Hậu quả các vụ lừa đảo tài chính lớn trên thế giới được giải quyết như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong các vụ lừa đảo tài chính lớn, phần lớn các nạn nhân đều trắng tay hoặc lấy lại số tiền không đáng kể. Nhưng trong một số trường hợp, khi chính quyền quyết liệt vào cuộc, thiệt hại cũng được giảm thiểu.

Siêu lừa Bernard Madoff phải nhận án 150 năm tù và chết trong nhà giam ở tuổi 82 (Ảnh: Newyorkpost)
Siêu lừa Bernard Madoff phải nhận án 150 năm tù và chết trong nhà giam ở tuổi 82 (Ảnh: Newyorkpost)

Vụ siêu lừa Bernard Madoff: lấy lại được 10/65 tỉ USD

Theo giới chuyên môn, vụ lừa đảo của Bernard Madoff là minh chứng rõ nhất của “lừa đảo kiểu Ponzi” hiện đại, tức là kiểu lừa đảo mà trong đó, kẻ chủ mưu dùng tiền của nhà đầu tư này để trả cho nhà đầu tư khác thay vì sử dụng lợi nhuận thu được để trả. Mặc dù thủ đoạn không mới,, nhưng đến thời điểm bị bắt năm 2008, quy mô của vụ lừa đảo đã lên tới 65 tỉ USD.

Ngay sau khi Bernard Madoff bị bắt, toàn bộ tài sản của ông ta đã bị tịch biên và phát mãi để trả nợ cho các nhà đầu tư. Sau khi vụ lừa đảo bị phanh phui, Bernard Madoff phải nộp lại căn penthouse trị giá 7 triệu USD ở Manhattan, ngôi biệt thự ven biển ở Montauk (New York), cùng nhiều căn nhà ở Florida (Mỹ), Pháp và chiếc du thuyền "The Bull" siêu sang.

Chính phủ Mỹ đã lập ra Quỹ nạn nhân Madoff để hỗ trợ cho một phần trong số 3 triệu nhà đầu tư bị lừa tiền. Trong số những nạn nhân của Bernard Madoff, đáng chú ý có Quỹ từ thiện Wunderkinder, đạo diễn phim Hollywood nổi tiếng Steven Spielberg, Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Hoàng gia Scotland, Ngân hàng Nomura của Nhật Bản...

Được biết, Chính phủ Mỹ chi 4 tỉ USD lấy từ Quỹ nạn nhân Madoff và số tiền được thu thập thông qua các tài sản bị tịch thu và thanh toán các hợp đồng với cá nhân, cùng các công ty liên quan đến vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử của Bernard Madoff.

Sau khi nhận tội đã lừa đảo khoảng 65 tỉ USD của các nhà đầu tư năm 2009, Bernard Madoff bị tuyên phạt với mức án lên tới 150 năm tù. Từ đó, Chính phủ Mỹ bắt đầu thu hồi số tiền bất hợp pháp khi tiến hành các hành động pháp lý chống lại siêu lừa Bernard Madoff và các bên có liên quan.

vo-chong-jeffry-picower-7193.jpg
Vợ chồng Jeffry Picower, nhà đầu tư được cho đã hưởng lợi nhiều nhất trong kế hoạch của siêu lừa Bernard Madoff, buộc phải nộp lại 7,2 tỉ USD (Ảnh TheTimes)

Người được giao nhiệm vụ nặng nề này là luật sư Irving Picard; ông đã giúp các nạn nhân lấy lại được khoảng 10 tỉ USD. Theo New York TimesWall Street Journal, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan đã chấp nhận nộp 2,6 tỉ USD để thoát khỏi dính líu tới vụ lừa đảo. Điều này là do JPMorgan bị cáo buộc đã bỏ qua các cảnh báo về hoạt động phạm tội của Bernard Madoff và cố tình bỏ qua vụ "lừa đảo kiểu Ponzi" lớn nhất trong lịch sử này.

Ngoài ra còn có 7,2 tỉ USD lấy từ Jeffry Picower - nhà đầu tư được cho đã hưởng lợi nhiều nhất trong kế hoạch của siêu lừa Bernard Madoff, bất chấp việc người vợ, Barbara Picower, phủ nhận sự tham gia của chồng trong vấn đề này.

Sau khi Bernard Madoff qua đời trong tù năm 2021 ở tuổi 82, không thấy có các thông tin về việc giải quyết hậu quả vụ lừa đảo này.

Vụ Tyco: ban lãnh đạo mới chịu đền bù để tránh hầu tòa

Trong vụ Tập đoàn Tyco gây thiệt hại ước tính 2 tỉ USD (3 tỉ USD theo giá trị năm 2022), những người lãnh đạo công ty hiện nay đã chấp nhận trả 3 tỉ USD để giải quyết vụ kiện của các cổ đông về hành vi gian lận chứng khoán và kế toán của ban lãnh đạo cũ.

Thoả thuận này đạt được sau khi vụ kiện pháp lý trên kéo dài 5 năm, liên quan tới thời kỳ làm lãnh đạo của cựu Tổng giám đốc Dennis Kozlowski, người đang ngồi vì tội biển thủ hàng triệu USD của công ty.

Số tiền này sẽ dùng để bồi thường cho các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của Tyco trong giai đoạn từ 13/12/1999 đến 7/6/2002. Các luật sư đại diện cho các cổ đông, những người cho rằng, họ bị thiệt hại tài chính nặng nề do hành vi gian lận trên của ban lãnh đạo cũ Tyco, đã bày tỏ hoan nghênh thoả thuận này.

dennis-kozlowski-duoc-tha-734.png
Dennis Kozlowski được phóng thích tháng 1/2014 sau 9 năm ngồi tù sau khi nộp trả cho công ty Tyco 500 triệu USD (Ảnh: AP)

Tyco đã đệ đơn kiện Dennis Kozlowski và thắng kiện, với việc tòa án tuyên bố 500 triệu USD mà ông ta nhận được trong thời gian từ năm 1997 đến năm 2002 bị tịch thu trở lại công ty. Sau khi chấp nhận trả lại 500 triệu USD, Dennis Kozlowski được phóng thích tháng 1/2014 sau 9 năm ngồi tù trong bản án 25 năm.

FTX: hậu quả đang dần được khắc phục bằng nhiều cách

Trong vụ bê bối chiếm dụng 7 tỉ USD của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX, vào tháng 4/2023, các luật sư xử lý vụ phá sản của FTX, do ông Sam Bankman-Fried đồng sáng lập, cho biết tại một phiên tòa rằng, họ đã thu hồi được hơn 7,3 tỉ USD tiền mặt và tiền mã hóa thanh khoản và chứng khoán đầu tư thanh khoản, tăng hơn 800 triệu USD kể từ tháng 1/2023 trong nỗ lực cứu vãn nguồn tài chính của công ty phá sản này.

Luật sư Andy Dietderich của FTX cho biết, công ty này đã được hưởng lợi từ việc tiền mã hóa thời gian gần đây. Tổng số đồng tiền mã hóa mà sàn này thu hồi được rơi vào khoảng 6,2 tỉ USD.

Trước đó, FTX từng là một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa nổi tiếng nhất thế giới, thế nhưng sàn này đã bất ngờ sụp đổ vào tháng 11/2022, khiến 9 triệu khách hàng hoang mang và Sam Bankman-Fried bị các công tố viên Mỹ truy tố tội lừa đảo có tổ chức, rửa tiền và vi phạm tài chính bầu cử.

Luật sư của FTX nói với tòa án rằng, Sam Bankman Fried đã lừa dối các nhà đầu tư bằng cách tạo ra một kênh phía sau để bòn rút tiền gửi của khách hàng tại FTX chuyển cho Quỹ phòng hộ Alameda Research của ông cũng đối mặt với những cáo buộc riêng biệt liên quan đến các khoản quyên góp bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử.

Giám đốc điều hành mới của FTX, John Ray, đã liệt kê chi tiết các khoản chuyển tiền không phù hợp tại sàn giao dịch tiền điện tử này và mô tả đó là "sự thất bại hoàn toàn" của các biện pháp kiểm soát.

Nhìn về tương lai, FTX đang đàm phán với các bên liên quan về các phương án để khởi động lại sàn giao dịch tiền mã hóa của mình. Việc khởi động lại của sàn giao dịch này sẽ có ý nghĩa lớn đối với các khách hàng có tiền gửi bằng tiền mã hóa tại sàn FTX nhưng đã bị khóa khi sàn này thông báo phá sản.

Luật sư Andy Dietderich của FTX nói, cho đến nay, các khách hàng của FTX ở Nhật Bản là những người duy nhất có thể rút bất kỳ khoản tiền nào cho đến nay, do các quy định về tiền mã hóa tương đối chặt chẽ của quốc gia này.

ceo-john-ray-7249.png
Giám đốc điều hành mới của FTX, John Ray, đang nỗ lực khắc phục hậu quả do Sam Bankman-Fried gây ra (Ảnh: Newyorkpost)

Vị luật sư này cho biết, FTX sẽ cần một số vốn đáng kể để khởi động lại sàn giao dịch tiền mã hóa của mình. Ông Dietderich cho biết thêm, vẫn chưa rõ liệu FTX có nên sử dụng tiền của chính mình để khởi động lại sàn giao dịch hay không, hay sẽ sử dụng tiền để trả nợ cho khách hàng. Việc khởi động lại sàn giao dịch có thể cần thêm tài trợ từ bên ngoài hoặc phải bán tài sản của sàn giao dịch.

Ông Dietderich cho biết, FTX cũng đang thực hiện một kế hoạch sơ bộ để giúp công ty thoát khỏi tình trạng phá sản, nhưng họ thừa nhận rằng nhiều khoản tiền sẽ phải được ưu tiên giải quyết khi các chủ nợ đòi lại phần tài sản của họ trong công ty. FTX không mong đợi kế hoạch này sẽ được phê duyệt trước quý 2 năm 2024.

Sam Bankman Fried và một số người trong công ty đã bị truy tố về tội lừa đảo và đóng vai trò lớn trong sự sụp đổ của FTX. Trái ngược với việc Sam Bankman Fried không nhận tội, các thành viên thân cận của ông ta đã nhận tội và đồng ý hợp tác với các công tố viên. Trong đó, Gary Wang, đồng sáng lập FTX, và Caroline Ellison, người từng là CEO của Alameda, đã nhận tội với nhiều cáo buộc và bắt đầu hợp tác với các công tố viên liên bang.

Tổng hợp