"Hoa sữa" vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhạc sĩ Hồng Đăng - một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam vừa ra đi. Ông để lại cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ, để lại cho những người yêu quý ông một khoảng trống mênh mông...
Nhạc sĩ Hồng Đăng
Nhạc sĩ Hồng Đăng

Nhạc sĩ Hồng Đăng là một tài năng âm nhạc lớn: 15 tuổi đã được thừa nhận và trải qua nhiều thăng trầm, cho đến hôm nay, ông vẫn là một trong những đỉnh cao của nền âm nhạc nước nhà. Ngoài đời, ông là người vui nhộn, xem tử vi rất giỏi và thích tặng quà. Sáng tác nhạc, xem tử vi, tặng quà và kể chuyện tiếu lâm... tất cả cũng chỉ để mua vui. Bởi trong cuộc đời, với ông, vui là chính... Nhạc sỹ Hồng Đăng là như vậy!

Một tài năng âm nhạc lớn

Ông tên thực là Hồng, thuộc dòng họ Phan Đăng nổi tiếng vùng xứ Nghệ. Cha ông là một nhà cách mạng. Nhà ông là nơi mà các chiến sĩ cách mạng như Phan Đăng Lưu hay lui tới. “Vì nhà tôi ở chân núi Hồng Lĩnh nên mới đặt cho tôi là Hồng. Ý nói ý chí mạnh như núi Hồng Lĩnh. Còn cô em gái tôi được đặt tên là Lam. Núi Hồng, sông Lam mà. Nhưng khi cắp sách tới trường, tôi bị bạn bè trêu là có tên như của con gái, nên tức chí mới đòi ông cụ đổi tên là Đăng”- Nhạc sĩ Hồng Đăng từng tâm sự.

Nhạc sĩ Hồng Đăng - Một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Hồng Đăng - Một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam

Hồng Đăng đến với âm nhạc như một tiền định. Từ năm 11- 12 tuổi ông đã tham gia “hoạt động nghệ thuật”: đóng kịch, làm thơ, ngâm thơ, đọc thơ, diễn thuyết... “Thế rồi đột nhiên tôi lại thấy mình yêu âm nhạc một cách mãnh liệt. Khi ấy trong trường học của tôi có một cậu biết chơi ghi ta nhưng rất khệnh khạng vì cho rằng chỉ có mình là nhạc sĩ. Tôi đến mượn anh ta tập tài liệu để xem âm nhạc là thế nào, nhưng anh ta nhất quyết không cho. Tôi bực quá mới đi bộ một mạch 60 km về Vinh mượn được một tập tài liệu cũ của Pháp về âm nhạc. Về nhà tự học và sau đó mở một lớp dạy nhạc.

Từ đấy trở đi, tự nhiên tôi nhận ra rằng mình có năng khiếu về âm nhạc và bắt đầu sáng tác âm nhạc. Bài đầu tiên tôi làm là “Đời học sinh”. Tiếp đến là bài “Nhớ ơn Cụ Hồ”. Người đầu tiên hát bài này là nghệ sỹ Tân Nhân. Năm đó tôi tròn 15 tuổi. Đó là giai đoạn tôi vừa mày mò vừa sáng tác. Sau này có điều kiện tôi được theo học nhiều chuyên gia, trong đó phần lớn là các nhạc sĩ nước ngoài”- Nhạc sĩ Hồng Đăng từng bộc bạch, khi tôi hỏi ông đến với âm nhạc như thế nào.

Khi nhắc tới nhạc sĩ Hồng Đăng, người ta hay nhắc tới câu chuyện ông viết về hoa sữa. Một câu chuyện như là huyền thoại. Ông từng kể: “Bà Đức Hoàn đến đặt tôi viết một bản nhạc cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”. Yêu cầu là ca ngợi tình yêu đặc biệt về Hà Nội. Nhận xong rồi 2-3 tháng sau, khi bộ phim đi vào những cảnh quay cuối cùng tôi vẫn chưa viết được chữ nào. Một hôm bà Hoàn đến hỏi: “Thế nào, anh đã viết xong chưa?”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng (bìa phải) và GS Hồ Ngọc Đại.

Nhạc sĩ Hồng Đăng (bìa phải) và GS Hồ Ngọc Đại.

Khi ấy, tôi mới chợt nhớ một anh bạn nhà thơ có lần mách nước cho tôi: “Viết về Hà Nội sao anh không lấy hình tượng hoa sữa ấy”. Tôi mới hỏi: “Hoa sữa là hoa gì?”. Anh ấy bảo: “Hoa sữa là loại hoa có đầy ra ở đường Nguyễn Du, Phan Đình Phùng ấy”. Tôi hỏi: “Thế hoa ấy có thơm không?”. “Thơm”- anh ấy cười. Thế là bài “Hoa sữa” ra đời. Người đầu tiên hát bài này là Lê Dung. Sau đấy ca khúc trở nên nổi tiếng và rất nhiều người hát. Từ đấy hoa sữa đi vào lòng người như là loài hoa của tình yêu. Thú thực phải mấy chục năm sau tôi mới biết hoa sữa là hoa gì”.

Ca khúc “Hoa sữa” đã đi vào lòng người đến mức… ám ảnh. Đến mức chính người nhạc sĩ tài hoa này phải lấy làm áy náy vì cái “mùi” hoa sữa ông đem lại cho người đời. “Tôi vào Vinh công tác, các anh lãnh đạo Nghệ An kể rằng vừa qua ở Vinh người ta đã phải chặt đi khá nhiều cây hoa sữa trên đường phố vì mùi hương của nó nồng nặc không tài nào chịu được. “Vì tin ông và mê hoa sữa trong bài hát của ông mà chúng tôi phải ra tận Hà Nội lấy giống về trồng đầy đường phố”- nhạc sĩ Hồng Đăng từng bảo,

Rồi ông thở dài: “Nước hoa dù thơm đến mấy, nhưng nếu đổ cả lọ lên người thì không ai chịu nổi thật. Hoa sữa cũng vậy. Ở Hà Nội cứ cách hàng trăm mét người ta mới trồng một cây và vì vậy vào mùa hoa, ban đêm chỉ thoang thoảng hương hoa sữa ngọt ngào”.

Khổ vì “sóng biển lang thang”

Chỉ cần có đôi chút kiến thức về lịch sử phát triển âm nhạc nước nhà, người ta sẽ thấy một điều khó hiểu: Giai đoạn 1957-1960, Hồng Đăng được coi là một trong những tài năng âm nhạc trẻ sáng chói nhất của làng nhạc Việt Nam, nhưng vì sao một thời gian dài sau đấy lại tắt ngóm?

Nhạc sĩ Hồng Đăng và tác giả bài viết.

Nhạc sĩ Hồng Đăng và tác giả bài viết.

Điều này được chính nhạc sĩ Hồng Đăng lý giải cho người viết bài này: “Có thể nói giai đoạn 1957- 1962 là giai đoạn bộc phát rực rỡ của tôi. Tôi là một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Hội thành lập năm 1957), nhưng lại có những tác phẩm nổi tiếng nhất thời bấy giờ như “Đường đi qua nắng mặt trời” ca ngợi Đảng, “Tổ quốc tôi trong 10 năm đã lớn”, rồi thì “Quà tháng năm”... Thế là có một nhóm tập trung “đánh” tôi chí mạng chỉ là để hạ bệ. Hoàng Vân cũng thế, đang nổi lên với “Hò kéo pháo”, “Tâm tình người thuỷ thủ”... thì cũng bị “vụt” cho tới tấp.

Họ gán cho tôi theo “chủ nghĩa xét lại”. Thú thực thời bấy giờ tôi không hề biết "xét lại" là gì. Té ra đó là vì ca khúc rất nổi tiếng của tôi thời bấy giờ là “Sóng biển lang thang”. Đó là bài hát tôi gửi dự thi tại Tiệp Khắc và đạt giải thưởng lớn về ca khúc. Tôi được mời sang Tiệp Khắc chơi 4 tuần lễ. Tuy nhiên không hiểu ai đó gán cho bài hát này là theo khuynh hướng “xét lại”. Một cuộc họp kiểm điểm tôi đã nổ ra nhằm mổ sẻ “cái xét lại” của bài hát. Tuy nhiên khi phân tích “xét lại” ở chỗ nào thì mỗi người nói một kiểu. Ông thì bảo “xét lại” là thế này. Ông khác cãi lại: “không phải, “xét lại” là như thế mà phải là như thế này kia”.

Có người lại bảo :”Tại sao sóng lại lang thang? Tại sao lại đem tình yêu từ nước này sang nước kia?”. Cuối cùng có người đưa ra lý do để chất vấn tôi: “Tại sao anh lại dám gửi bài hát ra nước ngoài để dự thi?”. Khi ấy tôi mới trình công văn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi cho các hội viên thông báo về cuộc thi và kêu gọi hội viên tham gia. Bài thi tôi gửi qua Hội và Hội gửi đi cùng với nhiều bài của các hội viên khác nữa chứ tôi không tự gửi đi. Cuộc họp kiểm điểm tôi dừng ở đấy. Tuy nhiên điều trớ trêu là mãi tới năm 1969, tức là 7 năm sau, tôi mới biết mình đã từng chịu một án kỷ luật “các ca khúc của tôi không được phát trên đài tiếng nói Việt Nam trong vòng 5 năm” - Nhạc sĩ Hồng Đăng kể lại.

Vì thế một thời gian dài sau đó, ông bỏ đi lang thang khắp các nơi cho tới tận năm 1989. Tức là mấy chục năm ông chỉ lang thang đi chơi nơi này nơi khác. Tuy nhiên mấy chục năm đó, như có lần ông tâm sự, ông tích lũy được vốn sống rất nhiều. Nhưng rồi có lần, trong một chuyến đi có cả Đỗ Nhuận, Thanh Huyền, Tô Hải... xuống Sở Thủy sản Hải Phòng, do Sở văn hóa Hải Phòng mời.

"Khi xuống tàu ra biển, ông Đỗ Nhuận gọi tôi lại, bảo không hiểu tại sao người ta không cho ông lên tàu. Đỗ Nhuận điều tra mãi mới vỡ lẽ ra rằng có ai đó đã “tố” ông có vấn đề về “xét lại”, nên họ không cho lên tàu sợ lộ bí mật Hải quân. Cái số tôi nó như thế rồi. Cứ mỗi lần lên được tới đỉnh nhỏ nào đấy thì lại bị kéo xuống, rồi sau đấy lại leo lên và lại bị kéo xuống"- ông bảo.

Nhạc sĩ Hồng Đăng với bạn bè thân thiết.

Nhạc sĩ Hồng Đăng với bạn bè thân thiết.

Nhà “nhân tướng học”

Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng còn được giời phú cho tài năng xem tướng số. Trong những lúc cà phê vui vẻ với nhau, nhạc sĩ Hồng Đăng thường xem cho anh em bạn bè: tháng này nên ngồi im, tháng sau nên “di thiên” cả nhà… Đại loại những chuyện vui như vậy. Tuy nhiên chuyện ông có tài xem tử vi là thật!

“Trong đời tôi có nhiều thứ rất khác nhau. Thuở nhỏ tôi học Toán rất giỏi. Thế rồi đùng một cái tôi nhảy sang làm thơ và quên đứt mất chuyện học Toán. Thế rồi đột nhiên lại nhảy sang âm nhạc và từ đấy theo nghiệp sáng tác cho đến ngày nay. Năm 1970 tôi có một nỗi đau lớn. Tôi có một đứa con thông minh và xinh xắn. Lúc ấy cháu mới 2 tuổi. Có một ông cụ ở Hà Tĩnh chơi với ông cụ thân sinh ra tôi. Nghe nói cụ rất giỏi tử vi, tôi mới đưa ngày giờ, năm sinh của cháu cho cụ xem. Xem xong cụ bảo: “Con bé này thông minh lắm, nhưng sợ là không nuôi được đâu”.

Mừng sinh nhật nhạc sĩ Hồng Đăng.

Mừng sinh nhật nhạc sĩ Hồng Đăng.

Ai ngờ 2 tháng sau cháu đang chơi ở nhà mẫu giáo thì bị ngã, đưa vào bệnh viện hôm trước, hôm sau cháu qua đời. Lúc ấy tôi mới giật mình và nhớ lại lời tiên đoán của ông cụ. Từ đó tôi lao vào nghiên cứu tử vi. Thì ra đây là một ngành khoa học cực kỳ phong phú”- chính nhạc sĩ từng kể lại.

Có lần ông bảo, ông bắt đầu nghiên cứu tử vi khi GS sử học Trần Quốc Vượng đã rất nổi tiếng trong lĩnh vực này. Một lần ông đến hỏi mượn ông Vượng mấy cuốn sách tử vi để xem, nhưng ông Vượng từ chối. “Tôi ức quá mới nói: “Thôi nhé, ông cứ chờ 3 tháng nữa, đố ông bằng được tôi”. Sau đấy tôi lùng sục khắp Hà Nội để tìm sách đọc. Đến hẹn chúng tôi mở cuộc thi đoán tử vi. Đó là trường hợp ông Viện, bố ca sỹ Hồng Nhung. Khi ấy mẹ Hồng Nhung đang có mang Hồng Nhung. Ông Trần Quốc Vượng xem lá số cho ông Viện nói vợ ông sẽ sinh con trai. Tôi thì nói sinh con gái.

Chúng tôi giao kèo anh nào thua thì mất một chai rượu Tây và một con gà. Rượu Tây thời bấy giờ quý lắm. Cuối cùng Hồng Nhung được sinh ra và ông Vượng thua. Tôi tới đòi rượu và gà ông Vượng không trả. Cho tới nay vẫn chưa trả tôi”- Nhạc sĩ Hồng Đăng nhớ lại.

Những tháng ngày còn khỏe mạnh ông ngồi với bạn bè và có một thói quen là gặp ai cũng tặng quà: người thì gói thuốc, cái bật lửa, người thì chiếc bút, cuốn sổ...

Triết lý sống của ông, như chính ông từng nói, vui là chính. Mà mình muốn được vui vẻ thoải mái thì người thân, bạn bè, những người xung quanh mình phải vui. Tặng quà cho bạn bè tức là đem lại cho họ niềm vui nho nhỏ. Mà họ vui là ông cảm thấy vui rồi.

Hoa sữa vẫn ngọt ngào…

Nhắc đến nhạc sĩ Hồng Đăng, không thể không nhắc tới vợ ông- bà Lê Anh Thúy. Tôi vẫn hay nói đùa vui với nhạc sĩ Hồng Đăng: “Trong âm nhạc anh vĩ đại rồi, nhưng cái vĩ đại nhất của anh là lấy được bà Thúy. Một người vừa là vợ, là chị, là em, là mẹ… là tất cả”. Ông cười, gật đầu lia lịa.

Với vợ ông- Lê Anh Thúy.

Với vợ ông- Lê Anh Thúy.

Tôi còn nhớ hôm tổ chức sinh nhật lần thứ 80 cho ông vào ngày đầu tiên của năm 2016. Bạn bè tới chúc mừng ông có đủ loại, đủ giới: văn nghệ sĩ, báo chí, công an, bộ đội, học trò của ông, hay đơn giản chỉ là một người Hà Nội yêu “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”. Rượu mừng ông được mở, khách còn lại chỉ chục người thân thiết nhất với ông, vừa nâng ly thì đạo diễn-diễn viên điện ảnh Hữu Mười- “Giáo Thứ” xồng xộc chạy vào, vò đầu, bứt tai đầy áy náy: “Tìm suốt cả buổi sáng mà không lấy đâu ra hoa sữa để tặng sinh nhật anh Hồng Đăng”. Tướng công an Hữu Ước quát: “Mùa này lấy đâu ra hoa sữa mày!”. Khổ chủ- Nhạc sĩ Hồng Đăng tươi cười độ lượng: “Không có hoa sữa thì cho ô tô bê đến đây cả cây hoa sữa cũng được”.

Rượu được chừng hai tuần thì ngoài cửa đã oang oang tiếng Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em/ Có lẽ nào anh lại quên em…”. Đỗ Hồng Quân chưa kịp nâng ly chúc mừng nhạc sĩ Hồng Đăng thì đã thấy Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội, nhạc sĩ Đức Trịnh, ôm hoa, tất tả chạy vào: “Em kính chúc thày tuổi 80 tràn ngập niềm vui và khỏe mạnh”.

Vâng, bạn bè, chiến hữu, đàn em, đệ tử của ông là thế. Chả cứ gì tại buổi tiệc ấm cúng mừng ông 80 tuổi này, mà ở các cuộc gặp gỡ, cà phê sáng, gặp ông, ngồi với ông là đủ loại người, cũng chỉ là những chuyện không đầu không cuối, trêu chọc nhau cười đến đau hết cả bụng, mà chả mấy khi nói chuyện về âm nhạc.

Mà không cần phải nói đến âm nhạc thì ông cũng đã quá nổi tiếng suốt hơn 50 năm qua rồi. Trong làng âm nhạc Việt Nam khó tìm thấy một nhạc sĩ thứ hai đa tài và đa dạng như ông. Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Hồng Đăng đã có hơn 700 tác phẩm đủ các thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu.

Vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng

Vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng

Trong bữa tiệc mừng sinh nhật nhạc sĩ Hồng Đăng hôm ấy, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói với chúng tôi: “Người ta nhớ đến anh Hồng Đăng là người sáng tác chứ họ dường như quên rằng, anh là một nhà sư phạm tài ba. Trên thực tế thì các sách giáo khoa âm nhạc như “70 bài xướng âm”, “Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng”, “200 bài xướng âm cơ bản” cho đến nay vẫn được dạy và là những bộ sách gối đầu giường của nhiều giáo viên, sinh viên các trường âm nhạc”.

Chúng tôi có thói quen là, hàng tuần, nhiều thì ba bốn lần, ít thì một hai lần ngồi cà phê với nhau. Cứ 6 giờ sáng lại thấy nhắn tin: “Ra nhé!”. Chúng tôi ra quán cà phê, Lê Anh Thúy lại lóc cóc đèo ông trên chiếc xe máy Honda đời 82 ra. Bên ly cà phê lại tranh luận, lại chọc ghẹo nhau cười đến đau cả bụng mà chẳng mấy khi luận bàn về âm nhạc.

Thế là từ nay Hoa sữa vẫn cứ ngọt ngào đầu phố đêm đêm, nhưng đời vắng anh rồi, nhạc sĩ Hồng Đăng ơi!