mặt trở nên hấp dẫn

“Kỳ lạ” là từ mà các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden dùng để mô tả việc Fitch hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ - sự kiện được xem như hồi chuông cảnh tỉnh về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo The Wall Street Journal, cuộc chiến chống lạm phát của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) làm tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và giảm vị thế của Washington trên trường quốc tế. Bởi vậy, các tài sản trú ẩn đang trở nên đặc biệt hấp dẫn.

Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy, các nhà đầu tư sẽ phải 'hy sinh' một khoản tiền lớn nếu đặt niềm tin vào trái phiếu chính phủ,được cho là siêu an toàn.

Ví dụ, nếu bỏ 100 USD mua vào vào trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng vào năm 1928, giá trị khoản đầu tư sẽ tăng lên mức 2.141 USD ở thời điểm cuối năm 2022. Nhưng nếu bỏ vào đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, số tiền có thể tăng lên tới 46.379 USD, và sẽ tăng đến 624.534 USD nếu mua vào cổ phiếu, theo dữ liệu được cung cấp bởi Giáo sư tài chính của Đại học New York Aswath Damodaran.

Đặc biệt, sau khủng hoảng tài chính, đa phần các tài sản ngắn hạn và an toàn đều không mang lại nhiều lợi nhuận.

 a1.png

Tỉ phú Ray Dalio - nhà sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, nổi tiếng với câu nói 'tiền mặt là rác', được đưa ra khi thị trường chứng khoán bùng nổ trong giai đoạn đại dịch.

Nhưng quan điểm của ông đã thay đổi trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn CNBC vào đầu năm nay.

"Tiền mặt đang trở nên khá hấp dẫn. Nó hấp dẫn hơn nhiều so với trái phiếu và càng hấp dẫn hơn so với cổ phiếu", Ray Dalio nói.

Lợi suất tín phiếu kho bạc (T-bills) giờ đây không chỉ cao hơn so với trước khủng hoảng tài chính mà còn vượt mặt các trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài (hiện tượng đường cong lãi suất đảo ngược).

Nhưng có một lý do khác, gây lo ngại hơn nhiều, khiến tiền mặt trở nên hấp dẫn: Trái phiếu kho bạc dài hạn vẫn là tài sản được ưa chuộng trong những thời kỳ khủng hoảng. Lợi suất của trái phiếu 10 năm chính là lãi suất phi rủi ro được sử dụng để định giá tất cả các chứng khoán khác.

Nợ công ở Mỹ đã phình to sau cuộc chiến chống khủng bố, khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch COVID-19. Nhưng gánh nặng lãi vay đã bị lu mờ bởi môi trường lãi suất thấp và hoạt động mua vào trái phiếu của Fed. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ hầu như không nắm bắt được cơ hội lãi suất thấp để phát hành thêm trái phiếu.

Thời điểm 'vàng' để hành động đã qua. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) - nơi thường xuyên cập nhật các dự báo ngân sách dài hạn - nói rằng nợ công của Mỹ sẽ vượt GDP trong năm tài khoá này và lãi suất của 'núi nợ' đó sẽ bằng khoảng 3/4 chi tiêu phi quốc phòng.

Các chương trình Medicare và An sinh xã hội là không thể thương lượng về mặt pháp lý, tương tự là chi tiêu quân sự.

Tuy nhiên, dự báo của CBO quá lạc quan. Họ hình dung lãi suất ròng phải trả cho khoản nợ đó hầu như không vượt quá 3% trong những năm tới mặc dù trái phiếu ngắn hạn và lợi suất trái phiếu ở mức trên 5% hiện nay. Khoản nợ phình to sẽ khiến cho những sự thay đổi nhỏ trong giả định được đưa ra cũng có thể gây ra hậu quả lớn.

Giả sử khoảng 3/4 trái phiếu Kho bạc Mỹ đáo hạn trong vòng 5 năm. Nếu chỉ thêm 1 điểm phần trăm vào lãi suất trung bình trong dự báo của CBO và giữ nguyên các con số khác, điều này sẽ khiến khoản nợ liên bang tăng thêm 3.500 tỉ USD vào năm 2033.

Chỉ riêng tiền lãi hàng năm phải trả của chính phủ Mỹ cho khối nợ nêu trên đã rơi vào khoảng 2.000 tỉ USD. Trong khi đó, nên biết, trong năm 2023, việc truy thu thuế thu nhập cá nhân sẽ mang về cho chính phủ Mỹ nguồn thu khoảng 2.500 tỉ USD.

2.png
Dự báo về lãi ròng trên nợ liên bang mà công chúng nắm giữ, tính theo tỉ USD (Ảnh: WSJ)

Nhiều rủi ro trước mắt

Các khoản lãi kép còn có thể khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ, tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn từng khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các nước như Argentina và Nga.

Sở hữu đồng tiền dự trữ của thế giới và khả năng in tiền giúp Mỹ gần như không phải lo chuyện vỡ nợ nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc miễn nhiễm với mọi biến động.

Để lãi suất tăng đủ cao để thu hút ngày càng nhiều tiền tiết kiệm trên thế giới có thể hiệu quả trong một khoảng thời gian, nhưng cũng có thể nghiền nát thị trường chứng khoán và nhà ở. Fed có thể can thiệp và mua đủ lượng trái phiếu để hạ lãi suất, khiến lạm phát bùng phát trở lại và làm giảm lợi nhuận thực của trái phiếu.

Tầm ảnh hưởng khó định lượng của việc siết chặt tài khóa trong tương lai có thể ảnh hưởng tới vị thế của Washington trên trường quốc tế. Một nước Mỹ với hầu bao eo hẹp cũng sẽ chứng kiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn.

Rất khó để dự đoán thời điểm mà thị trường thực sự quan tâm đến vấn đề này – những vấn đề về ngân sách đã làm dấy lên vô số cảnh báo trong những năm qua. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lựa chọn an toàn bằng tiền mặt sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều so với trước đây./.

Theo Wall Street Journal