Iran gạt phăng đề xuất đối thoại của Mỹ, dọa tăng mức độ làm giàu uranium

VietTimes -- Iran sẽ không bao giờ tổ chức đối thoại song phương với Mỹ, nhưng nếu Washington gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lại với Iran, Tenran có thể tham gia các vòng đối thoại đa phương với các nước vẫn đang duy trì thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 - Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố không bao giờ đối thoại song phương với Mỹ (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố không bao giờ đối thoại song phương với Mỹ (Ảnh: Reuters)

"Không có quyết định nào liên quan tới việc tổ chức đối thoại với Mỹ, và có rất nhiều lời đề nghị đối thoại nhưng câu trả lời của chúng tôi sẽ luôn là không" - ông Rouhani nói trong một phiên họp Quốc hội được phát trực tiếp trên đài phát thanh quốc gia - "Nếu Mỹ gỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt, họ có thể tham gia các vòng đối thoại đa phương giữa Tehran và các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015".

Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù đang áp dụng chiến thuật "sức ép cực đại" nhằm vào Iran, đã đề xuất gặp gỡ giới lãnh đạo của nước này và tổ chức các cuộc đối thoại song phương mà không cần điều kiện tiền đề nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng giữa hai nước.

Tháng trước, Tổng thống Rouhani cũng khẳng định rằng Iran sẽ không đối thoại với Mỹ trừ khi nước này gỡ bỏ hết các lệnh trừng phạt mà họ tái áp đặt kể từ sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái.

Các bên ký kết thỏa thuận ở châu Âu hiện đang chật vật làm dịu xung đột căng thẳng giữa Mỹ và Iran, và cố gắng cứu vãn thỏa thuận bằng cách bảo vệ nền kinh tế Iran trước các đòn cấm vận. Tuy nhiên, các siêu cường châu Âu cũng cảnh báo rằng sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận hạt nhân còn phụ thuộc vào việc Iran có tuân thủ hoàn toàn các cam kết trong thỏa thuận này hay không.

Iran đã kêu gọi châu Âu đẩy nhanh các nỗ lực cứu vãn nền kinh tế nước họ, và ông Rouhani một lần nữa nhấn mạnh rằng Iran sẽ tiếp tục ngừng thực thi các quy định trong thỏa thuận hạt nhân bắt đầu từ thứ Năm trong tuần trừ khi châu Âu giữ đúng lời hứa cứu vãn thỏa thuận này.

"Nếu châu Âu có thể mua hoặc đặt hàng trước dầu thô của chúng tôi và chúng tôi được tiếp cận với nguồn tiền của các bạn, điều đó sẽ xoa dịu tình hình hiện nay, và chúng tôi có thể tiếp tục thực thi hoàn toàn thỏa thuận... bằng không chúng tôi sẽ đưa ra bước đi thứ ba của mình" - Tổng thống Rouhani nói.

Kể từ hồi tháng 5 năm nay, Iran đã bắt đầu ngừng một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân và sẽ tiếp tục ra động thái tương tự vào ngày 5/9 tới, nhằm gây sức ép đối với các bên ký thỏa thuận ở châu Âu phải bảo vệ các lợi ích kinh tế của Tehran, bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ.

Chính quyền Iran từng nói rằng, bước tiếp theo trong việc ngừng thực thi quy định trong thỏa thuận hạt nhân sẽ "mạnh mẽ hơn", có khả năng là tăng mức độ làm giàu uranium lên mức 20% hoặc khởi động lại các lò ly tâm, máy móc sử dụng trong tiến trình xử lý uranium để sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện; hoặc nếu làm giàu ở mức cao hơn nữa sẽ được sử dụng để chế tạo vũ khí.

Trước đó, Iran đã tăng lượng dự trữ nước nặng và mức độ làm giàu uranium vượt qua ngưỡng cho phép của thỏa thuận hạt nhân. Việc làm giàu uranium ở mức 20% như Tehran đã cảnh báo được giới chuyên gia xem là một giai đoạn chủ chốt trên con đường hướng tới làm giàu ở mức 90% - mức độ đủ để chế tạo bom nguyên tử.

Theo Reuters