... Khóa đầu tiên trường khai giảng năm 1958 với 187 học sinh, 16 thày cô giáo. Học sinh là con em các gia đình lao động phần lớn ở nông thôn các tỉnh: Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Hưng Yên và cả Hà Nội. Xa nhà, trọ học trong các nhà dân ở Văn Lâm và loanh quanh đó.
Đám học trò cấp 3 thuở ấy đã tầm mười tám đôi mươi cả. Họ vừa học vừa tìm công việc làm thuê, ngày nghỉ thì về nhà thăm nhau, hoặc đến nhà máy đường Vạn Điểm lấy bã mía làm củi đun nấu.
Số học trò, còn lại nay chắc chả nhiều? Trong số ấy tôi có quen biết với hai vị. Tạ Đình Thính và Kim Quốc Hoa.
Ngồi coi lại danh sách giáo viên cùng học sinh khóa ông Thính, ông Hoa của trường cấp III Thường Tín đã thống kê thấy giật mình với cái phũ của thời gian năm tháng? Dịp hội trường năm 2018 chỉ gặp được thày Thụy, cô Quế. Còn bạn học chỉ gặp được hơn chục người.
Trong số vắng ấy, tôi có biết hai người. Một là anh hùng LLVT Trịnh Tố Tâm, quê ở Ứng Hòa một thời gian dài là Bí thư TƯ Đoàn mà nhiều dịp tôi được bám theo công cán với chức phận phóng viên. Và một người từng cùng tôi lang thang khắp mọi miền vùng của đất nước, nhà báo Nguyễn An Định.
Chuyện về anh Tạ Đình Thính thì dài. Nếu viết sách thì phải vài chương. Mà chuyện anh thì cũng đáng mặt sách lắm. Bằng cớ là nội chỉ vài chuyện ở cái làng Đại Định xã Tam Hưng quê anh giăng ra đã chật cuốn sách hơn 200 trang in có cái tên Chắp nhặt giông dài mà Nhà XB Hội Nhà văn đã in. Anh là cháu gọi cụ Tạ Đình Đề bằng chú họ.
Năm xa ấy tôi đã theo ông Đề về Đại Định và tình cờ đụng thêm anh. Đụng và biết thêm một cán bộ máu mặt lại có khiếu viết lách. Anh là Vụ trưởng một Vụ quan trọng của nhà Trắng lẫn nhà Đỏ. Nhà Đỏ là tên gọi cho nhẹ thêm danh và thêm gần của Văn phòng TƯ Đảng. Nhà Trắng là tên gọi Văn phòng Chính phủ. Thời gian mấy chục năm ở cái ghế không thường ấy khi hưu hẳn, vẻ như anh vẫn lãi? Là anh đương găm giữ nhiều tư liệu cùng dự định cho những cuốn sách mà tôi mang máng nó sẽ không thường?
Đương ngồi bên ông Tạ Đình Thính là Kim Quốc Hoa.
Có lẽ, qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã tường về ông Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa. Ông từng là TBT của 6 tờ báo. Nhiều năm, ông được coi là khắc tinh của bọn sâu mọt, nhũng lạm. Chả thiếu những vô số đe nẹt dọa dẫm. Điện thoại của ông luôn có những cuộc dọa giết, dọa đặt mìn...
Ông Kim Quốc Hoa, nguyên Tổng Biên tập báo Người cao tuổi |
Chuyện ông Thính như rọi soi thêm về những ngóc ngách nghị lực của một người bạn.
Mới học có lớp 9 mà Hoa đã khá chững chạc. Chúng tôi ngưỡng mộ anh. Khi đó, Hoa đã làm thơ, đã viết kịch. Vở kịch đầu tay của anh, “Chiếc thùng tôn”, được đăng báo Thiếu niên Tiền phong số 30 ra ngày thứ Sáu, ngày 12/4/1963.
Mới lớp 9 đã có tác phẩm đăng báo Trung ương. Không tài thì là gì? Với vở kịch này, lớp chúng tôi tổ chức dàn dựng được thày hiệu trưởng Nguyễn Sằng rất khen. Cả lớp sướng âm ỉ. Hoa là thần tượng bao nhiêu bạn. Tôi giới thiệu và đảm bảo để kết nạp Hoa vào Đoàn thanh niên.
Học hết phổ thông, rồi đại học rồi làm báo, giữ trọng trách Tổng Biên tập đến 6 tờ báo, tờ nào củng để lại ấn tượng, tiếng vang. Đặc biệt là tờ Người Cao tuổi.
Hoa viết gần 2.000 bài chống tiêu cực, trong đó có những bài động chạm đến đám tham nhũng bự, tướng có, bộ trưởng có.
Đùng cái, Kim Quốc Hoa bị khởi tố!
Khi nghe tin Hoa bị nạn, tôi đã đến ngay tòa soạn báo Người Cao tuổi đang có mặt nhiều phóng viên và bà Chủ tịch hội Cù Thị Hậu.
Tôi ôm Hoa và nói:
- Còn mấy người tử tế mà chúng cũng đánh thì chúng định sống với ai?
Sau đó tôi gặp nhiều người có vị thế trong hệ thống. Thẳng thắn nói về phẩm chất trong sáng của Hoa mà tôi biết từ những ngày học ở cấp III Thường Tín. Con người này tôi tin không thể gục ngã được. Tôi chỉ kể về những sự thật tôi đã trải nghiệm mấy chục năm tình bạn, không nhờ xin xỏ gì.
Đình Hà Hồi (nay thuộc xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). |
Rồi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Kim Quốc Hoa. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã mời ông Kim Quốc Hoa đến để trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Lắm chuyện khá thú vị của hai ông về cái làng Văn Trai của Văn Lâm nơi họ trọ học thuở xa ấy. Văn Trai nơi phát tích của nhiều dòng họ danh giá. Đến như cái quán nước chè dân làng đặt tên rất ngộ là Quán Bô, quán Dai (gọi lái từ Bố Quan và Dái quan?!). Lại nữa, nghe anh Thính kể, thêm ngạc nhiên bởi sao hậu duệ của một nhân vật VIP như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại không về cái làng này để làm cái việc vấn tổ tầm tông? Rằng làng Văn Trai đây là quê gốc là viễn tổ của ông Nguyễn Tấn Dũng? Không biết thực hư đến đâu? Nhưng thông tin từ một ông nguyên là Vụ trưởng của… cung đình chắc phải có cơ sở?
Nhiều hơn cả vẫn là chuyện về một ông giáo chủ nhiệm kiêm dạy địa lý của lớp 9D thuở ấy tên là Nguyễn Điện.
Năm xa ấy có chàng trai Hà thành đặt chân đến Ba Lê kinh thành ánh sáng du học. Chàng theo học ở Đại học Sư phạm Paris.
Trong số bạn học, chàng trai Nguyễn Điện rất thân với một anh bạn Pháp cao dong dỏng, tóc xoăn rất kẻng trai có cặp mắt biếc xanh là Bernard. Có lần Bernard dẫn anh bạn An Nam Nguyễn Điện về nhà mình. Nguyễn Điện bất ngờ khi biết, Bernard là con dòng cháu dõi. Thân phụ của Bernard là một võ quan nổi tiếng, ngài De Lattre de Tassigny, Đại tướng quân đội Pháp. Là anh hùng nước Pháp từ Đại chiến thế giới II. Lần khác Nguyễn Điện và đám bạn được chính ông đại tướng ấy trực tiếp chuyện trò hỏi han thân mật. Điều thú vị là cả bọn gặp cả người ông nội của Bernard khi ấy cũng đã rất cao niên.
Đại tướng Pháp Jean de Lattre de Tassigny và Cựu hoàng Bảo Đại ở Đông Dương |
Sau khi tốt nghiệp Trường sư phạm Paris, Nguyễn Điện đã trở lại cố quốc. Bernard tiễn ra tận tàu biển.
Cũng có vài lá thư đi về. Nhưng sau đó đột nhiên bặt hẳn.
Năm 1947, Nguyễn Điện đang dạy Trường sư phạm Hà Nội thì bị đăng lính.
Thời gian khi gấp ruổi khi lặng lẽ. Là con nhà có máu mặt nên Nguyễn Điện không phải theo các cuộc càn ra vùng chiến sự nơi tranh chấp với Việt Minh. Số phận dường như mỉm cười với Nguyễn Điện. Một ngày đẹp trời Nguyễn Điện chững chạc lon thiếu úy với chức danh Đồn trưởng đồn binh Ngọc Hồi.
Một ngày nọ, đồn trưởng Ngọc Hồi Nguyễn Điện có khách. Người đứng trước thiếu úy Nguyễn Điện là một sĩ quan quân đội Pháp. Người ấy chính là Bernard …
Câu chuyện buổi hàn huyên đã thông tỏ mọi điều. Bernard tìm đến địa chỉ nhà riêng của Nguyễn Điện nên biết bạn mình đương ở đâu. Cũng na ná như Nguyễn Điện, đang là giáo sư một trường sư phạm ở Paris, Bernard đăng lính. Rồi được phong Trung úy năm 1948. Ngày 1/7/1949, Bernard được điều đến chiến trường Đông Dương.
Một thời gian sau Bernard được cử phụ trách đồn binh ở Non Nước Ninh Bình. Hai anh bạn đồn trưởng, người thì Ngọc Hồi, kẻ thì Non Nước, bao nhiêu những cuộc gặp gỡ chơi bời, thù tạc!
Một thời gian dài, ông đại tướng Tassigny bố Bernard phụ trách Tham mưu trưởng lục quân tại NATO. Ngày 6/12/1950, chính phủ Pháp đã cử ông sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm cao ủy Pháp ở Đông Dương. Và rồi nhiều dịp vào ngày nghỉ hoặc lễ lạt, Bernard trực tiếp đưa ông bạn Nguyễn Điện về chơi với bố mình ở Hà Nội.
…Tôi hỏi ông Thính rằng tại sao lại rành nhiều chuyện về Bernard vậy thì ông cười, bộc bạch bởi thày Điện thời gian dạy học rất chiều anh học trò cưng. Có lẽ vì anh chàng họ Tạ học giỏi, thông minh? Cung cách phương pháp truyền thụ môn địa lý của thày Nguyễn Điện chủ nhiệm lớp 9D niên học 1962 – 1963 được học sinh mê. Thày dạy địa lý mà hay, hấp dẫn hơn cả môn văn (đó là đánh giá của lứa giáo sinh Đại học Sư phạm về trường thực tập). Không chỉ môn địa, thày chủ nhiệm còn khai mở thêm kiến văn cho các học trò của mình như việc thường xuyên dẫn họ sinh đi thăm quan ở những danh lam di tích gần đó như Đình Ngọc Hồi, làng Nhị Khê quê Nguyễn Trãi. Thày Điện thường rủ rỉ chuyện trò tâm sự với anh học trò yêu nhiều điều.
Đến đây, ông Thính bất ngờ hỏi tôi chắc đọc hồi ức của Võ Đại tướng rồi chứ? Chắc nhớ cái đoạn Đại đoàn 308 mở chiến dịch Hà Nam Ninh?
Xin dẫn lại những dòng hồi ức của Tướng Giáp qua biên chép của Hữu Mai.
…Ngày 22/5/1951, Bộ chỉ huy chiến dịch mở chiến dịch Hà Nam Ninh trao nhiêm vụ cho Đại đoàn 308 và Đại đoàn 304 tiêu diệt một số vị trí ở thị xã Ninh Bình và Phát Diệm. Để tạo bất ngờ, 308 phải vượt một chặng đường dài trên 400 ki-lô-mét qua ba con sông lớn Lô, Thao, sông Đà. Cuộc hành quân diễn ra thâu đêm. Một hôm trời sáng, các chiến sĩ 308 bất đầu thấy những xóm làng nổi lên giữa làn nước bạc mênh mông, những cánh đồng chiêm lúa chín rộ, những rặng núi đá nhấp nhô che kín cả chân trời.
Rất lâu rồi họ mới được thưởng thức hương thơm của gạo mới, bát canh cua đồng, quả cà ghém, ấm nước chè xanh của vùng quê đồng bằng. Những chiếc đò giấu dưới lùm cây ven sông… Họ biết đồng bào Ninh Bình đã chuẩn bị cho ngày này từ lâu.
Đêm 28/5, tiểu đoàn 79 được quân báo của tỉnh dẫn đường đã tiêu diệt gọn Đại đội com-măng-đô Phrăng-xoa trong vòng 30 phút.
Đại đội com-măng-đô Phrăng-xoa bị tiêu diệt đã đánh động quân địch.
Chỉ huy Khu Nam Đồng Bằng là Găm-bi-ê (Gambiez) lập tức điều động lực lượng của khu về phía sông Đáy. Tiểu đoàn bộ binh 1 và hai đại đội biệt kích của hải quân được Hải đoàn 3 chở gấp về Ninh Bình.
Đêm ngày 29/5, bộ đội ta tiến công hai vị trí Non Nước và Gối Hạc.
Non Nước là một núi đá ở ngã ba sông Đáy và sông Vân. Nằm soi mình bên dòng sông, Non Nước được coi là một thắng cảnh. Địch chiếm Ninh Bình khi thị xã đã tiến hành tiêu thổ, chỉ còn lại chùa Non Nước và nhà thờ Đại Phong. Lợi dụng thế núi hiểm trở, bốn bề vách đứng cheo leo, lại có quân tăng viện, bọn Pháp đã biến Non Nước thành một vị trí bảo vệ thị xã lợi hại, với hai tầng phòng ngự. Chân núi có tường khoét lỗ châu mai xây bao quanh kết hợp với rào dây thép gai.
Sau 2 giờ chiến đấu, tiểu đoàn 54 đã chiếm được vị trí Non Nước, diệt 200 địch.
Chỉ trong một đêm, bộ đội ta đã tiêu diệt đại bộ phận quân địch ở thị xã Ninh Bình.
Đêm hôm đó, bộ phận tin kỹ thuật của ta báo cáo địch đang hối thúc tìm cho được một tên “Béc-na” nào đó đang bị mất tích. Tướng Giáp liền nói với cơ quan tham mưu hỏi những đơn vị phía trước xem Béc-na là ai. Ngày hôm sau, biết đó là trung úy Bernard de Lattre, con trai của Tổng chỉ huy Đờ Lát, đã tử trận ở Gối Hạc.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ đêm 28 đến ngày 31/5/1951, bộ đội ta vận dụng yếu tố bất ngờ đã tiến công tiêu diệt và bức rút 26 vị trí lớn nhỏ, phá tan một mảng lớn ngụy quyền, làm rạn nứt phòng tuyến sông Đáy, giành thắng lợi giòn giã về quân sự và chính trị trong đợt đầu chiến dịch. Những con đường bộ nối liền Hà Nội với Ninh Bình đều bị cắt.
…Sáng ngày 1/6, Đờ Lát trao lại quyền chỉ huy cho Xa-lăng, rời Hà Nội đem thi thể con trai về Pháp.
(Đến đây phải mở kể thêm: Một linh mục đã cao niên có kể cho tôi một chuyện, đúng hơn một sự kiện đã diễn ra thời điểm này. Xin được tóm lược như sau:
Nhà Thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigni.
Trong thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, linh mục nhà thờ lớn Hà Nội là Nguyễn Văn Vinh được Đức cha Trịnh Như Khuê ủy nhiệm cho việc tổ chức đã cương quyết không chịu. Tướng De Lattre rất tức giận, gọi cha Vinh tới sỗ sàng đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại, quyết không nhượng bộ.
Sau vụ đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Khuê đã phải chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu Chủng Viện Piô XII, phụ trách Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học; ngài khiêm tốn vâng lời. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An.
Năm 1930, thầy Vinh được sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St. Sulpice, Paris và sau đó được thụ phong linh mục.
Chiến tranh thế giới xảy ra, cha Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập. Ngài học Văn Khoa - Triết tại Đại Học Sorbone, học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc gia. Ngài phải vừa học vừa làm.
Ngài có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, lại được học tập chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm tôn giáo. Cha Nguyễn Văn Vinh là người trực tiếp trình bày bản hợp tấu ‘Ở dưới vực sâu’ nhân cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự Hội Nghị Fontainebleau năm 1946.
Sau 17 năm du học, năm 1947 cha Vinh về nước.
Sau hòa bình 1954, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức Cha Khuê cử cha Vinh đến trường dạy La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn tháp tùng: “Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại Học quốc gia ư?”. Ít lâu sau trường Đại học Y khoa không mời cha dạy nữa)
… Lại tiếp chuyện của ông Thính.
Sau cái chết của Bernard ở tuổi 23 chưa vợ con gì, đồn trưởng Nguyễn Điện khá sốc. Nhờ có gia đình che chở, Nguyễn Điện đã đào ngũ.
Hòa bình lập lại, Nguyễn Điện đã không đi Nam và cạy cục mãi đã xin được đi dạy học. Và thày trò ông Thính đã gặp nhau như thế.
Thày Điện rất thông minh. Có cảm giác bộ môn nào thày cũng đứng lớp được ngon lành. Thày lại đẹp trai, tài hoa (những lần hội thi của giáo giới Hà Đông thày thường chiếm giải nhất. Thày từng đoạt giải nhất bóng bàn ngành giáo dục toàn tỉnh Hà Đông, giải A đàn Piano giáo giới của tỉnh - vì thế thày hay chê chúng tôi chỉ có biết học chữ! Mà hình như cũng là chê chương trình giáo dục khi đó?).
Ông Thính kể rằng mấy lần được theo thày Điện ghé vài làng quanh Ngọc Hồi dịp rằm hay lễ gì đó. Ấy là bà con trong vùng những nhà quen của thày hồi thày làm đồn trưởng mời đến dự cỗ. Anh em chúng tôi coi đó là bằng chứng hình như hồi làm đồn trưởng, thày và lính lác của thày cũng không đến mức dữ dằn tàn ác với dân?
Người khác thì kín tiếng thậm chí giữ gìn. Nhưng thày Điện thi thoảng lúc vui lại hồn nhiên kể về tình bạn gần mười năm với con trai duy nhất của đại tướng de Lattre Tassigny với đám học trò.
Có vài lần chúng tôi đến thăm thày Điện khi thày đã hưu. Nhà thày ở phố Lý Thường Kiệt nhưng đi cổng sau phố Vọng Đức. Thày dạy thêm các lớp tiếng Pháp để kiếm thêm thu nhập. Lần ấy mấy anh em choáng bởi cô con gái thày xuất hiện trong bộ áo dài trắng muốt ngồi trước Piano đàn các bản Phiên chợ Ba Tư, Đa Nuýp Xanh, Con chim xanh… để tặng chúng tôi. Có cả chai vang thày để giành rót mời mấy học trò. Thày khoe là thày mới trúng cử vào Hội đồng nhân dân Phường!
Ông Thính mở sổ cho tôi coi tấm hình thày Điện ông lưu giữ được. Một khuôn mặt rất khó đoán tuổi với những nét nhẹ nhõm thanh thoát. Thày Nguyễn Điện đã đi xa nhiều năm…
Chúng tôi luôn nhớ đến thày. Một thời thày ấy, trò ấy.
Ông Thính thở dài...