Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn – nhà phản biện giáo dục sắc sảo đã rời cõi tạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – GS.TS. Nguyễn Xuân Hãn luôn lo sợ giáo dục nước nhà bị phá nát. Thầy lo lắng con em chúng ta phải học những cuốn SGK vô bổ, quá tải. Thầy nói, SGK là những gì cơ bản nhất. Càng vẽ càng tốn kém, càng lợi ích nhóm.

GS Nguyễn Xuân Hãn – một nhà phản biện giáo dục sắc sảo và tâm huyết.
GS Nguyễn Xuân Hãn – một nhà phản biện giáo dục sắc sảo và tâm huyết.

Tin GS.TSHK Nguyễn Xuân Hãn đã rời cõi tạm khiến tôi thấy đau buồn và tiếc thương thầy biết bao nhiêu... Từ bây giờ, tôi sẽ không còn được nhận những cuộc điện thoại rất "bất thình lình" của thầy, để bày tỏ về một vấn đề giáo dục mà thầy đang nung nấu.

Được quen và gặp thầy, với tôi là một sự may mắn vô cùng!

Cách đây 15 năm, khi tôi thực hiện loạt bài điều tra về thiết bị dạy học “Tiền tỷ ném ra gió”, thầy đã xin được số điện thoại của tôi và đề nghị được gặp tôi. Sau đó, thầy cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin "khủng khiếp" của một "liên minh ma quỷ" trong việc nâng khống giá thiết bị dạy học lên gấp vài chục lần (kiểu như vụ Việt Á bây giờ)... Và loạt bài đó của tôi sau này đã đoạt giải C giải Báo chí quốc gia, có dấu ấn của thầy Nguyễn Xuân Hãn, của nhiều nhà khoa học Vật lí, Hóa học mà đến giờ tôi vẫn luôn thầm cảm ơn thầy và các chú đã giúp tôi góp phần nhỏ bé chặn được "cơn bão" nâng giá thiết bị dạy học vô tội vạ lúc bấy giờ.

Tôi còn nhớ, thầy nói với tôi rằng, việc sản xuất, cung ứng và sử dụng thiết bị dạy học của Việt Nam (thời điểm cách đây hơn chục năm) đang đi theo một tư duy ngược. Nói đến giáo dục là nói đến chương trình sách giáo khoa (SGK), người chuyển tải chương trình đó (người thầy) rồi đến ngôi trường khang trang, vững chắc, sau đó mới đến thiết bị dạy học.

Nhưng ta lại làm ngược, trường sở, phòng học còn thiếu thốn, chưa kể đến hàng ngàn trường học còn trong cảnh tranh tre, nứa lá, nhưng lại cấp nhiều thiết bị đến thế, để đâu cho hết, lại xếp xó, "đắp chiếu", giống như kiểu “tôi đang đói, sao bắt tôi phải mặc áo hoa”.

Năm 1976, nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Hãn bảo vệ Luận án tiến sĩ Toán Lý tại Viện Liên hợp hạt nhân Dubna (Liên Xô).

Năm 1976, nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Hãn bảo vệ Luận án tiến sĩ Toán Lý tại Viện Liên hợp hạt nhân Dubna (Liên Xô).

Cách đây hơn 1 thập kỷ, khi nói về chương trình SGK, thầy từng ủng hộ chủ trương nhiều bộ SGK, vì như thế đồng nghĩa với việc con em chúng ta có được nhiều sự lựa chọn hơn, học sinh miền núi chưa nói thông viết thạo tiếng Kinh sẽ có thể tìm học những bộ sách hợp với trình độ của mình, thay vì việc phải học bộ sách giống như học sinh Hà Nội.

Thầy từng viết rằng, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta đã từng có 3 bộ SGK Toán và 2 bộ SGK Văn khác nhau cho hai miền Nam Bắc, nhưng khi vận dụng vào thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập. Do đó, để biên soạn được nhiều bộ SGK chất lượng, rất cần phải tham khảo lại kinh nghiệm quá khứ để không "lặp lại vết xe đổ". Cho đến giờ, những trăn trở, suy tư và những dự báo của thầy vẫn còn nguyên tính thời sự.

Từ những buổi gặp gỡ, tiếp xúc mang tính chất báo chí đó, thầy Nguyễn Xuân Hãn rất hay điện thoại cho tôi trò chuyện, để cùng thầy bàn luận về các vấn đề giáo dục. Thầy càng quý tôi hơn khi thầy biết tôi là đồng hương Ứng Hòa với thầy, là "con dâu" của thầy Đào Văn Phúc – người thầy mà thầy rất tôn kính...

Có lần thầy còn mời tôi đến nhà thầy để thầy nói những trăn trở, dự báo của thầy về giáo dục. Hôm đến nhà thầy, tôi thấy thầy sống thật giản dị, thậm chí còn quá đỗi giản dị và hơi xuề xòa, nên lúc về tôi cứ thấy băn khoăn, thương thầy...

Có những thời điểm thầy đã phản biện giáo dục liên tục, liên tục bằng thái độ quyết liệt, thẳng thắn, bộc trực nhất. Lần nào điện thoại cho tôi, thầy cũng lo sợ giáo dục nước nhà bị phá nát. Thầy luôn lo lắng con em chúng ta phải học những cuốn SGK vô bổ, quá tải. Thầy từng riết róng nói với tôi: "Thời chúng tôi SGK là những gì cơ bản nhất, thế giới họ cũng làm vậy, không cần vẽ vời làm gì nhà báo ạ. Càng vẽ là càng tốn kém, càng lợi ích nhóm, rồi chỉ khổ dân nai lưng đóng thuế".

Nhiều lần tối muộn, thầy điện thoại cho tôi để gửi những tài liệu mà thầy thu thập được cho tôi, mong tôi cùng các phóng viên giáo dục cố gắng làm sao để "vết dầu loang" lợi ích nhóm trong giáo dục đừng loang ra nữa...

Thầy Nguyễn Xuân Hãn là như vậy đó. Cảm giác thầy sống không yên lòng khi mà lòng thầy còn bao chất chứa tâm tư, khi mà giáo dục cứ ngổn ngang trăm bề. Tôi liên tục phải động viên thầy đừng quá bi quan "vì xung quanh em và thầy còn bao nhà giáo tử tế mà thầy!".

Lần cuối thầy điện thoại cho tôi cách đây hơn một năm, thầy gửi cho tôi khá nhiều tư liệu thầy thu thập được. Vẫn là một sự riết róng, lo lắng cho vận mệnh giáo dục nước nhà. Cảm giác thầy làm việc không ngơi nghỉ, đời sống giáo dục nước nhà chính là đời sống của thầy.

Có người bảo thầy sống hơi "lập dị" nhưng tôi thấy ẩn sau sự lập dị đó là một tấm lòng ấm áp, nhiệt huyết của một người thầy, người cha. Lần nào điện thoại cho tôi, thầy cũng không quên hỏi thăm bọn trẻ, hỏi thăm sức khỏe của tôi. Thầy bảo em làm gì thì cũng phải giữ sức khỏe để chăm sóc các con, khiến tôi xúc động vô cùng.

Những đóng góp của thầy cho giáo dục nước nhà, cho ngành Vật lí, cho các thế hệ học trò sẽ là những điều quý giá, vô giá.

Nay thầy đã về nơi xa thẳm. Có thể ở miền xa thẳm đó lòng thầy không còn phải vương vấn, không còn những thảng thốt lo âu về giáo dục nước nhà, nhưng cũng có thể thầy ra đi mà lòng vẫn nặng trĩu ưu phiền. Chỉ cần nghĩ đến điều đó thôi, đã thấy xót xa, thương thầy hơn. Tiễn biệt thầy - GS Nguyễn Xuân Hãn, mong thầy yên nghỉ nơi vĩnh hằng!

Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Hãn sinh năm 1948, tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cùng quê với những nhà nho nổi tiếng như Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Bằng Đoàn.

Ông nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý lý thuyết trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội); nguyên Ủy viên Hội đồng học hàm Giáo sư ngành vật lý; nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Vật lý ngày nay; nguyên Phó Chủ tịch Hội Vật Lý Việt Nam; nguyên Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục.

Nhiều năm liền Giáo sư là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về Vật lý lý thuyết của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông còn là chủ nhiệm của 12 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ đã được nghiệm thu; chủ biên 6 giáo trình, sách chuyên khảo.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn đã mạnh dạn đi vào nghiên cứu lĩnh vực hấp dẫn lượng tử. Ông đã có có hàng chục công bố khoa học, trong đó chủ yếu đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín, được nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước ngưỡng mộ, thán phục…Học trò của ông nhiều người đã trở thành nhà khoa học đầu ngành, được phong chức danh giáo sư, phó giáo sư…