Joseph E. Stiglitz: "Sự tham lam của các tập đoàn dược phẩm đang kéo dài đại dịch COVID-19?"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các hãng dược phẩm lớn đang nói dối về lý do tại sao họ không thể chia sẻ những công nghệ giúp cứu sống sinh mạng và chấm dứt đại dịch COVID-19, không chấp nhận từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine.
Nỗi thống khổ của người dân Ấn Độ khi mất đi người thân trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai (Ảnh: AFP)
Nỗi thống khổ của người dân Ấn Độ khi mất đi người thân trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai (Ảnh: AFP)

Như các chuyên gia đã chỉ ra, cách duy nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19 chính là miễn dịch cho đủ lượng dân số trên toàn thế giới. Khẩu hiệu “không ai an toàn cho đến khi tất cả chúng ta an toàn” đã thể hiện rõ thực tế về dịch bệnh mà chúng ta đang phải đối mặt.

Các đợt bùng phát dịch ở bất cứ đâu cũng có thể sản sinh ra chủng biến thể mới của Sars-CoV-2 kháng lại các chủng vaccine hiện tại, buộc chúng ta phải trở lại tình trạng phong tỏa. Nếu nhìn vào thực trạng về các biến thể mới của COVID-19 ở Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Anh thì rõ ràng đây là mối đe dọa rất hiện hữu.

Tồi tệ hơn, việc sản xuất vaccine hiện tại khó có thể cung cấp đủ 10 – 15 tỉ liều cần có để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tính đến cuối tháng 4, mới chỉ có 1,2 tỉ liều được sản xuất trên toàn thế giới. Với tốc độ này, hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển vẫn chưa được miễn dịch với virus ít nhất là cho đến năm 2023.

Đó là lý do tại sao mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố sẽ gia nhập cùng 100 quốc gia kêu gọi việc từ bỏ tạm thời, do COVID-19, những quy chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quyền sở hữu trí tuệ (IP), vốn cho phép độc quyền vaccine. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận tạm gỡ bỏ rào cản này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để chính phủ và các nhà sản xuất trên khắp thế giới đẩy mạnh sản xuất vaccine, các phương pháp điều trị và chẩn đoán.

Mùa Thu năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng quy tụ một nhóm các nước đồng minh giàu có để ngăn chặn các cuộc đàm phán muốn từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ này. Nhưng những sức ép đòi chính quyền Joe Biden phải đảo ngược chính sách trên nay ngày càng trở nên lớn hơn, với lời kêu gọi của 200 người đoạt giải Nobel và cựu lãnh đạo các nước, 110 hạ nghị sĩ Mỹ, 10 thượng nghị sĩ Mỹ, 400 tổ chức dân sự-xã hội, 400 nghị sĩ châu Âu và nhiều người khác.

Một vấn đề không đáng có

Sự thiếu hụt vaccine ngừa COVID-19 ở các nước đang phát triển phần lớn là do các hãng sản xuất duy trì thế độc quyền của họ để kiếm chác lợi nhuận.

Pfizer và Moderna, hai hãng sản xuất ra chủng vaccine mRNA hiệu quả, đã từ chối hoặc không trả lời trước vô số đề nghị của các nhà sản xuất dược phẩm khác đang mong muốn sản xuất vaccine của họ. Và không có nổi một nhà điều chế vaccine gốc nào chia sẻ công nghệ sản xuất của họ với các nước nghèo thông qua Sáng kiến tiếp cận công nghệ (Technology Access Pool) của WTO.

Gần đây, một số công ty cam kết sẽ hiến vaccine cho chương trình COVAX, nhưng không thể đủ. Những cam kết này chỉ có thể che đậy tội lỗi của các công ty dược lớn, chứ không cung cấp được nhiều cho nguồn cung vaccine toàn cầu.

Vốn là các thực thể tìm kiếm lợi nhuận, các tập đoàn dược phẩm chủ yếu tập trung vào kiếm tiền, chứ không quan tâm tới vấn đề y tế toàn cầu. Mục tiêu của họ rất đơn giản: Duy trì vị thế trên thị trường nhiều nhất có thể để tối ưu hóa lợi nhuận. Do đó, chính phủ sẽ phải can thiệp trực tiếp hơn mới có thể giải quyết được vấn đề nguồn cung vaccine.

Cần một giải pháp chung

Trong những tuần gần đây, vô số những người vận động hành lang cho các hãng dược lớn đã ập tới Washington để gây sức ép với các lãnh đạo chính trị, nhằm ngăn chặn đề xuất từ bỏ bằng sáng chế vaccine của WTO. Nếu như các hãng dược cam kết sản xuất thêm nhiều liều vaccine, nhiều như những tranh luận mà họ đưa ra, thì có lẽ vấn đề đã được giải quyết.

Thay vào đó, các công ty dược chỉ dựa vào một vài tuyên bố rất mâu thuẫn. Họ một mực cho rằng từ bỏ quyền sở hữu là không cần thiết, bởi khung làm việc hiện hữu của WTO đã đủ linh hoạt để cho phép tiếp cận công nghệ vaccine. Họ cũng nói rằng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là không hiệu quả bởi các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển thiếu phương tiện cần thiết để điều chế vaccine.

Các công ty dược cũng nói từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine sẽ làm giảm động lực nghiên cứu phát triển, giảm lợi nhuận của các công ty phương Tây và. Và khi mọi luận điểm trên thất bại, họ lại vin vào cớ từ bỏ bằng sáng chế sẽ giúp Trung Quốc và Nga đánh bại phương Tây về mặt địa-chính trị?.

Trên thực tế, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt lớn. Đó là lý do tại sao các công ty dược ra sức phản đối. Bằng chứng rõ ràng là, ngay sau khi chính quyền Joe Biden tuyên bố sẽ tham gia các vòng đàm phán về từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, giá cổ phiếu của các hãng sản xuất vaccine lớn đã giảm. Với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, sẽ có thêm nhiều liều vaccine được phân phối, giá cả sẽ giảm, và lợi nhuận của các hãng dược đương nhiên giảm.

Các hãng dược còn cho rằng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine sẽ tạo nên một tiền lệ kinh khủng, bởi vậy nên cân nhắc thật kỹ.

Lời nói dối trắng trợn của các hãng dược

Sau nhiều năm vận động chiến dịch và chứng kiến hàng triệu người chết do đại dịch HIV/AIDS, các thành viên WTO đã nhất trí về sự cần thiết phải cấp phép IP bắt buộc (khi chính phủ các nước cho phép các công ty trong nước sản xuất một loại dược phẩm có bằng sáng chế, mà không cần sự cho phép của bên sở hữu bằng sáng chế) để đảm bảo sự tiếp cận với các loại dược phẩm.

Nhưng các công ty dược chưa từng từ bỏ, họ làm đủ mọi thứ để đánh đổ nguyên tắc này. Một phần là do sự tham lam của ngành dược mà chúng ta cần phải có một cơ chế gỡ bỏ ngay lúc đầu. Nếu như cơ chế IP này được nới lỏng hơn, có lẽ sản lượng vaccine COVID-19 đã được đẩy mạnh.

Luận điểm cho rằng các nước đang phát triển không đủ kỹ năng để sản xuất vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mới là điều ngớ ngẩn. Khi các nhà sản xuất vaccine của Mỹ và châu Âu thỏa thuận với các hãng sản xuất nước ngoài – như Viện Huyết thanh Ấn Độ (nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới) và Aspen Pharmacare ở Nam Phi – thì những tổ chức này đều không gặp vấn đề gì trong việc sản xuất. Và còn rất nhiều các nhà sản xuất và tổ chức khác trên khắp thế giới có đủ khả năng để đẩy mạnh sản xuất vaccine, cái họ thiếu chỉ là quyền tiếp cận công nghệ điều chế vaccine.

Liên minh Vì đổi mới Chuẩn bị Dịch bệnh (CEPI), về phần mình, đã xác nhận được khoảng 250 công ty có đủ khả năng sản xuất vaccine COVID-19. Như phái đoàn của Nam Phi đã nêu ra mới đây tại WTO:

“Các nước đang phát triển có đủ khả năng công nghệ và khoa học tiên tiến…việc thiếu hụt sản lượng và nguồn cung vaccine chính là do những người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ, những người ký kết các thỏa thuận hạn chế để phục vụ cho những mục đích độc quyền của họ, đặt lợi nhuận lên trên mạng sống”.

Mặc dù việc phát triển công nghệ vaccine mRNA là quá trình khó khăn và hao tổn chi phí, không có nghĩa rằng việc sản xuất vaccine lại vượt quá tầm với của các công ty khác trên toàn thế giới.

Cựu Giám đốc Hóa học của Moderna, Suhaib Siddiqi, từng tranh luận rằng, nếu được chia sẻ về công nghệ và cách thức, rất nhiều nhà máy hiện đại đủ khả năng để điều chế vaccine mRNA chỉ trong vòng 3 hoặc 4 tháng.

Để củng cố cho vị thế độc quyền của mình, các hãng dược lớn đã tạo nên cả một rừng bằng sáng chế, bản quyền, và các thiết kế công nghiệp cùng bí mật thương mại để khiến cho sự linh hoạt trong cơ chế của WTO không thể chạm vào nổi. Do vaccine mRNA có hơn 100 thành phần phải nhập từ khắp nơi trên thế giới, rất nhiều trong số đó cũng có một dạng bảo vệ IP, bởi vậy mà việc điều phối cấp phép bắt buộc giữa các nước đối với nguồn cung ứng này gần như là bất khả thi.

Hơn nữa, theo quy định của WTO, việc cấp giấy phép bắt buộc cho hàng xuất khẩu còn phức tạp hơn, mặc dù hoạt động này là quan trọng để làm tăng nguồn cung vaccine toàn cầu.

Ví dụ, hãng dược Biolyse của Canada không được phép sản xuất và xuất khẩu các phiên bản generic của vaccine JNJ của Johnson & Johnson tới các nước đang phát triển, sau khi Johnson & Johnson bác bỏ đề nghị cấp phép tình nguyện.

Một nhân tố khác gây ra vấn đề thiếu nguồn cung vaccine chính là sự sợ hãi, cả ở cấp độ doanh nghiệp lẫn quốc gia. Nhiều quốc gia lo ngại rằng Mỹ và EU sẽ cắt giảm nguồn viện trợ hoặc áp lệnh trừng phạt nếu như họ cấp giấy phép bắt buộc – điều mà Mỹ và EU đã đe dọa sẽ thực hiện suốt nhiều thập kỷ qua.

Vaccine của mọi người

Luận điểm thứ ba mà các hãng dược lớn đưa ra: rằng từ bỏ bằng sáng chế vaccine sẽ làm giảm lợi nhuận và giảm động lực nghiên cứu phát triển trong tương lai. Cũng giống như hai luận điểm trước đó của họ, luận điểm này sai.

Việc từ bỏ bằng sáng chế tạm thời của WTO sẽ không tiêu hủy các yêu cầu hợp pháp mà theo đó bên sở hữu bằng sáng chế sẽ được nhận tiền bản quyền và tiền bồi thường dưới nhiều hình thức khác nhau. Trái lại, từ bỏ tạm thời bằng sáng chế sẽ khiến những công ty độc quyền phải từ bỏ lựa chọn sản xuất nhỏ giọt [hòng bán lượng ít nhưng giá rất cao], tạo động lực cho các công ty dược trên thế giới tự nguyện dàn xếp.

Và, dù cho có từ bỏ tạm thời bằng sáng chế vaccine, các hãng dược lớn vẫn kiếm bộn tiền. Doanh thu từ vaccine COVID-19 của Pfizer và Moderna tính trong năm 2021 được dự báo đạt 15 tỉ USD và 18,4 tỉ USD, theo thứ tự, mặc dù chính phủ các nước đã chi phần lớn số tiền nghiên cứu để giúp đem các chủng vaccine này ra thị trường.

Để làm rõ: Vấn đề của các hãng dược lớn không phải là họ sẽ không bù nổi số tiền đầu tư nghiên cứu, mà là họ sẽ mất đi lợi nhuận khổng lồ từ vị thế độc quyền của mình – bao gồm cả các mũi tiêm tăng cường hàng năm, mà chắc chắn sẽ được bán với cái giá cao ngất ở các nước giàu.

Cuối cùng, khi tất cả những tuyên bố trên thất bại, các hãng dược lớn lại đưa ra biện minh rằng từ bỏ bằng sáng chế sẽ giúp Trung Quốc và Nga tiếp cận được công nghệ Mỹ. Nhưng đây là một lời dối trá, bởi các chủng vaccine ngừa COVID-19 không phải do Mỹ điều chế ra đầu tiên. Việc nghiên cứu, hợp tác phát triển công nghệ mRNA và các ứng dụng của nó đã diễn ra suốt nhiều thập kỷ.

Nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko đã tạo bước đột phá đầu tiên vào năm 1978, và công trình này vẫn đang được phát triển ở nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil, Argentina, Malaysia, Bangladesh và nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Công nghệ mRNA trong vaccine của Pfizer thuộc sở hữu của BioNTech (một công ty Đức được thành lập bởi một người đàn ông nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ cùng vợ mình). Công ty này đã cấp phép sản xuất vaccine của họ cho hãng Fosun Pharma của Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều vụ việc điển hình cho thấy các công ty Trung Quốc đã đánh cắp các IP giá trị, nhưng trường hợp vaccine COVID-19 thì không. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang tự phát triển và sản xuất các chủng vaccine mRNA của riêng họ.

Nước Mỹ có thể thất bại…

Đối với những người tập trung vào các vấn đề địa-chính trị, nguồn cơn gây quan ngại lớn hơn đáng lẽ ra phải là sự thất bại của Mỹ trong việc thực thi đường lối ngoại giao COVID-19 theo hướng xây dựng.

Thay vào đó, Mỹ đã chặn xuất khẩu vaccine, cho dù họ không dùng tới. Chỉ đến khi làn sóng dịch thứ hai bắt đầu hủy diệt Ấn Độ, Mỹ mới bắt đầu tung ra lượng vaccine AstraZeneca mà họ chưa dùng.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc không chỉ giúp cho vaccine tiếp cận được nhiều khu vực, mà còn chuyển giao công nghệ và kiến thức, thiết lập quan hệ đối tác trên khắp thế giới và giúp tăng tốc nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu.

Trong lúc mà số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục đạt những cột mốc đáng sợ ở nhiều nơi trên thế giới, rủi ro xuất hiện thêm các chủng biến thể mới khiến tất cả chúng ta bị đe dọa. Thế giới sẽ ghi nhớ những quốc gia nào đứng ra hỗ trợ, và những quốc gia nào gây thêm trở ngại trong thời khắc quan trọng này.

Các chủng vaccine COVID-19 đã được phát triển bởi các nhà khoa học đến từ mọi nơi trên thế giới, nhờ vào nền tảng khoa học được chính phủ nhiều nước hỗ trợ nghiên cứu. Người dân trên toàn thế giới nên nhận được lợi ích từ điều đó. Đây là vấn đề về đạo đức và lợi ích cá nhân. Chúng ta không được để cho các công ty dược đặt lợi nhuận của họ trên sinh mạng con người.

Bài viết được nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz đăng tải trên tờ MarketWatch. Ông từng giành giải Nobel Kinh tế, là giáo sư thuộc ĐH Columbia và là một thành viên của Ủy ban độc lập về Cải cách Thuế doanh nghiệp quốc tế.

Huyền Chi (chuyển ngữ)