Iran ngấm ngầm thiết lập trục sức mạnh với Nga-Trung để đối phó Mỹ?

VietTimes -- Iran hiện đang tìm cách mở rộng quan hệ đối tác quốc tế nhằm chống lại chiến lược "sức ép cực đại" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và họ đặc biệt tìm kiếm sự hỗ trợ từ 2 đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ: Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: API)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: API)

Tướng Ghadir Nezami Pour - người phụ trách các vấn đề quốc tế và ngoại giao quốc phòng thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran - nói với tạp chí Mosalas hồi cuối tuần trước rằng Iran "đã bắt đầu tham gia tập trận cùng với nhiều nước khác, và lần đầu tiên kể từ sau Cách mạng Hồi giáo, chúng tôi tổ chức tập trận chung với Nga và Trung Quốc". Tuyên bố trên xuất hiện ngay trong thời điểm căng thẳng tăng nhiệt trên Vịnh Ba Tư.

Chính xác 1 tuần trước đó, nhiều cơ sở dầu khí quan trọng của Arab Saudi đã hứng loạt đòn tấn công mà nhóm Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, Washington và Riyadh lại chỉ tay cáo buộc Iran. Tehran - bác bỏ quan hệ với Houthi - tuyên bố họ không dính líu tới loạt vụ tấn công trên.

Đối diện với "Liên minh An ninh Hàng hải Quốc tế" mà Mỹ dẫn đầu - trong đó có Australia, Bahrain, Arab Saudi, UAE và Anh - Tổng thống Iran Hassan Rouhani công bố kế hoạch thành lập "Liên minh vì Hy vọng" trong đó kêu gọi "Nỗ lực Hòa bình ở Hormuz". Trong cuộc họp báo vắn tại New York, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif còn tiết lộ rằng nước ông sẽ gửi lời mời tham gia liên minh tới tất cả các nước nằm dọc eo biển Hormuz - cùng với Nga và Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc cũng là hai bên ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái, khiến cho các bên ký kết ở châu Âu chật vật giữ vững thỏa thuận này. Trong bối cảnh đó, Moscow và Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ thương mại với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Người đứng đầu Crimea - vùng lãnh thổ tách khỏi Ukraine để trở lại nước Nga vào năm 2014 - trong tháng trước thậm chí còn đề xuất rằng Iran được phép sử dụng vùng lãnh thổ này thay vì đi qua các kênh khác để bán dầu mỏ, bất chấp các đòn trừng phạt của mỹ. Moscow và Tehran cũng tăng cường hợp tác quân sự, cùng ký kết một biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước trong tháng 7 vừa qua.

Trong lễ ký kết đó, Phó Đô đốc Hossein Khanzadi của Iran lần đầu tiên công bố kế hoạch tập trận hải quân chung Iran-Nga ở vùng biển Bắc Ấn Độ Dương. Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Zarif xác nhận thông tin này, thêm rằng "có thể có nhiều nước khác sẽ tham gia vào các cuộc tập trận này" - theo hãng thông tấn TASS của Nga.

Lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Iran tham dự vòng họp của Hội đồng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Bishkek, Kyrgyzstan hôm 14/6 (Ảnh: Newsweek)
Lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Iran tham dự vòng họp của Hội đồng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Bishkek, Kyrgyzstan hôm 14/6 (Ảnh: Newsweek)

Phía Moscow vẫn chưa xác nhận sẽ tham gia các cuộc tập trận này, nhưng đã phối hợp với Tehran ở Syria. Rất nhiều quan chức Nga thể hiện rõ sự nghi ngại trước các trang thiết bị quân sự, binh sỹ mà Mỹ triển khai trong khu vực nhằm đáp trả "hành vi xấu" của Iran. Bởi vậy mà họ ra sức kêu gọi giảm căng thẳng đồng thời ủng hộ lời kêu gọi đối thoại khu vực của Tehran.

Trung Quốc cũng đưa ra quan điểm tương tự, cùng với Nga lên án các đòn tấn công nhằm vào cơ sở dầu Abqaiq và Khurais của Arab Saudi, nhưng cùng lúc cảnh báo các nước khác về việc cáo buộc Iran mà không có bằng chứng.

Hôm đầu tuần, trả lời về khả năng tham gia tập trận chung với Tehran và Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã đưa ra câu trả lời mập mờ, chỉ nói rằng "lực lượng vũ trang Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động trao đổi và hợp tác bình thường với lực lượng vũ trang của các nước khác".

Ông Jacopo Scita - chuyên gia nghiên cứu thuộc trường Quan hệ quốc tế và Chính phủ, ĐH Durham - chỉ ra rằng "thông tin về khả năng tập trận chung chỉ đến từ các nguồn của Iran mà không được xác nhận bởi truyền thông Nga và Trung Quốc". Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng "một phái đoàn quân sự cấp cao Iran đã tới thăm Trung Quốc trong những tuần gần đây, nơi mà họ được mời tới thăm một căn cứ hải quân ở Thượng Hải".

"Có điều khá rõ ràng là giới chức Trung Quốc và Iran đã thảo luận về hợp tác quân sự, công nghệ và thậm chí là tập trận chung. Tuy nhiên, tôi tin rằng cuộc tập trận chung khó được tổ chức sớm, đặc biệt là trong bối cảnh nhạy cảm trên Vịnh Ba Tư" - ông Scita nói với Newsweek.

"Trung Quốc luôn rất thận trọng trong việc cân bằng vị trí của họ giữa Iran và Arab Saudi, và sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu khí của công ty Aramco, việc tham gia cuộc tập trận chung với Iran và Nga trên biển Oman sẽ gửi đi thông điệp trái với quan điểm thông thường của Bắc Kinh" - vị chuyên gia nói thêm.

Hải quân Iran diệt hạm trong một cuộc tập trận (Ảnh: Getty)
Hải quân Iran diệt hạm trong một cuộc tập trận (Ảnh: Getty)

Theo ông Scita, Iran đang cố gắng vẽ ra một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc so với thực tế. Đây là nỗ lực của Iran nhằm gây sức ép với cả Mỹ - chứng minh rằng chiến lược sức ép cực đại là vô ích - Nga và Trung Quốc, nhằm thúc giục hai nước này ủng hộ Iran một cách công khai hơn.

Ông Farhad Rezaei - chuyên gia phân tích quốc phòng và an ninh Iran tại Ottaqa, Canada - thì cho rằng Iran đang muốn gửi đi nhiều thông điệp cùng lúc.

"Đầu tiên là họ muốn chứng tỏ rằng họ có sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc trong trường hợp bị Mỹ tấn công" - ông Rezaei lý giải - "Thứ hai, Iran cũng cố gắng tăng cường hiện diện của họ trên các vùng biển với sự giúp đỡ của Nga và Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Mỹ tuyên bố thành lập liên minh hàng hải với các nước khác trong khu vưc, bao gồm Arab Saudi và UAE".

Tuy nhiên, ông Rezaei cũng nhấn mạnh rằng còn rất nhiều vấn đề cần khiến người ta nghi ngờ về khả năng Iran, Nga và Trung Quốc tạo nên một trục sức mạnh.

"Đầu tiên, Nga và Trung Quốc đều là đối tác của cả Arab Saudi và Israel. Họ cũng không vui vẻ gì khi Iran quấy rối Arab Saudi hay tấn công Israel" - ông Rezaei nói - "Thứ hai, Trung Quốc không hài lòng trước các hành động của Iran trên các vùng biển hay vụ tấn công nhà máy Aramco, bởi điều đó sẽ đẩy giá dầu lên cao".

Nga có thể là một nhà sản xuất dầu khí lớn của thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn phải dựa vào nguồn cung dầu từ Trung Đông. Ông Scita giải thích rằng "Như đã thấy, Bắc Kinh vẫn phải mua dầu của Iran bất chấp các lệnh cấm vận (của Mỹ), một phần là nhằm giảm căng thẳng trên Vịnh Ba Tư. Căng thẳng tại Trung Đông có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng cùng hướng tiếp cận của Trung Quốc tới khu vực".

Đến thời điểm này, cả Moscow và Bắc Kinh đều đổ lỗi cho quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Washington đã khiến tình hình bất ổn trỗi dậy. Và cả hai nước đều tìm cách ngăn chặn cái mà họ xem là sức mạnh quân sự bá chủ của Mỹ đang dần trỗi dậy trên khắp các tuyến hàng hải vận chuyển dầu khí quan trọng của thế giới.

Ông Rezaei nhận định: "Ngoài ý định của Iran ra thì cuộc tập trận chung vốn đã nằm trong dự tính của Nga và Trung Quốc về an ninh chung ở Vùng Vịnh, bởi họ muốn loại bỏ sự hiện diện quân sự của Mỹ khỏi khu vực".

(Theo Newsweek)