Hệ thống nâng cấp giúp Hải quân Nga đánh bật đòn tấn công chính xác cao của đối phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Pantsir-M có khả năng đánh chặn các mục tiêu bay ở độ cao cực thấp.
Tổ hợp pháo- tên lửa phòng không Pantsir-M trên hạm của Hải quân Nga có thêm những khả năng tác chiến mới (Ảnh: TASS)
Tổ hợp pháo- tên lửa phòng không Pantsir-M trên hạm của Hải quân Nga có thêm những khả năng tác chiến mới (Ảnh: TASS)

Nhờ vậy mà trước các loại vũ khí có độ chính xác cao của đối phương, đội hình tàu chiến của Nga vẫn có thể “bình an vô sự”.

Khả năng tác chiến của tổ hợp phòng không Pantsir-M, trang bị trên các chiến hạm của Nga đã được nâng cao đáng kể. Hiện nay, tổ hợp Pantsir-M có thể đánh chặn được các mục tiêu bay cách mặt nước biển từ 1 đến 3 m. Tính năng này là yếu tố đảm bảo an toàn cho các tàu chiến Nga trước các cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm hiện nay và trong tương lai của đối phương, hay tấn công bằng bom và các loại vũ khí thông minh khác.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, vừa qua, tàu tên lửa Odintsovo tiến hành diễn tập theo kế hoạch, tàu tên lửa hạng nặng Shuya diễn tập kiểm tra khả năng tác chiến mới của tổ hợp Pantsir-M. Nội dung của diễn tập là thử nghiệm khả năng đánh chặn những mục tiêu bay siêu thấp. Kết quả cho thấy, tổ hợp phòng không Pantsir-M đã tiêu diệt được các tên lửa chống tăng Kornet của kẻ thù giả định, khi các tên lửa này vừa phóng đi được vài km, bay ở độ cao cách mặt nước biển từ 1 đến 3m.

Hệ thống phòng không trên hạm của các nước phương Tây chỉ có thể đánh chặn được các mục tiêu ở độ cao trung bình. Ví dụ, hệ thống SeaRAM của Mỹ chỉ tiêu diệt được mục tiêu ở độ cao từ 10 m trở lên.

Tổ hợp Pantsir của Nga có thể tiêu diệt được các mục tiêu tầm thấp, vì hệ thống điều khiển và hệ thống ngắm của tổ hợp này được nâng cấp. Ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay, tên lửa bất ngờ đổi hướng, bay chúi xuống mặt biển.

Nhà sử học quân sự Dmitri Boltenkov cho hay: “Tên lửa chống tăng Kornet của Nga có tốc độ bay rất cao, diện tích tán xạ nhỏ, và rất nhiều đặc tính kỹ thuật giống với tên lửa chống hạm Harpoon cuả Mỹ, cho nên trong diễn tập, Kornet được đưa ra làm mục tiêu - mô phỏng các loại tên lửa của đối phương. Nếu tổ hợp Pantsir có thể đánh chặn được Kornet, thì các loại tên lửa hiện đại khác hiện nay và sẽ có trong tương lai của nước ngoài cũng không thể vượt qua được “lá chắn bất khả xuyên thủng” của Pantsir-M”.

Tổng biên tập chuyên trang quân sự Militaryrussia của Nga Dmitri Kornev cho biết: “Harpoon được mệnh danh là sát thủ diệt hạm của Mỹ, Hải quân của rất nhiều nước trên thế giới được trang bị loại tên lửa này. Harpoon có nhiều đặc tính tương đồng với Kornet chống tăng của Nga, như: tốc độ bay, độ cao của quỹ đạo bay v.v…”.

Tổ hợp Pantsir-M được trang bị 8 bệ phóng, hai pháo tự động 30 mm, 6 nòng. Chức năng chủ yếu là bảo vệ tàu chiến Nga trước các cuộc tấn công của đối phương bằng tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, máy bay, máy bay trực thăng và máy bay không người lái. Hai khẩu pháo 30mm sử dụng đạn xuyên giáp, đạn phá mảnh, tốc độ bắn 10.000 viên/phút. Tám bệ phóng tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly xa, hai khẩu pháo tự động 30mm có trách nhiệm tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly gần, đặc biệt hai khẩu pháo tự động 30 mm này có thể tiêu diệt các mục tiêu mặt nước và mục tiêu ven bờ.

Ngoài tổ hợp Pantsir-M, trên các tàu chiến Nga còn được bố trí các máy bay không người lái Orlan-10. Bán kính hoạt động của Orlan-10 lên tới 120 km, chức năng chính của Orlan-10 là trinh sát, xác định mục tiêu. Khi khởi động máy bay không người lái Orlan-10, tàu chiến của Nga kích hoạt khả năng “tàng hình” trước đối phương, cho nên hệ thống radar trên tàu có thể ngừng hoạt động, vì sóng radar rất dễ bị các phương tiện tác chiến điện tử của đối phương phát hiện.