Mỹ xem xét miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhà Trắng xem xét phương án giúp tối đa nguồn cung vaccine Covid-19 toàn cầu, trong đó có từ bỏ bằng sáng chế, nhưng bị các hãng dược phản đối.
Hai lọ vaccine Pfizer-BioNTech được chuẩn bị tại Italy hôm 22/4. Ảnh: AFP.
Hai lọ vaccine Pfizer-BioNTech được chuẩn bị tại Italy hôm 22/4. Ảnh: AFP.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 27/4 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đánh giá nhiều lựa chọn để tăng tối đa năng lực sản xuất và cung cấp vaccine Covid-19 toàn cầu với chi phí thấp nhất, trong đó có ủng hộ đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine này.

"Có rất nhiều cách để thực hiện mục đích này. Miễn trừ bản quyền là một trong số đó, nhưng chúng tôi vẫn phải đánh giá phương án nào hợp lý nhất", Psaki nói, thêm rằng giới chức Mỹ đang nghiên cứu phương án tăng năng lực sản xuất nội địa có hiệu quả hơn giải pháp trên không.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai chưa đưa ra đề xuất và Tổng thống Biden chưa có quyết định cụ thể, quan chức Nhà Trắng nói thêm. Nhiều nghị sĩ và các nhóm phi lợi nhuận tại Mỹ đang đẩy cao áp lực lên chính quyền Biden, hối thúc họ ủng hộ biện pháp miễn trừ có thời hạn với bằng sáng chế vaccine Covid-19 nhằm giúp các nước nghèo kiểm soát đại dịch tốt hơn.

Hơn 170 cựu lãnh đạo thế giới và nhà khoa học đạt giải Nobel hôm 14/4 đã ký vào thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Biden miễn trừ bản quyền cho vaccine Covid-19, thêm rằng các nước nghèo nhất thế giới có thể mất thêm 3 năm nữa mới đủ vaccine để tiêm chủng diện rộng nếu tốc độ sản xuất và phân phối duy trì như hiện nay.

Mỹ và nhiều nước đã chặn những cuộc thảo luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về đề xuất do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra, trong đó kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm, cho phép những quốc gia đang phát triển tự sản xuất vaccine.

Một số nhà phê bình cho rằng giải pháp này có thể giảm mức độ an toàn của vaccine, trong khi thiết lập dây chuyền chế tạo vaccine ở những địa điểm mới sẽ dẫn tới cắt giảm nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất ở những nhà máy có sẵn.

Ugur Sahin, giám đốc điều hành hãng vaccine Đức BioNTech, cũng phản đối đề xuất, cho rằng nó không phải cách hợp lý để tăng sản lượng vaccine Covid-19. "Chúng tôi đang tìm cách cấp giấy phép sản xuất đặc biệt cho những hãng có năng lực", ông nói, thêm rằng hợp tác chặt chẽ với một số đối tác nhất định là cách tiếp cận đúng đắn vì vaccine Pfizer-BioNTech rất khó chế tạo.

Theo Vnexpress