Tại Seoul, thủ đô sắc đẹp của thế giới, các thẩm mỹ viện thường có các chương trình giảm giá dành cho các sinh viên, thậm chí là cả các học sinh trung học. Khi đi xin việc ở Hàn Quốc, phần sơ yếu lý lịch luôn yêu cầu người xin việc đính kèm một bức ảnh cũng như các thông tin như cân nặng và chiều cao. Điều đó cho thấy vấn đề về ngoại hình ở Hàn Quốc là rất quan trọng.
Theo một cuộc thăm dò năm 2020 của Gallup Korea, 1/3 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 39 đã trải qua một số loại phẫu thuật thẩm mỹ - 66% cho biết họ sẽ dao kéo để cải thiện cơ hội kết hôn. Đáng lo ngại hơn, một cuộc khảo sát năm 2007 của nhãn hàng Dove cho thấy cứ 4 bà mẹ Hàn Quốc thì có 1 người khuyên con gái trong độ tuổi từ 12 đến 16 đi phẫu thuật thẩm mỹ.
Tuy nhiên kể từ năm 2018, một làn sóng phản đối việc phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc đã nổ ra. Hàng trăm nghìn cô gái tại Hàn Quốc đã lên mạng xã hội đăng ảnh họ cắt đi mái tóc dài nữ tính của mình. Họ xông ra đường trong bộ quần áo rộng thùng thình.
Họ gọi phong trào của mình là "Escape the Corset". (Rời bỏ áo ngực)
"Tôi mô tả nó như một cuộc tổng đình công chống lại loại hình lao động [thẩm mỹ] mà phụ nữ Hàn Quốc phải làm," cô Elise Hu, tác giả cuốn sách "Hoàn mỹ: Bài học về ngoại hình và văn hóa từ kinh đô sắc đẹp" cho biết.
Những cô gái mà Hu đã phỏng vấn cho biết họ thường chi từ 500 đến 700 USD một tháng cho việc chăm sóc da. Chưa kể đến việc họ phải dành hàng giờ đồng hồ để trang điểm mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
Cô Hu nói với Insider, khi từ bỏ đồ trang điểm, sản phẩm chăm sóc da và liệu pháp thẩm mỹ, "họ đã giải phóng rất nhiều thời gian và năng lượng, điều này không thể bỏ qua vì đó là đòn bẩy quan trọng cho sự tự do của chúng ta".
Dữ liệu tiêu dùng từ Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho thấy chi tiêu liên quan đến làm đẹp đã thực sự giảm đối với phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và họ cũng ít phẫu thuật thẩm mỹ hơn, Hu viết.
“Nó giống như làn sóng nữ quyền thứ hai ở Mỹ, với việc đốt áo ngực,” Hu nói. "Các nhà hoạt động nữ quyền ở Hàn Quốc là một trong số những nhà hoạt động nữ quyền có tổ chức tốt và ấn tượng, đặc biệt, trên thế giới. Và họ nên được chú ý nhiều hơn nữa".
Chủ nghĩa tiêu dùng tự chăm sóc
Ở Hàn Quốc, việc chăm sóc sắc đẹp là một nghĩa vụ với cộng đồng.
"Đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại hình được coi là lịch sự", Hu giải thích. "Nếu bạn đang phẫu thuật thẩm mỹ để phù hợp, bạn không chỉ trông đẹp cho bản thân - đó còn là vấn đề tôn trọng những người khác trong cộng đồng của bạn".
Chính phủ Hàn Quốc củng cố việc chăm sóc sắc đẹp bằng cách giữ chi phí cho các sản phẩm làm đẹp và phương pháp điều trị ở mức thấp.
Nhưng trong khi "chủ nghĩa tiêu dùng chăm sóc bản thân" này có thể là nguồn trao quyền cho một số người - cho phép phụ nữ (và đôi khi là nam giới) vượt qua ranh giới giai cấp - thì nó cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại.
"Khi bạn nói rằng cơ thể của bạn có thể thay đổi và bạn có thể trông đẹp hơn, thì cuối cùng bạn sẽ bị đánh giá là không làm gì để cải thiện ngoại hình của mình", Hu nói. "Và điều đó thực sự nguy hiểm".
Cô Hu chuyển đến Seoul vào năm 2015, từ Washington D.C., với tư cách là phóng viên quốc tế của NPR. Ngay lập tức, cô ấy bị ấn tượng bởi "cảm giác bất bình đẳng như thế nào khi là một phụ nữ đi lại trên đường phố", cô ấy nói. Những người lạ nhận xét về những nốt tàn nhang của cô ấy.
Làn sóng nữ quyền chỉ thực sự nổi lên mạnh mẽ vào năm 2016 khi sự việc một người đàn ông đã sát hại một phụ nữ trẻ gần ga tàu điện ngầm Gangnam vì anh ta nói rằng anh ta cảm thấy bị "coi thường" bởi người khác giới. Hàng trăm ngàn phụ nữ đã đứng lên biểu tình và dán những tấm biểu ngữ ở ga tàu điện với nội dung "tôi có thể là nạn nhân bất cứ khi nào".
Cô Hu nói với Insider: "Về cơ bản, phụ nữ Hàn Quốc thích những chiếc váy bút chì bó sát, mái tóc dài sang trọng, làn da hoàn hảo và luôn trang điểm kỹ lưỡng. Làn sóng nữ quyền đã giúp cho nhiều người phụ nữ ở Hàn Quốc dám cắt đi mái tóc dài truyền thống, bỏ đi những lớp trang điểm khi đi ra ngoài đường".
Sự hy sinh
Một báo cáo về phong trào phụ nữ Hàn Quốc được công bố cho thấy số lượng phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền là 300.000 người. Họ đã từ bỏ rất nhiều quyền lợi của mình. Hơn 56% đàn ông Hàn Quốc cho biết họ sẽ chia tay với bạn gái nếu cô ấy nói mình là người ủng hộ nữ quyền.
Hu chia sẻ: "Họ thực sự đã hy sinh các mối quan hệ hay thậm chí là cơ hội nghề nghiệp để bảo vệ nữ quyền".
"Có một giáo viên đã nói chuyện với tôi vào cuối tuần trước, cô ấy nói rằng học sinh của cô ấy liên tục hỏi cô ấy tại sao cô ấy không để tóc dài [hoặc] trang điểm khi đến trường", Hu nói. "Đây là những học sinh tiểu học. Chúng cho rằng việc cô giáo không chăm chút cho vẻ ngoài khi đi dạy là vì cô ấy quá lười biếng. Và đây chính là vấn đề, khi chúng ta coi ngoại hình đẹp như một vấn đề trách nhiệm cá nhân".
Hu cho biết cô vẫn còn hy vọng cho phụ nữ ở Hàn Quốc, cho phụ nữ trên thế giới và cho những người trong chúng ta đang cố gắng chống lại một xã hội vốn nói với chúng ta rằng ngoại hình là tất cả.
Theo Insider