Sáng mồng 2/4 khi thông tin về một nam sinh Hà Nội nhảy lầu lan đi trên khắp các mặt báo, bạn tôi, một người “bận rộn nhất thế giới” đã nghỉ việc. Ở nhà bên cạnh con. Họ đã cùng làm bánh, nấu ăn, chế các thức uống hoa quả, xem phim và đi chơi cùng nhau.
Đó là một phản ứng phải khiến chúng ta suy nghĩ, suy nghĩ về cái cách chúng ta đang phản ứng với 1 MV của một ca sĩ. Tôi, tất nhiên rồi, không ủng hộ cái MV ấy. Nhưng, cũng như một vụ tự tử, chúng ta sẽ làm gì đầu tiên khi vừa nhìn thấy nó, đó mới là điều quan trọng hơn cả.
Những ai trong chúng ta đã lập tức biến nỗi âu lo sợ hãi thành hành động, thả ngay chiếc điện thoại xuống và đến ngồi bên con? Có lẽ không, chúng ta sẽ vẫn để con chơi một mình hoặc tự đánh vật với mớ bài tập của chúng, và căng thẳng ngồi gõ bài phê phán đứa ca sĩ để kịp post lên.
Chúng ta luôn như thế, đổ lỗi và khước từ trách nhiệm của mình một cách rất khôn ngoan. Ta làm như thể những cái chết kia không liên quan gì tới mình cả. Ta luôn vô can mà.
Ta có biết chúng đang phải học thuộc một mớ văn mẫu cho bài kiểm tra ngày mai? Ta có biết hôm nay con bị bắt nạt ở trường? Ta có biết con mình đang thích một bạn trong lớp không? Mỗi ngày bạn có trò chuyện cùng con, có ngồi đấu vui với chúng? Hay bạn chỉ luôn miệng nhắc nhở “học bài đi” và tất tả chở chúng đi học thêm mà chẳng hề biết phía sau xe đứa trẻ đang thèm những cái vỉa hè với nước sấu mát lạnh? Giận nhau, các bạn không bao giờ dám hy sinh chút cảm xúc cá nhân của mình, mang cả vào bữa ăn trước mặt con cái, biến bữa ăn ấy thành địa ngục. Chúng ta luôn như thế, không bao giờ nhìn thấy chính mình.
Ai cũng muốn thay đổi thế giới nhưng không ai muốn thay đổi bản thân.
Chúng ta là những cha mẹ thông minh, là những thầy cô giáo nhạy bén, chúng ta phê phán hết thảy, nhưng quên phê phán bản thân mình. Ta bắt học trò làm hàng núi bài tập, ta gọi lên bảng và chỉ trích nếu học sinh của mình chưa thuộc bài, ta dọa mời cha mẹ, ta đọc điểm trước lớp, ta nêu tên trước cờ, ta kể lể công ơn để uy hiếp và thao túng, ta cấm những đứa con trai và con gái tuổi teen đi bên cạnh nhau… Ta muốn ngăn ngừa tất cả, ngăn ngừa cái dốt, ngăn ngừa sự nổi loạn, ngăn ngừa sự dại dột; nhưng càng ngăn thì những đứa trẻ càng dốt, càng nổi loạn, càng dại dột… Vì sao thế? Vì ta để chúng một mình. Ta còn mải lo chiến đấu để giải cứu thế giới.
Bao nhiêu người khi vừa xem xong cái MV ấy thì liền vứt điện thoại xuống sofa và chạy vào gõ cửa phòng con? Ai cũng có câu trả lời cả, chỉ là ta luôn muốn lờ nó đi mà thôi.
Tôi tin rằng khi ta ở bên con, nói với chúng rằng “thôi vứt bài tập ở đó đi, 5 điểm là ngon rồi, mình đi xem phim thôi”; rồi cùng ăn và trò chuyện, bàn luận về một đứa con gái mà nó đang thích, “bày mưu” chinh phục cùng nó; như thế, không một đứa nào lại khùng tới nỗi coi xong cái MV ấy mà lại tìm tới một cái cửa sổ cả!
Tôi nhớ ông bố và bà mẹ trong bộ phim Mỹ “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Những đứa trẻ ấy thật hạnh phúc vì có họ, hai người bạn, hai người hộ vệ vĩ đại. Họ đã cùng con cái vượt qua tất cả, từ lúc chúng còn là những đứa bé con đến khi trưởng thành, yêu đương và cầm súng.
Chúng ta đang có, không phải ngôi nhà nhỏ, mà là nhà to. Nhưng chúng ta không có cái thảo nguyên nào xanh mướt ấy của tình bạn, của sự lắng nghe và san sẻ.
Thế giới luôn như thế, phức tạp, hiểm nguy và cả rác nữa; bạn không thể dọn dẹp hết tất cả đâu, dẫu biết rằng chúng luôn cần được dọn dẹp. Và có khi ta cũng phải dọn luôn Người con gái Nam Xương, dọn luôn Chí Phèo, Lão Hạc, rồi dẹp cả Romeo và Juliet… Dọn hết! Nhưng dù dọn gì thì dọn, trong khi dọn dẹp cũng chớ quên nâng cao sức đề kháng cho chính gia đình và học trò của mình bằng sự lắng nghe, tình yêu, sự đồng cảm và đồng hành. Tiếc thay, ta vẫn thường hay quên, như lúc này đang quên.
Tin tôi đi, nếu bạn thật sự coi con cái là điều quý giá nhất đời mình thì bây giờ bạn đã ở bên chúng rồi.