Cựu CEO Công ty FTX Sam Bankman Fried đang bị xét xử phải đối mặt với mức án 115 năm tù (Ảnh: beincrypto).
Cựu CEO Công ty FTX Sam Bankman Fried đang bị xét xử phải đối mặt với mức án 115 năm tù (Ảnh: beincrypto).

E-magazine Vụ Vạn Thịnh Phát nằm trong số những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới (Kỳ 2)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 5/3, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các cá nhân có liên quan.

Căn cứ dữ liệu của Thinkadvisor tính đến cuối năm 2022 trong bài viết “10 of the Biggest Financial Frauds of the Past 25 Years”; với quy mô lừa đảo, số tiền đã chiếm đoạt và tổng thiệt hại, vụ việc xảy ra tại Vạn Thịnh Phát lọt vào top đầu các vụ án lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới.

Đứng sau 3 vụ lừa đảo lớn nhất là Enron (thiệt hại ước tính: 74 tỉ USD); Bernard L. Madoff (65 tỉ USD) và WorldCom (11 tỉ USD) là các vụ lớn tiếp theo:

Waste Management gây thiệt hại 6 tỉ USD

Waste Management, Inc. là một công ty xử lý chất thải của Mỹ thành lập năm 1971, cung cấp các dịch vụ về môi trường và xử lý chất thải cho vùng Bắc Mỹ.

Mạng lưới của Công ty Waste Management bao gồm 367 trạm thu nhận, 346 trạm xử lý, 293 khu vực chứa, 16 nhà máy xử lý nước thải, 146 nhà máy tái chế rác và 6 nhà máy sản xuất điện. Waste Management cung cấp dịch vụ môi trường cho gần 27 triệu dân, các khu công nghiệp ở Mỹ, Canada và Puerto Rico. Waste Management, Inc. là một trong hai nhà cung cấp dịch vụ môi trường lớn nhất ở Mỹ trong những năm hoạt động.

Từ năm 1992 đến năm 1997, các giám đốc điều hành của Waste Management đã điều chỉnh hồ sơ kế toán của họ để gian lận rằng công ty đã đạt được các mục tiêu đã chia sẻ.

wastemanagement-truck-9638.png
Xe tải chở rác của Waste Management (Ảnh: Thinkadvisor).

Công ty này đã “xào nấu” sổ sách kế toán để tăng lợi nhuận bằng các phương cách như: Không ghi nhận các khoản chi không được vốn hóa (như các dự án xây dựng khu chứa thải không thành công) vào khoản chi trong kỳ; ghi giảm chi phí khấu hao bằng cách ghi nhận cao giá trị thanh lý tài sản ước tính và kéo dài thời gian sử dụng hữu ích ước tính của hệ thống xe chở rác; không ghi nhận giảm giá trị của các tài sản bị khấu hao trong kỳ...

Khi CEO mới là A. Maurice Meyers được bổ nhiệm, ông tiến hành soát xét lại toàn bộ sổ sách kế toán của những năm trước đây và phát hiện ra lợi nhuận đã bị khai khống lên tới 1,7 tỉ USD. Người sáng lập kiêm CEO là Dean Buntrock, các giám đốc và kiểm toán viên của công ty, Authur Andersen, đã thông đồng để “xào nấu” báo cáo tài chính nhằm đánh lừa cổ đông và các bên liên quan.

Vụ bê bối 7 tỉ USD của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX

Sam Bankman-Fried (còn được gọi là SBF) sinh năm 1992 thành lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX năm 2019 và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Coinbase, Binance. Tháng 11/2022, FTX gặp khủng hoảng khi không đủ tài sản dự trữ để đáp ứng làn sóng rút tiền ào ạt từ người dùng. Sàn giao dịch tiền mã hóa, từng được định giá 32 tỉ USD, đã sử dụng tiền gửi của khách hàng để tài trợ cho các vụ cá cược rủi ro thông qua một quỹ phòng hộ cũng do SBF kiểm soát.

FTX vỡ nợ, SBF bỏ trốn nhưng bị bắt ở Bahamas và bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc hình sự về âm mưu lừa đảo chuyển tiền, gian lận hàng hóa, gian lận chứng khoán và rửa tiền. Ông ta phải đối mặt với mức án lên tới 115 năm tù. Quỹ phòng hộ Alameda Research của ông cũng đối mặt với những cáo buộc riêng biệt liên quan đến các khoản quyên góp bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử. Vụ bê bối đã làm rung chuyển thế giới đầu tư tiền điện tử rộng lớn hơn, gây ra hàng chục vụ kiện của nhà đầu tư và đẩy giá trị của tài sản kỹ thuật số xuống. Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần để xem xét vụ việc và các quy định tiếp theo về ngành công nghiệp tiền mã hóa.

sam-bankmanfried-ceo-ftx-7850.png
Sam Bankman Fried, cựu CEO của FTX (Ảnh: Thinkadvisor).

Theo hồ sơ tại tòa, FTX có hơn 1 triệu chủ nợ, bao gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Apple, Meta, Netflix, LinkedIn, Adobe, AWS. Trong đó, 50 chủ nợ lớn nhất bị mất số tiền khoảng 3,1 tỉ USD.

Trong phiên xử ngày 2/11/2023 tại Manhattan, 12 vị bồi thẩm đoàn đã "đồng thuận tuyệt đối" về việc SBF có tội với cả 7 tội danh nêu trong cáo trạng, gồm: lừa đảo khách hàng, âm mưu lừa đảo khách hàng, lừa đảo người cho vay, âm mưu lừa đảo người cho vay, âm mưu lừa đảo chứng khoán, âm mưu lừa đảo hàng hóa, âm mưu rửa tiền. Sam Bankman Fried phải đối mặt 115 năm tù. Tuy nhiên, cựu CEO của FTX vẫn có thời hạn đến 28/3/2024 để kháng án, trước khi thẩm phán đưa ra phán quyết cuối cùng.

Cú lừa mỏ vàng 3 tỉ USD của Bre-X Minerals

Năm 1996, công ty khai thác mỏ nổi tiếng Canada, Bre-X Minerals đã làm cả thế giới rúng động với tuyên bố phát hiện thấy mỏ vàng lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Thông tin này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu Bre-X tăng chóng mặt lên mức 280 USD, nâng giá trị vốn hóa công ty trên thị trường lên tới 4 tỉ USD. Nhưng đó chỉ là sự gian dối của một kỹ sư địa chất, kẻ đã trộn vàng vào các mẫu lõi khoan để đánh lừa mọi người.

bre-xminerals-5308.png
Trụ sở Công ty khoáng sản Bre-X Minerals (Ảnh: Thinkadvisor).

Vào cuối những năm 1990, tin rằng khu vực gần sông Busang ở Indonesia là nơi chứa một lượng lớn vàng thô nên David Walsh, người sáng lập công ty Bre-X Minerals, đã mua gom hết đất tại đây để tiện cho việc khai thác. Michael De Guzman, kỹ sư địa chất cao cấp người Philippines, là người được giao chủ quản dự án khai thác vàng này.

Khi các mẫu khoan tìm vàng được ra đưa quá ít so với kỳ vọng, Guzman đã đồng ý tiếp tay cho vụ gian lận khai thác mỏ lớn nhất trong lịch sử hiện đại bằng cách lấy vàng thành phẩm trộn vào các mẫu thử rồi tuyên bố Bre-X đã tìm thấy mỏ vàng với sản lượng ước tính lên tới 62 tấn.

Tin tức về mỏ vàng khổng lồ của Bre-X lập tức lan rộng như cháy rừng, Bre-X tuyên bố đó là mỏ vàng lớn nhất từng được phát hiện. Nhận thấy đây là một cơ hội làm giàu ngon ăn, nhiều nhà đầu tư đổ xô vào khiến giá cổ phiếu của Bre-X tăng chóng mặt, từ 4 xu lên tới 280 USD/cổ phiếu mà không hề biết họ đang trở thành những nạn nhân của trò lừa đảo thế kỷ.

Đầu năm 1997, mức độ giàu có của mỏ vàng này bắt đầu bị nghi ngờ, chính phủ Indonesia đã vào cuộc điều tra. Vụ gian lận bị lật tẩy, một công ty Mỹ tuyên bố mẫu thử tại Busang chỉ chứa hàm lượng vàng không đáng kể, chính phủ Indonesia ngừng ký hợp đồng khai thác, Bre-X đứng trước bờ vực phá sản. Tháng 3/1997, dưới áp lực dư luận, De Guzman nhảy từ máy bay trực thăng xuống tự vẫn, đồng thời cũng kéo luôn danh tiếng lẫy lừng của công ty Bre-X xuống đáy vực.

Ngày 26/3/1997, giá cổ phiếu công ty giảm mạnh, hàng ngàn nhà đầu tư mất trắng 3 tỉ USD chỉ sau một đêm. Đến ngày 5/11/1997, cổ phiếu Bre-X bị gỡ bỏ trên thị trường chứng khoán và công ty khai thác mỏ này chính thức bị phá sản.

Thu Thủy (Còn tiếp)