USS Jimmy Carter được coi là tàu ngầm bí mật nhất của Hải quân Mỹ do được trang bị đặc biệt cho chiến tranh đáy biển (Seabed Warfare), những nhiệm vụ không được báo cáo sâu bên dưới những con sóng. Hiện nay, hải quân Mỹ đã lên kế hoạch chế tạo một tàu ngầm tác chiến dưới đáy biển mới, sử dụng thân tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia.
Sứ mệnh này đang được thực hiện tại xưởng đóng tàu Electric Boat nổi tiếng ở Groton, bang Connecticut. Bản phác thảo cơ bản của thiết kế đã được Chủ tịch tập đoàn General Dynamics Electric Boat, ông Kevin Graney giới thiệu vào tháng 1/ 2022 tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Connecticut năm 2022. Từ sự kiện này, một số thông tin về thiết kế SSW dần xuất hiện trên các nguồn truyền thông đại chúng, nhưng các chi tiết cụ thể hơn vẫn nằm sâu trong bí mật tuyệt đối. Theo Ủy ban Nghiên cứu của Quốc hội, Hải quân Mỹ sẽ đặt hàng một chiến hạm duy nhất trong ngân sách năm 2024. Chi phí dự toán là 5,1 tỉ USD, đắt hơn gần 1 tỉ so với tàu ngầm lớp Virginia cơ bản.
Chiến tranh dưới ngầm và đáy biển
Chiến tranh đáy biển được Mỹ đặc biệt quan tâm do Hải quân Nga đang nỗ lực lập bản đồ hạ tầng dưới đáy biển. Tháng 9/2022 đã diễn ra cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí Nord Stream ở Baltic. Không có thông tin nào trên các phương tiện đại chúng cho rằng USS Jimmy Carter có liên quan đến sự cố Nord Stream, nhưng cuộc tấn công cho thấy có những khả năng này. Nhưng hầu hết các cuộc chiến dưới đáy biển gần với hoạt động gián điệp hơn là phá hoại. Các tàu ngầm Mỹ đã thường xuyên thực hiện những nhiệm vụ này trong mọi thời kỳ.
Lịch sử của những hoạt động tình báo gián điệp thường liên quan đến cơ sở hạ tầng dưới biển như mạng cảm biến chống ngầm, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc và các nguồn tài nguyên khoáng sản, cáp điện đã có từ rất lâu. Cả Hải quân Mỹ và Hải quân Nga đều có truyền thống thực hiện rất nhiều các nhiệm vụ này.
Những nhiệm vụ bí mật của tàu ngầm USS Halibut. |
Vào những năm 1970, trong khuôn khổ chiến dịch Ivy Bells, tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã khai thác các mạng lưới liên lạc của Liên Xô ở sâu dưới đáy biển. Thu thập thông tin từ các cáp truyền thông mà Liên Xô cho rằng an toàn đã mang lại cho Mỹ nhiều gói thông tin tình báo có giá trị. Vụ đánh chặn thông tin đầu tiên diễn ra dưới Biển Okhotsk, sau đó là một số vụ đánh chặn tương tự khác nhưng kém tiếng vang hơn. Liên Xô chỉ phát hiện ra hoạt động tình báo này khi một điệp viên Liên Xô nằm sâu trong bộ máy tình báo Mỹ, Ronald Pelton cung cấp thông tin.
Lúc đầu, Hải quân Mỹ đã chuyển đổi một tàu ngầm mang tên lửa hành trình thành tàu ngầm cho chiến tranh đáy biển, tàu USS Halibut. Sau đó là USS Seawolf và USS Parche , cả hai tàu ngầm đều được nâng cấp với thân tàu mở rộng để mang theo những thiết bị chuyên dụng. Vào những năm 2000, một trong những tàu ngầm lớp Seawolf mới, USS Jimmy Carter, được chế tạo với phần mở rộng thân tàu có sẵn. Tàu ngầm lớp Seawolf trở thành chiến hạm tác chiến đáy biển đầu tiên theo đúng nghĩa đen của Hải quân Mỹ. Tàu ngầm lớp Virginia chuyên dụng mới sẽ là tàu tăng cường hoặc kế thừa những sứ mệnh của USS Jimmy Carter .
Thiết kế tàu ngầm Virginia SSW
Những tính năng kỹ chiến thuật của tàu ngầm Virginia SSW mới hiện chưa rõ ràng. Ngay cả USS Jimmy Carter, phục vụ gần 20 năm vẫn hoàn toàn được giữ bí mật. Chiến hạm là chiếc cuối cùng trong số các tàu ngầm tấn công lớp Seawolf , được chế tạo vào đầu những năm 2000 và dài hơn đáng kể so với những tàu ngầm khác do được trang bị Nền tảng Đa nhiệm vụ (MMP) dài 100 foot (30 mét).
Sơ đồ thiết kế của tàu ngầm tác chiến đáy biển lớp Virginia SSW. Ảnh Naval News |
MMP cung cấp “chỗ nghỉ ngơi bổ sung, khoang làm việc và nhà chứa tàu ngầm không người lái (bể cá) cho các Phương tiện ngầm không người lái (UUV), thiết bị điều khiển từ xa (ROV) và có thể cả tàu ngầm trinh sát, kỹ thuật nhỏ hơn có người lái,” theo chuyên gia nghiên cứu tàu ngầm H.I. Sutton .
Một số hệ thống phóng thẳng của tên lửa hành trình, được gọi là VPM (mô-đun tải trọng Virginia) sẽ được tái sử dụng cho những hệ thống vũ khí mới. Bổ sung thêm một "keel thả", một phần phẳng thân tàu ngầm nhô ra dưới đáy, cho phép tàu ngầm nằm ngang trên đáy đại dương để có thể đậu tại chỗ lâu dài dưới đáy biển.
Tương tự như các tàu ngầm tiền nhiệm, tàu ngầm tình báo, do thám đáy biển sẽ được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất về kỹ thuật do thám, truyền thông đa miền, robot hóa và tự động hóa cấp độ cao, công nghệ Trí tuệ Nhân tạo với những hệ thống mô-đun, dễ dàng nâng cấp khi công nghệ phát triển đến cấp độ cao hơn.
Tàu ngầm tình báo do thám đáy biển (Seabed Warfare) mới cũng sẽ trải qua sửa đổi để di chuyển các cửa hút nước của lò phản ứng. Do phù sa và các mảnh vụn khác có thể cản trở những cửa hút nước để kiểm soát nhiệt độ của lò phản ứng, hầu hết các tàu ngầm hạt nhân không thể nằm lâu dưới đáy đại dương. Do đó, các cửa hút nước trên thân tàu ngầm tình báo, gián điệp sẽ cần một số sửa đổi để nâng lên cao, ngăn vật thể lạ xâm nhập.
Theo Naval News