Vụ Vạn Thịnh Phát nằm trong số những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới (Kỳ cuối)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 5/3, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các cá nhân có liên quan.

Siêu lừa Elizabeth Holmes, CEO của Tập đoàn Công nghệ y tế Theranos từng là gương mặt trang bìa của các tạp chí nổi tiếng nhất (Ảnh: Forbes)
Siêu lừa Elizabeth Holmes, CEO của Tập đoàn Công nghệ y tế Theranos từng là gương mặt trang bìa của các tạp chí nổi tiếng nhất (Ảnh: Forbes)

Căn cứ dữ liệu của Thinkadvisor tính đến cuối năm 2022 trong bài viết “10 of the Biggest Financial Frauds of the Past 25 Years”; với quy mô lừa đảo, số tiền đã chiếm đoạt và tổng thiệt hại, vụ việc xảy ra tại Vạn Thịnh Phát lọt vào top đầu các vụ án lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới. Dưới đây là 4 vụ cuối trong top 10:

Công ty tài chính Đức Wirecard gây thiệt hại 4 tỉ USD

Sự sụp đổ của Wirecard là một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất nước Đức. Từ một công ty công nghệ tài chính (fintech) hàng đầu, Wirecard phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Wirecard được thành lập để chuyên xử lý các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng. Năm 2005, công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt.

Cổ đông hàng đầu người Áo Markus Braun đã trở thành CEO và biến một công ty gần như "vô danh" ở Bavaria trở thành một biểu tượng công nghệ của Đức, lọt top 30 tập đoàn Đức có giá trị nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán Frankfurt.

Năm 2018, cổ phiếu của Wirecard đạt mức cao nhất với định giá công ty ở mức 24 tỉ euro. Nhưng đến ngày 25/6/2020, Wirecard đã nộp đơn xin phá sản sau khi tiết lộ rằng 1,9 tỉ Euro đã "mất tích”.

braun-markus-wirecard-4802.png
Markus Braun, CEO của Công ty tài chính Đức Wirecard (Ảnh: thinkadvisor)

Bê bối chính thức được tờ Financial Times hé lộ hôm 18/6/2020, sau khi hãng kiểm toán EY từ chối xác nhận báo cáo kinh doanh năm 2019 của Wirecard có khoản tiền trị giá tới 1,9 tỉ Euro trong các tài khoản ở 2 ngân hàng Philippines không thể kiểm chứng

Công ty Wirecard sụp đổ và tuyên bố phá sản. Các công tố viên cho biết các giám đốc điều hành đã nói dối trong báo cáo tài chính và cố tình huy động hàng tỉ USD từ các ngân hàng và nhà đầu tư để bù đắp cho khoản lỗ của công ty.

Giám đốc điều hành và cổ đông lớn nhất của công ty, Markus Braun, 58 tuổi, cùng hai giám đốc khác hiện đang bị xét xử ở Munich với cáo buộc gian lận và thao túng thị trường. Mỗi người phải đối mặt với mức án 15 năm tù giam.

Tập đoàn Tyco gây thiệt hại ước tính 2 tỉ USD

Năm 2007, Tập đoàn công nghiệp Tyco International Ltd. phải chấp nhận trả 3 tỉ USD để giải quyết vụ kiện của các cổ đông về hành vi gian lận chứng khoán và kế toán của ban lãnh đạo cũ.

Thoả thuận này đạt được sau khi vụ kiện pháp lý trên kéo dài 5 năm, liên quan tới thời kỳ làm lãnh đạo của cựu Tổng giám đốc Tyco Dennis Kozlowski, người đang chịu án tù 25 năm vì tội biển thủ hàng triệu USD của công ty.

kozlowski-dennis-tyco-5118.png
Dennis Kozlowski, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Tyco (Ảnh: thinkadvisor)

Tyco, trụ sở tại Bermuda nhưng hoạt động trên khắp nước Mỹ, phải huy động số tiền mặt 2,975 tỉ USD để bồi thường cho các nhà đầu tư. Số tiền này tăng lên trên 3 tỉ USD trước khi thoả thuận trên được thông qua tại toà án. Số tiền này được dùng để bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu của Tyco trong giai đoạn từ 13/12/1999 đến 7/6/2002.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tyco Ed Breen cho biết, Tyco đã sa thải Kozlowski sau khi buộc ông này giải trình về việc thu nhập của hãng bị thiếu hụt hàng triệu USD. Kozlowski cùng với Mark Swartz, cựu CFO của Tyco tháng 9/2005 đã bị kết án tù vì các tội biển thủ tiền của công ty để chi tiêu cho lối sống xa hoa của mình, tội gian lận và giả mạo các kết quả kinh doanh của Tyco và các cáo buộc khác.

Vụ bê bối tại công ty này bắt nguồn từ các giao dịch ngoại bảng và việc lạm dụng quỹ công ty một cách trắng trợn của CEO Dennis Kozlowski và CFO Mark Swartz.

James Paul Lewis lừa đảo đầu tư 800 triệu USD

Chủ sở hữu Công ty Financial Advisory Consultants (FAC) James Paul Lewis Jr. đã thực hiện một vụ lừa đảo thông qua công ty của mình, thu hút đầu tư từ hơn 5.000 khách hàng và sử dụng các khoản tiền gửi mới hơn để tạo ra vẻ ngoài mang lại lợi nhuận cho khách hàng hiện tại.

Tài liệu tiếp thị của Lewis hứa với các nhà đầu tư rằng họ có thể kiếm được lợi nhuận từ 18% đến 40%, từ quỹ FAC mà họ đầu tư vào, nhưng ông ta đã sử dụng tiền của các nhà đầu tư để mua nhà, ô tô sang, đồ trang sức và các mặt hàng xa xỉ khác hoặc để cá cược.

james-paul-lewis-9558.png
Ông chủ Công ty Financial Advisory Consultants (FAC) James Paul Lewis
(Ảnh: thinkadvisor)

Trong khoảng 20 năm, Lewis đã thu về khoảng 311 triệu USD từ các nhà đầu tư. Thủ đoạn mà Lewis thực hiện là một "kế hoạch Ponzi" cổ điển: các nhà đầu tư mới đóng góp tiền và chúng được dùng trả lãi cho các nhà đầu tư trước đó và gian lận cứ thế tiếp tục. Nhưng cuối cùng, các nhà đầu tư mới ngừng đóng góp và toàn bộ kim tự tháp sụp đổ, những người đóng góp sau không nhận được gì cho khoản đầu tư của họ.

Năm 2003, các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ khi Lewis ngừng trả cổ tức. Ông ta tuyên bố rằng Bộ An ninh Nội địa đã đóng băng các quỹ và điều này giúp ông có thêm thời gian, nhưng cuối cùng FBI cũng truy lùng ông. Lewis bị bắt ở Houston, Texas vào năm 2004. Ông được đưa trở lại California, và bị thẩm phán liên bang kết án 30 năm tù vào năm 2006 về tội lừa đảo. Lewis đã nộp đơn kháng cáo nhưng vô ích.

Theranos – “câu chuyện cổ tích” gây thiệt hại 600 triệu USD

Ngày 19/11/2022, Elizabeth Holmes, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ y tế Theranos, người từng được mệnh danh là "ngôi sao thung lũng Silicon" bị Tòa án San Jose (bang California) kết án 11 năm 3 tháng tù giam và phạt 400 triệu USD vì tội lừa đảo. Từng là một công ty công nghệ đầy hứa hẹn, nhưng giờ đây những gì người ta nhớ về Theranos chỉ còn là một trò lừa đảo đầy tai tiếng.

Theranos được Elizabeth Holmes - một sinh viên Đại học Stanford thành lập năm 2003 khi mới 19 tuổi. Holmes hứa hẹn sẽ nâng cấp ngành xét nghiệm bằng một công nghệ đặc biệt, đưa ra kết quả chỉ nhờ vào một giọt máu nhỏ. Công ty này nhanh chóng đạt đến đỉnh cao vào 10 năm sau đó, được định giá 10 tỉ USD trước khi sụp đổ.

holmes-elizabeth-ceo-theranos-9869.png
Siêu lừa Elizabeth Holmes, kẻ dựng lên "câu chuyện cổ tích" về Theranos
(Ảnh: thinkadvisor).

Theranos đã huy động được 945 triệu USD từ một loạt những nhà đầu tư “có máu mặt”, gồm tỉ phú truyền thông Rupert Murdoch, nhà sáng lập hãng phần mềm Oracle Larry Ellison, gia tộc Walton của tập đoàn bán lẻ Walmart, và gia đình tỉ phú của cựu Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ Betsy DeVos.

Mọi chuyện bắt đầu vỡ lở vào năm 2015 sau khi một bài báo điều tra trên tờ Wall Street Journal phát hiện thấy Theranos thực ra mới chỉ thực hiện được hơn một chục trong số hàng trăm xét nghiệm mà công ty mời chào khách hàng bằng thiết bị thử máu mà Theranos phát minh ra. Ngoài ra, tính chính xác của kết quả xét nghiệm cũng bị nghi ngờ. Thậm chí, Theranos bị cho là dựa vào các thiết bị được các công ty công nghệ thử máu truyền thống khác sản xuất.

Ở thời kỳ đỉnh cao, Theranos được định giá ở mức 9 tỉ USD, đưa Elizabeth Holmes trở thành một tỉ phú trên giấy. Cô ta xuất hiện trên khắp các tờ báo và hãng tin, thường xuyên trong trang phục áo cổ lọ màu đen khiến nhiều người so sánh cô ta với huyền thoại công nghệ quá cố Steve Jobs của Apple.

Tháng 3/2018, Elizabeth Holmes và Theranos bị buộc tội gian lận, lừa đảo các nhà đầu tư với công nghệ chưa hoàn thiện, bị phạt 500.000 USD và phải trả lại tất cả 18,9 triệu cổ phiếu của công ty. Holmes bị cấm làm giám đốc của bất kỳ công ty nào trong một thập kỷ.

Tháng 9/2018, Theranos tuyên bố phá sản. Công ty từng có giá trị hàng tỉ USD ngày nào trở về con số 0 tròn trĩnh. Các nhà đầu tư chẳng thu lại được gì đáng kể. Tháng 8/2021, Elizabeth Holmes bị ra hầu tòa; trong quá trình xét xử, Holmes nói rằng cô ta bị bạn trai cũ kiêm Giám đốc hoạt động (COO) của Theranos là Ramesh “Sunny” Balwani thao túng khi điều hành công ty.

Tháng 7/2022, Balwani bị buộc 12 tội danh trong một vụ xét xử khác và bị kết án 12 năm 11 tháng tù về tội lừa đảo.

Thu Thủy (Tổng hợp)