Kremlin luôn sẵn sàng
Diễn tập bắn đạn thật là những hoạt động huấn luyện chiến đấu của các lực lượng vũ trang các nước với mục đích làm tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu, khả năng điều hành tác chiến và liên kết phối hợp, kiểm tra thử nghiệm vũ khí trang bị phương tiện chiến tranh trên chiến trường.
Nhưng trên thực tế, diễn tập có bắn đạn thật là hoạt động rất quan trọng với quân đội mỗi nước, nhằm mục đích biểu dương sức mạnh quân sự để răn đe, ngăn chặn hoặc thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang. Đồng thời, diễn tập bắn đạn thật cũng là phương thức nhằm đưa các đơn vị quân đội vào trạng thái sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh.
Trong rất nhiều trường hợp khác nhau, các nước phải tiến hành những hoạt động quân sự nhằm giải quyết những vấn đề xung đột chính trị mà các biện pháp ngoại giao thông thường không thể giải quyết vấn đề.
Nhưng trong lịch sử đấu tranh, có rất nhiều những tình huống mà những xung đột căng thẳng giữa các nước trên thế giới có thể được giải quyết bằng phương pháp phô diễn sức mạnh quân sự và khả năng sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó. Hơn một lần Liên bang Xô viết đã sử dụng khả năng biểu dương sức mạnh quân sự để ngăn chặn những thảm họa chiến tranh.
Một trong những tình huống đó là năm 1979, Kremlin đã có những hành động quyết liệt biểu dương sức mạnh của các lực lượng vũ trang và khả năng sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó để giải quyết những mâu thuẫn chính trị. Và chính sự quyết liệt đó đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Một trong những yếu tố nhanh chóng làm tỉnh lại những nhà chính khách đã mê muội bởi tham vọng chính trị, với sự tự tin thái quá về khả năng của mình, đó là cho họ thấy được sức mạnh quân sự mà trong trường hợp họ vẫn không tự nhìn nhận lại tình huống, họ sẽ phải đối đầu trực diện.
Thực hiện được điều đó thì phô diễn sức mạnh quân sự phải thật sự hiệu quả. Kinh nghiệm phô diễn sức mạnh quân sự nhằm đạt được mục đích chính trị, thông thường nước Mỹ hay nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn.
Nhưng trong thực tế đấu tranh trên thế giới, Liên bang Xô viết vào năm 1979 đã triển khai sức mạnh quân sự của mình một cách quyết liệt và hiệu quả, khiến cho một cường quốc trên thế giới như Trung Quốc buộc phải chùn tay, còn cả thế giới nín thở với sự khủng khiếp chờ đợi ngày “D”.
Xung đột biên giới Trung Quốc – Việt Nam và những ý đồ chính trị.
Vào giữa năm 1978, Bộ máy lãnh đạo Bắc Kinh sử dụng tất các các hình thức chính trị, ngoại giao, áp lực quân sự… nhằm chống lại nước láng giềng Việt Nam, trong đó có cả cái gọi là chiến tranh biên giới của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, với người đứng đầu là Pol Pot, ở Campuchia.
Khi quân tình nguyện Việt Nam cùng với các lực lượng yêu nước Campuchia tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại lực lượng quân sự Khmer Đỏ và chính quyền Pol Pot. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh càng tăng cường sức ép mọi mặt lên nhà nước Việt Nam.
Trung Quốc đã rút đại sứ và tham tán quân sự của mình khỏi Hà Nội, giảm 1/3 biên chế tại đại sứ quán, hủy bỏ chế độ miễn thị thực nhập cảnh các công dân giữa hai nước, chấm dứt viện trợ kinh tế và cắt đứt tuyến giao thông đường sắt giữa hai nước.
Đồng thời, vào tháng 10 và 11 năm 1978, dưới hình thức ngụy trang diễn tập quân sự, đã cơ động di chuyển 9 sư đoàn bộ binh lên các khu vực gần biên giới Việt - Trung. Đồng thời bí mật di chuyển lực lượng không quân từ trung tâm của Trung Quốc đến các sân bay thuộc quân khu Côn Minh Và Quảng Châu.
Vào tháng 1 và nửa đầu tháng 2 năm 1979, PLA tiến hành các hoạt động tích cực chuẩn bị cho chiến tranh, đồng thời cùng lúc tăng cường những hoạt động khiêu khích trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung.
Trên tuyến biên giới, trong biên chế một tập đoàn quân PLA đã triển khai: Thê đội một là 15 sư đoàn bộ binh, thê đội là 2 – 6 sư đoàn dã chiến. Dự bị chiến dịch có 3 sư đoàn. Tổng thể cụm quân lực triển khai các hoạt động tác chiến trên biên giới Việt Trung có thể tăng cường đến 29 sư đoàn.
Ngày 14/2/1979. Ban chấp hành TƯ Đảng cộng sản Trung Quốc phê chuẩn kế hoạch “dạy cho Việt Nam một bài học”, mà thực chất là gây chiến tranh ở biên giới Việt – Trung.
Các hành động quân sự gây chiến thực tế bắt đầu vào chiều ngày 16/2/1979, khi các phân đội PLA từ các đơn vị thê đội 1 lợi dụng đêm tối đã vượt biên giới vào sâu từ 3 km đến 6 km và vòng ra phía sau tuyến phòng thủ thứ nhất của lực lượng Biên phòng và quân đội nhân dân Việt Nam.
Rạng sáng ngày 17/2 lực lượng quân đội PLA ồ ạt tấn công, một số điểm chốt đã bị quân PLA chiếm giữ.
Vào 3h30’ sáng 17/2, sau hơn 30 – 35 phút hỏa lực pháo binh – tên lửa H12 dọn bãi, có những khu vực PLA không sử dụng pháo binh dọn đường, trên 20 điểm thuộc biên giới Việt Trung, quân đội Trung Quốc ồ ạt tiến vào lãnh thổ Việt Nam.
Lực lượng quân và dân Việt Nam đã đánh trả quân xâm lược một cách rất hiệu quả. Các trận đánh ác liệt diễn ra dọc tuyến biên giới với những tổn thất rất lớn cho quân đội PLA vừa thiếu kinh nghiệm tác chiến và vừa sử dụng chiến thuật không phù hợp.
Các trận chiến đấu diễn ra ác liệt ở các hướng Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn. Cuối tháng 2 đầu tháng 3, sau những tổn thất nặng nề, lực lượng xâm lược PLA buộc phải đưa thê đội 2 vào vòng chiến, để cùng với thê đội 1 đánh chiếm thị xã Lạng Sơn.
Tuy nhiên, PLA không giải quyết được hình thái chiến trường đang giằng co quyết liệt. Có những khu vực, quân Trung Quốc vào sâu đến hàng chục km tính từ biên giới. Nhưng trên các hướng khác, lực lượng PLA hoàn toàn không đẩy lùi được quân đội nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt ở hướng Móng Cái, quân đội PLA chỉ vào sâu được từ 2-4km trong vòng một tuần. Nhưng đến ngày thứ 8 thì bị đối phương hất ngược trở lại biên giới.
Những tổn thất chiến đấu này là ngoài dự tính của PLA. Từ đó, ý đồ của Bắc Kinh (trước khi có sự can thiệp mạnh mẽ của Liên Xô) nhằm đánh tan lực lượng quân đội Việt Nam và buộc Việt Nam phải từ bỏ đường lối chính trị đối ngoại độc lập tự chủ không phụ thuộc vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thất bại thảm hại. Đồng thời cũng không buộc quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia.
Tình hình chiến sự chuyển sang giai đoạn giằng co kéo dài và hoàn toàn có khả năng quân đội PLA tăng cường lực lượng để tiếp tục các hành động xâm lấn. Nhưng với PLA, tình huống chiến trường yêu cầu phải chấm dứt ngay tức khắc các hoạt động quân sự, hoặc quân đội PLA rút toàn bộ lực lượng khỏi khu vực biên giới, hoặc xung đột biên giới đe dọa có thể trở thành một cuộc chiến tranh dữ dội, kéo dài.
Lý do vì theo hiệu lực của Hiệp ước hợp tác toàn diện giữa Liên bang Xô Viết và Việt Nam, cuộc chiến nếu kéo dài sẽ trở thành cuộc chiến tranh tổng lực trên hai mặt trận từ phía Việt Nam và Liên xô.
Trung Quốc đã dự tính yêu cầu Việt Nam bắt đầu cuộc đàm phán với những điều kiện khó khăn, dự tính sẽ buộc Hà Nội phải điều chỉnh những mâu thuẫn chính trị trên những yêu cầu mà Trung Quốc đặt ra. Nhưng đề xuất bất bình đẳng đó đã bị Việt Nam bác bỏ.
Liên bang Xô viết quyết định thực hiện sứ mệnh vô cùng khó khăn trong điều kiện tình huống phức tạp và nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên diện rộng. Đó là thiết lập lại sự công bằng và hòa bình trên bán đảo Đông Dương bằng phương pháp biểu dương sức mạnh quân sự.
Nhưng với những cái đầu nóng ở Bắc Kinh, thực hiện giải pháp nửa vời và không quyết liệt là không thể, mà còn thúc đẩy Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh với Việt Nam quyết liệt hơn. Matxcova quyết định hành động rất cứng rắn và quyết liệt ngay từ ban đầu.
Cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới.
Các hoạt động biểu dương sức mạnh và ý chí được quyết định vào đầu tháng 3/1979. Trong giai đoạn từ 12 – 26/3 (với mục đích tạo áp lực quân sự lên Trung Quốc do những hành động gây chiến chống lại Việt Nam), theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên xô, trên tất cả các quân khu vùng biên giới phía Đông, trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương đã tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng và diễn tập hải quân có sử dụng đạn thật.
Trong cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử quân sự có sử dụng lực lượng của 20 sư đoàn binh chủng hợp thành và không quân. Quân số tham gia diễn tập lên đến 200 nghìn quân nhân, 2600 xe tăng, 900 máy bay và 80 chiến hạm.
Những đợt diễn tập lớn nhất được thực hiện tại Mông Cổ. Trong diễn tập có sự tham gia của 6 sư đoàn bộ binh cơ giới và tăng thiết giáp, 3 trong số các đơn vị được điều động từ Siberia và Zabaikalia. Ngoài ra trên lãnh thổ Mông Cổ tham gia diễn tập có 2 lữ đoàn, 3 sư đoàn không quân chiến trường, các đơn vị và phân đội đặc chủng tăng cường.
Cũng trong giai đoạn đó, đồng thời tiến hành các hoạt động diễn tập thực binh của các lực lượng trên vùng Viễn Đông và Đông Kazakhstan, có sự tham gia của các đơn vị binh chủng hợp thành và các đơn vị không quân, phối hợp với lực lượng Biên phòng.
Trong tiến trình diễn tập đã thực hiện nội dung liên kết phối hợp giữa các lực lượng. Các đơn vị và phân đội trong điều kiện khí hậu và môi trường khắc nghiệt đã tiến hành cơ động trên khoảng cách lớn, từ Siberia đến Mông Cổ (hơn 2000 km).
Các đơn vị được tổ chức biên chế thành đơn vị chiến đấu ngay trên tàu hỏa, được vận chuyển bằng đường không. Cụ thể, sư đoàn đổ bộ đường không từ Tula được vận chuyển vào khu vực Chita trên quãng đường dài 5.500 km bằng máy bay vận tải quân sự một đợt bay trong thời gian 2 ngày.
Cùng lúc, các trung đoàn máy bay chiến đấu từ lãnh thổ của Ucraina và Belarusia được cơ động trực tiếp đường không đến các sân bay của Mông Cổ.
Trên những khu vực biên giới với Trung Quốc, các đơn vị phòng thủ biên giới triển khai phác thảo các kế hoạch tổ chức phòng ngự, đánh chặn các đòn tấn công xâm phạm khu vực biên giới, kế hoạch phản kích các đòn tấn công và kế hoạch phản công.
Trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc có gần 50 chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương - trong đó có 6 tàu ngầm - tiến hành các hoạt động sẵn sàng chiến đấu và đồng loạt triển khai diễn tập các hoạt động tác chiến nhằm tiêu diệt lực lượng hải quân đối phương. Riêng vùng biển Primorie tiến hành diễn tập đổ bộ đường biển.
Một trong những mối quan tâm đặc biệt là kinh nghiệm triển khai các cụm quân công kích chủ lực của Lực lượng Không quân trên biên giới với Trung Quốc, do đặc thù có ưu thế vượt trội về không quân, như một phương tiện tác chiến tầm xa, “phi tiếp xúc”. Trong giai đoạn ngày nay sẽ là yếu tố quan trọng làm nguội đi những cái đầu nóng của người láng giềng đầy tham vọng mà không tự lượng sức mình.
Theo các kế hoạch diễn tập, đã tiến hành tổ chức biên chế các cụm chủ lực hàng không công kích của các trung đoàn không quân trên các quân khu gần biên giới Trung Quốc. Các tập đoàn máy bay chiến đấu chuyển sang vị trí đóng quân cố định trong khu vực miền Đông, không chỉ là từ các quân khu lân cận, mà cả từ Pricarpathian, trên quãng đường bay dài tới 7000km trong vòng hai ngày.
Vấn đề không phải là vài chục chiếc máy bay chiến đấu, được rút ra từ các phân đội bay sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, mà là các trung đoàn bay đầy đủ theo biên chế. Cùng với các máy bay chiến đấu, các máy bay vận tải vận chuyển luôn cả các đơn vị hậu cần kỹ thuật, các trang thiết bị, kỹ thuật dự trữ và cơ sở vật chất dự phòng theo biên chế.
Có những thời điểm, trên không trung có mặt cùng lúc bay hàng chục trung đoàn không quân chiến trường. Ngay sau khi các đơn vị không quân hạ cánh, các đơn vị và phân đội không quân lập tức nhận nhiệm vụ và triển khai tham gia huấn luyện diễn tập. Trong quá trình tiến hành các hoạt động chuyển quân và diễn tập chiến đấu tiến công, các kíp lái đã cơ động hơn 5000h, sử dụng hơn 1000 quả bom và tên lửa.
Một khối lượng khổng lồ vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu, cơ sở vật chất, vận chuyển từ Liên bang Xô viết, đã giải quyết toàn bộ vấn đề về trinh sát đường không của địch trên lãnh thổ Việt Nam. Một bộ phận không quân đảm bảo vận tải trên lãnh thổ Việt Nam.
Thành quả và khối lượng không thể tưởng tượng được của hàng không vận tải quân sự đã thực hiện trên cầu hàng không được thiết lập giữa Liên Xô và Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình diễn tập và vận chuyển khí tài chiến đấu trong không đầy một tháng đã tiến hành cơ động 20.000 quân nhân của lực lượng vũ trang Việt Nam, hơn 1000 đơn vị (unit) trang thiết bị chiến đấu, 20 máy bay quân sự và máy bay trực thăng, hơn 3.000 tấn vũ khí trang bị, đạn và cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh.
Liên bang Xô Viết đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, bằng sự giúp đỡ của tinh thần đồng chí, tăng cường sức mạnh quân sự cho quân đội nhân dân Việt Nam bằng giải pháp cung cấp khí tài quân sự.
Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột vũ trang đến tháng 3/1979 theo đường vận tải biển đã chuyển đến Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe thiết giáp, xe bộ binh cơ giới, 400 khẩu pháo và súng cối, 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và hàng nghìn tên lửa, 800 súng chống tăng RPG-7, 20 máy bay tiêm kích.
Ngoài vũ khí trang bị, Liên bang Xô Viết còn cung cấp các hệ thống trang thiết bị đặc chủng và các dây chuyền sửa chữa xe máy công trình phục vụ bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị, phương tiện chiến tranh.
Tất cả các trang thiết bị, phương tiện chiến tranh và hệ thống sửa chữa, bảo hành trang thiết bị đi cùng đó đều được chuyển đến trong vòng một tháng. Vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật đều trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và có thể đưa vào chiến đấu được ngay.
Toàn bộ trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh được kiểm tra bởi các đoàn kiểm tra kỹ thuật nghiêm khắc nhất, để chuẩn bị đã điều động các chuyên gia, trong thực tế đã khai thác sử dụng triệt để các trang thiết bị đó và có kinh nghiệm sâu sắc về sử dụng.
Như vậy, các phương tiện chiến đấu, từ các phương tiện vận tải, không cần có sự chuẩn bị bổ sung, có thể đưa thẳng vào chiến trường. Đây thật sự là một kỳ tích của hệ thống hậu cần, kỹ thuật, vận tải của quân đội Xô Viết cả về tốc độ cung cấp và vận tải trang bị, số lượng vũ khí trang bị, khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí trang bị khi cơ động trên hàng chục nghìn km đường biển.
Trong thời gian diễn ra cuộc tập trận tổng lực của quân đội Xô Viết, người Trung Quốc căng thẳng theo dõi mọi diễn biến và có thể đánh giá được, thật sự họ đang ở trong một tình huống nghiêm trọng như thế nào ?
Đến mức, họ không dám đưa lực lượng quân đội của họ từ vị trí đóng quân ra biên giới Xô – Trung. Ngoài biên giới, các phương tiện thông tin đại chúng tập trung toàn bộ sự chú ý, theo dõi và đưa ra những phỏng đoán về cuộc diễn tập quân sự, lớn nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại, diễn ra trong khu vực châu Á. Các hoạt động diễn ra rất quyết liệt, theo đúng thực tế chiến trường chứ không hề có cảm giác “tình huống giả định, một bước tiến – hai bước lùi”. Và áp lực chiến tranh nặng nề đè lên thế lực hiếu chiến, buộc họ phải suy nghĩ tỉnh táo và kiềm chế tối đa..
Không đạt được những mục tiêu chính trị, tổn thất nặng nề về binh lực, ngày 5/3/1979, Bộ máy lãnh đạo Bắc Kinh quyết định rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Quyết định đó bị thúc đẩy bởi hàng loạt các yếu tố chính trị và quân sự. Nhưng, yếu tố then chốt là sự ủng hộ kiên quyết của Matxcova đối với Hà Nội, yêu cầu ngay lập tức chấm dứt hành động xâm lược vô nhân đạo. Thứ nữa là khả năng sẵn sàng tiến hành các hoạt động quân sự mạnh nhất trên khu vực phía Đông. Đồng thời là những mâu thuẫn và bất đồng chính kiến ngay trong nội bộ nhà cầm quyền Bắc Kinh. Cùng phản ứng mạnh mẽ của thế giới tiến bộ và yêu chuộng hòa bình
Với PLA, yêu cầu rút quân đến từ sự xuất hiện rõ nét những điểm yếu trong công tác huấn luyện và tiến hành các chiến dịch, thực hành các trận đánh của lực lượng sĩ quan chỉ huy quân đội, việc sử dụng các loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại, phương tiện chiến tranh trong biên chế. Và những khó khăn nghiêm trọng trong công tác vận tải cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật.
Các cuộc tấn công của quân PLA vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam chấm dứt, từ 20/3 bắt đầu rút quân trên toàn bộ các hướng chủ yếu. Cuộc rút lui được che chắn bởi hỏa lực dữ dội của pháo binh và các cuộc tấn công nghi binh. Trong quá trình rút quân, PLA sử dụng triệt để hỏa lực ngăn chặn của pháo binh, súng cối, gài mìn trên các tuyến đường, phá hoại cầu cống, hủy diệt các khu nông trại, hợp tác xã, làng mạc và khu dân cư.
Cuối tháng 3, Trung Quốc công khai tuyên bố đã rút hoàn toàn quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhưng hàng loạt những điểm trên tuyến biên giới, Trung Quốc tuyên bố là các điểm tranh chấp, vẫn bị quân đội PLA chiếm giữ. Và cuộc đấu tranh giằng co giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài đến tận năm 1989 mới chấm dứt.
Các hành động chính trị quân sự quyết liệt của Liên Xô, được thực hiện dưới hình thức chuẩn bị quân sự toàn diện cho cuộc tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc, đã đạt được những kết quả mong muốn về chính trị. Bộ máy lãnh đạo Bắc Kinh và quân đội PLA buộc phải từ bỏ hoàn toàn ý đồ dùng sức mạnh quân sự buộc Hà Nội theo những định hướng chính trị của mình.
Cuộc diễn tập đã đạt được những mục tiêu quân sự cần thiết. Sức mạnh quân sự của Liên bang Xô viết đã chấm dứt những mưu toan nước lớn, những ý đồ trong vai trò “anh cả” và tham vọng điều khiển châu lục, buộc Trung Quốc đánh giá lại lực lượng quân sự của mình và những tham vọng của một "đại quốc".
Việt Nam đã tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự, đủ để bảo vệ đất nước và đường lối chính trị độc lập của mình trên trường thế giới. Quân đội Liên bang Xô viết đã chứng minh được khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đáp ứng được những yêu cầu tác chiến hiện đại và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Những tổn hao về cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc diễn tập.
Bạn đọc đừng nghĩ rằng cái giá mà Matxcova phải chịu đựng là nhỏ. Tổn thất về cơ sở vật chất quả thực là khổng lồ. Nếu chỉ xét riêng xe tăng, trong cuộc diễn tập này, tham gia tác chiến là 2600 xe tăng. Nhiên liệu cấp cho một xe là gần một tấn dầu, nhưng ngay cả trong điều kiện đường tốt nhất chỉ có thể hành quân được từ 400 – 450 km.
Tiêu hao dầu trên xe khi hành tiến chiến đấu tiến công (diễn tập) tăng thêm khoảng 30%. Trong đợt diễn tập mỗi xe đã vượt qua khoảng 1500 km. Chỉ một phép tính toán nhỏ cũng thấy được, chỉ riêng lực lượng tăng thiết giáp lượng tiêu hao dầu, mỡ, cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật có giá trị vô cùng lớn.
Với phương tiện cơ động cần tính cả 13,000 xe công trình kỹ thuật, hậu cần vận tải, mỗi xe cũng chạy khoảng 1400 km, lực lượng không quân tiêu hao xăng dầu, cơ sở vật chất còn tốn hơn rất nhiều lần. Do đó, dự trữ xăng dầu cho sẵn sàng chiến đấu, Bộ quốc phòng phải bổ sung lại trong vòng 2 năm.
Lượng tiêu hao cơ sở vật chất khi quay về căn cứ còn tốn hơn rất nhiều lần, đến nỗi, hai sư đoàn bộ binh cơ giới từ quân khu Zabaical, theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô, đã đóng quân lại Mông cổ. Để lại ở đó để xây dựng căn cứ rẻ hơn rất nhiều lần, so với việc đưa trở về nơi đóng quân cũ.
Cuộc diễn tập khổng lồ với quân số và phương tiện chiến đấu, không gian rộng lớn của chiến trường, phương án tác chiến hiện đại, các cấp chỉ huy trên thực tế đã phải điều hành, chỉ huy thật sự một số lượng rất lớn các đơn vị binh chủng hợp thành, các phân đội quân binh chủng và các chiến hạm của hạm đội khi thực hiện những nhiệm vụ được giao trong điều kiện tình huống phức tạp, đồng thời cho phép kiểm tra thực tế những phân tích, tính toán logic hoạt động tác chiến cấp chiến dịch của các đơn vị quân binh chủng.
Cuộc diễn tập chiến đấu, trên thực tế là một cuộc diễn tập thật sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thật sự với một đối tượng cụ thể, rõ ràng.
Những điểm chưa được của cuộc diễn tập
Trong quá trình diễn tập, đã bộc lộ hàng loạt điểm yếu trong thực binh, vốn ẩn khuất trong điều kiện thời bình, trong các hoạt động hàng ngày của các quân binh chủng.
Số lượng phương tiện chiến đấu, bao gồm xe ô tô, xe máy công trình và tăng thiết giáp hỏng hóc trong ngày chiếm đến 2% số lượng trang thiết bị tham chiến, trên thực tế đã cao hơn chuẩn đặt ra đối với phương tiện chiến đấu.
Số lượng xe hỏng hóc chiếm top đầu, đó là xe BTR-60pb. Xe BTR trong quá trình khai thác xử dụng rất phức tạp, yêu cầu có sự chuẩn bị kỹ càng của lái xe và kíp xe, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao với năng lực của lực lượng sửa chữa.
Sẽ rất khó tin có kết quả tốt đẹp nếu như ngồi sau tay lái của xe thiết giáp này là một lái xe - dự bị động viên với kinh ngiệm lái xe GAZ-51 (53). Trong vòng 36 giờ xe BTR phải vượt qua một quãng đường dài đến 2000 km.
Đồng bộ hóa hoạt động của 2 động cơ, hai hộp số, hai hộp giảm tốc đòi hỏi độ chính xác rất cao khi hiệu chỉnh, đấy là vấn đề mà không phải bất cứ sĩ quan chỉ huy nào, tốt nghiệp trường sĩ quan binh chủng hợp thành, có thể thực hiện hoàn hảo được công việc hiệu chỉnh.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, khi các xe BTR chiếm vị trí hàng đầu của sự cố. Trong thời gian cơ động, hơn 30 % các xe đã bị loại khỏi cuộc hành quân. Trong những năm sau này, trên chiến trường Afganixtan xuất hiện loại xe BTR-80, sử dụng động cơ diesel, được coi là những xe tốt nhất cho đến ngày nay.
Tiếp dầu cho máy bay chiến đấu trong quá trình diễn tập của 5 quân khu.
Một yếu tố rất cần phải để tâm suy nghĩ, đó là 30% số lượng xe ô tô, được động viên từ các cơ sở sản xuất nông nghiệp (nông trang - nông trại) nhưng chỉ có 5% trong số đó không đáp ứng được những yêu cầu tác chiến được đặt ra (trong vận tải và cơ động hành quân chiến đấu).
Cùng với những điểm yếu của xe thiết giáp, phát hiện thêm một yếu điểm rất lớn trong quá trình khai thác sử dụng phương tiện chiến đấu trên tất cả các cấp độ quản lý khai thác, bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa. Thực tế là thiếu nghiêm trọng các thợ kỹ thuật các cấp bậc.
Thật đáng ngạc nhiên đối với một nền công nghiệp quốc phòng phát triển, nhưng bài toán đó vẫn tồn tại thậm chí cho đến tận ngày nay. Vấn đề trang thiết bị, phương tiện tác chiến bị lão hóa hoặc hỏng hóc do lỗi kỹ thuật đã bị bỏ qua không tính đến. Trong các trung đoàn và sư đoàn đến tận ngày nay, số lượng các chuyên gia kỹ thuật, các kỹ thuật viên trình độ cao vẫn chưa được chuẩn hóa và không được tăng cường thêm.
Một số lượng rất lớn các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu, theo nguyên tắc đáng nhẽ phải được nâng cấp và hiện đại hóa trong chế độ sửa chữa lớn và khai thác sử dụng, cũng như cần phải trải qua quá trình tiêu tẩy y tế trong giai đoạn mới của tác chiến hiện đại, thì lại bị đưa vào danh sách thanh lý và thải loại.
Chương trình đào tạo và huấn luyện các chuyên gia kỹ thuật trình độ cao trong giai đoạn vừa qua không đi theo chiều hướng tốt hơn mà vẫn hoàn toàn không thay đổi. Rất tiếc, những vấn đề được kể trên lại xuất hiện trong cuộc chiến đấu chống khủng bố ở vùng Bắc Kavkaz. Có cảm giác rằng, những vấn đề thuộc về xương máu của quân nhân đang chìm xuồng.
Ví dụ điển hình: Năm 1979, để tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho các đơn vị chuyển quân từ Siberia đến vùng phía Đông, thực hiện mệnh lệnh động viên công nghiệp, đã điều chuyển hơn 50 máy kéo từ các vùng nông nghiệp và triển khai vào các đơn vị sửa chữa và cứu kéo. Nhưng kết quả là gì ?
Các đơn vị đảm bảo kỹ thuật đến được khu vực tập trung cho diễn tập chậm từ 5 – 6 ngày so với ngày “D” bắt đầu nổ súng và không thể tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trong công tác bảm bảo kỹ thuật và sửa chữa trang thiết bị, các đơn vị có phương tiện chiến đấu phải tự xoay xở một mình.
Kết quả là, cấp độ bức thiết nhất cần được xác định là các yêu cầu "cơ bản thay đổi trong cách đánh giá và hiểu rõ vai trò của kỹ thuật - công nghệ trong chiến đấu, tăng cường năng lực hiểu biết về kỹ thuật và trình độ nhận thức, hiểu sâu về hành quân cơ động chiến đấu của các cấp chỉ huy đơn vị và đội ngũ cán bộ tham mưu tác chiến, tăng cường phương tiện, trang bị và đặc biệt là cán bộ kỹ thuật sửa chữa, bảo trì, và chú trọng khâu then chốt là cứu kéo các phương tiện cũng như công tác quản lý, điều hành cứu hộ các phương tiện chiến đấu.
Những khiếm khuyết và yếu điểm trong đợt diễn tập mang tính chính trị - quân sự rất cao trên đây thời điểm đó đã được xác định bởi các cấp lãnh đạo chỉ huy cao nhất, Bộ Quốc phòng Liên bang Xô viết và Bộ tổng tham mưu.
Quyết định được đưa ra là trong 3 năm tiếp theo, các ban ngành và các cơ sở khoa học và đào tạo, cũng như các đơn vị phải khắc phục. Nhưng rất tiếc, kinh nghiệm đắt giá này theo những làn sóng chính trị đã đi vào quên lãng.
Thật sự rất khó nói, điều gì sẽ xảy ra nếu như ngày hôm nay, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của một đơn vị (một sư đoàn bộ bình cơ giới – Tăng) từ thường xuyên lên toàn bộ, cơ động bằng phương tiện chiến đấu của mình trên chiều dài 2000 km, triển khai đội hình tác chiến cùng với tất cả các trang thiết bị, phương tiện tác chiến tăng cường.
Ví dụ: vào nửa đầu của thập kỷ 1990-x, từ một sư đoàn thường trực chiến đấu với sự tăng cường năng lực tác chiến của quân khu, sự hỗ trợ của Trung tâm – Bộ tổng tham mưu, với những (nỗ lực quá sức) của cán bộ chỉ huy, chật vật cùng với rất nhiều sự cố lớn, mới đưa được một tiểu đoàn tăng cường đến vùng Bắc Kapkaz. Nhưng khi tiểu đoàn đến được vị trí tập trung, triển khai đội hình chiến đấu, mới phát hiện ra rằng, một nửa cơ sở vật chất của tiểu đoàn chưa sẵn sàng cho sử dụng theo mục đích tác chiến.
Cuộc diễn tập của quân đội Xô viết năm 1979, thực tế là một bài học kinh nghiệm rất lớn, không chỉ trong lĩnh vực đối ngoại chính trị, gìn giữ hòa bình, mà còn là bài học sâu sắc về diễn tập thực binh, thực hành các hoạt động tác chiến cấp chiến dịch - chiến lược.
Vladimir Sumarokov - Đại tá, thạc sĩ Khoa học Quân sự Nga
Theo VKO