Chứng kiến uy lực của drone “tự sát” được mệnh danh “AK-47 bay” của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Quốc phòng Nga vừa phê duyệt bản thiết kế kỹ thuật của hệ thống vũ khí UAV ZALA Lancet và dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm mẫu drone này vào cuối năm nay.
Mẫu drone được mệnh danh là "AK-47 bay" của Nga có nhiều đặc điểm ưu việt (Ảnh: Sputnik)
Mẫu drone được mệnh danh là "AK-47 bay" của Nga có nhiều đặc điểm ưu việt (Ảnh: Sputnik)

Tập đoàn Kalashnikov của Nga đã công bố thông tin trên vào ngày 25/8 tại Diễn đàn quân sự-kỹ thuật “Army-2021” tổ chức tại Kubinka, ngoại vi thủ đô Moscow.

Mẫu drone Lancet được xếp vào danh mục “Loitering Air Munition”, tức hệ thống vũ khí “lảng vảng” xung quang một khu vực mục tiêu trong lúc đang trong chế độ tìm kiếm. Khi phát hiện ra một mục tiêu, mẫu drone này sẽ tung đòn tấn công kiểu “tự sát”, không khác gì một tên lửa không-đối-đất định hướng, để hủy diệt cả mục tiêu lẫn bản thân nó.

Được chế tạo bởi ZALA Aero, một công ty thuộc Tập đoàn Kalashnikov, mẫu drone này lấy tên “the Lancet” (Kim nhọn) không chỉ vì thiết kế bề ngoài mà còn bởi độ chính xác cao của nó. Nó có tầm hoạt động 40 km và có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác “như trong phẫu thuật”; theo các nhà sản xuất.

Tập đoàn Kalashnikov đã cho ra mắt Lancet vào tháng 6/2019. Vào thời điểm đó, Tập đoàn Rostec của Nga đã chỉ ra 3 ưu điểm của nó: Thứ nhất, Lancet giúp tiết kiệm thời gian bởi nó đã được triển khai sẵn ở trên không, sẵn sàng và chờ đợi thời điểm tấn công mục tiêu. Thứ hai, kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ, chế tạo bằng nhựa và vật liệu tổng hợp nên gần như “tàng hình” trước các hệ thống radar phòng không truyền thống. Thứ ba, chi phí cho việc thực hiện một đòn tấn công tự sát thấp hơn đáng kể so với việc phóng một đầu đạn có độ chính xác cao – vốn phải lắp đặt một súng tự hành cùng với một đội ngũ điều khiển.

Mẫu drone Lancet được chế tạo thành rất nhiều phiên bản khác nhau, với tầm hoạt động lên tới 40 km và tốc độ tối đa 80 – 110 km/giờ. Nó có thể mang theo khoảng 3 kg đạn dực, có tổng trọng lượng cất cánh là 5 kg (Lancet-1) và 12 kg (Lancet-3).

Mẫu drone này có phần đuôi kép hình chứ X, giúp nó tăng khả năng di chuyển linh hoạt cùng độ ổn định khi đang trong chế độ bổ nhào. Cách thiết kế này cũng giúp giảm kích thước của drone; theo Tổng giám đốc của ZALA Aero, Alexander Zakharov.

Chưa hết: mẫu drone này cũng rất “thông minh”, “đa nhiệm” và có khả năng tự động tìm kiếm và tấn công mục tiêu. Lancet được trang bị một bộ phận tấn công chính xác cùng với nhiều module do thám, định hướng và liên lạc.

Theo website chính thức của ZALA Aero, mẫu drone này “tự tạo ra trường định hướng riêng của nó”, không cần cơ sở định hướng bằng vệ tinh hay một cơ sở trên biển. Lancet cũng truyền về hình ảnh để người quan sát có thể xác nhận mục tiêu. Cùng lúc, hệ thống bảo vệ chống laser cũng giúp nó chống lại các vũ khí laser, trong khi động cơ chạy điện tạo khả năng “tàng hình” cho nó.

Vào cuối năm 2020, có báo cáo cho rằng Lancet đã được thử nghiệm thành công trong môi trường thực chiến ở Syria. Người đứng đầu Rostec, Sergei Chemezov, lúc bấy giờ nhấn mạnh rằng mẫu drone này đã chứng minh được hiệu quả hoạt động cao.

Ngày 18/4 năm nay, kênh Rossiya-1 của Nga đã công bố đoạn băng độc quyền cho thấy Lancet đang tiêu diệt các mục tiêu khủng bố ở Syria. Trong đoạn video đầu tiên, một chiếc Lancet-3 đã cất cánh mang theo 3 kg thuốc nổ và lao vào một chiếc xe bán tải có nhiều kẻ khủng bố bên trong, ở tỉnh Idlib. Trong đoạn video thứ hai, mẫu drone này đã tiêu diệt một ụ súng máy của những kẻ khủng bố.

Mẫu drone này được đặt biệt danh là “Kalashnikov bay”, hay “AK-47 bay”, do sự đơn giản, dễ sử dụng và độ tin cậy của nó. Kinh nghiệm thu được từ chiến trường Syria đã giúp các nhà thiết kế hoàn tất nguyên bản của drone Lancet, và dự kiến tổ chức các cuộc thử nghiệm chính thức của nhà nước vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Lancet không phải mẫu drone duy nhất của ZALA Aero. Công ty này đã cho ra mắt hàng loạt hệ thống bay không người lái, được sử dụng không chỉ trên chiến trường mà còn trong lĩnh vực kiểm soát cơ sở hạ tầng năng lượng và các cơ sở chịu rủi ro cao, bảo vệ khu vực biên giới, thực hiện các chiến dịch cứu hộ và khẩn cấp.