Nhà xuất bản Giáo Dục lãi ròng 287 tỉ đồng, nhờ phát hành sách giáo khoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2021, mặc dù trải qua đại dịch nhưng Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vẫn đạt doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng, lãi ròng tới 287 tỉ đồng, chủ yếu nhờ phát hành sách giáo khoa (SGK). 

Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục Việt Nam vừa công bố "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021". Năm vừa qua, NXB đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa (SGK), vượt 40% so với kế hoạch đề ra
Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục Việt Nam vừa công bố "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021". Năm vừa qua, NXB đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa (SGK), vượt 40% so với kế hoạch đề ra

Lãi cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch

Năm 2021, NXB ghi nhận doanh thu hơn 1.828 tỉ đồng, trong đó nguồn thu từ hoạt động phát hành sách (SGK, sách tham khảo, xuất bản phẩm khác...) chiếm tới 97%, phần còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Với doanh thu cao, đơn vị này cũng gặt hái được lãi ròng sau thuế tới 287 tỉ đồng, tương đương cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và đào tạo (cơ quan chủ quản) giao cho. Đây cũng là mức lợi nhuận cao, vượt qua con số dao động bình quân 120 - 150 tỉ đồng của những năm trước.

Về khả năng sinh lời, NXB có tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là gần 40%, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) đạt gần 18%. Với các chỉ số này, phía NXB cho rằng: "Hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 của NXB Giáo Dục Việt Nam hiệu quả".

Không những vậy, ngay cả 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do NXB này nắm quyền chi phối đều báo lãi với tổng cộng 46 tỉ đồng.

Về việc kinh doanh của năm vừa qua, NXB liệt kê một số thuận lợi trong đó có việc tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo và lãnh đạo Bộ Tài chính, đồng thời nhận được sự ủng hộ của các ban, ngành trung ương và địa phương...

Tuy nhiên, NXB cũng đưa ra nhiều khó khăn, như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây nhiều trở ngại lớn cho công tác giới thiệu sách, tập huấn giáo viên theo đúng kế hoạch và tiến độ của Bộ Giáo dục và đào tạo, triển khai công tác in, vận chuyển, cung ứng sách đảm bảo và đồng bộ trước ngày khai giảng năm học mới.

Ngoài ra, kế hoạch triển khai in SGK mới lớp 2 và lớp 6 bị động do Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt mẫu chậm so với kế hoạch nên phải vất vả in gấp.

Đơn vị này cũng gặp thách thức và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh khi nạn in lậu, làm giả sách ngày càng phát triển về quy mô và số lượng dưới nhiều hình thức tinh vi.

Phụ huynh ở TP.HCM đang chọn mua sách giáo khoa cho con - Ảnh- NHƯ HÙNG

Phụ huynh ở TP.HCM đang chọn mua sách giáo khoa cho con - Ảnh- NHƯ HÙNG

Tăng giá sách giáo khoa

NXB Giáo Dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%. Theo quy định, đơn vị này phải công bố thông tin định kỳ bao gồm cả báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng...

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, vào tháng 5 vừa qua, dư luận xôn xao trước việc giá SGK mới tăng 2-3 lần so với SGK cũ. Trong cuộc họp diễn ra vào tháng 6, lý giải giá SGK mới tăng cao so với các bộ sách cũ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay ngoài câu chuyện số lượng bản in còn liên quan đến cơ chế để hình thành giá. Trước đây, chi phí biên soạn, in ấn do Nhà nước cấp, nay thực hiện xã hội hóa, các NXB bỏ tiền ra để biên soạn, in ấn nên giá thành cao hơn.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sách tăng giá là do "khổ to, giấy đẹp", từ đó đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có việc lúc này đã cần phải có sách "khổ to, giấy đẹp" dẫn đến tăng giá sách hay chưa.

Sau những tranh luận, vào giữa tháng 6 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 3 trong đó SGK sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá.

Cần giảm giá sách giáo khoa

Đọc thông tin NXB Giáo Dục Việt Nam lãi ròng sau thuế tới 287 tỉ đồng trong năm 2021, đối chiếu với thực tế giá SGK tăng cao mà phụ huynh vẫn phải cắn răng mua cho con em mình học, như vậy việc lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo đưa ra lý do SGK mới "khổ to, giấy đẹp" để tăng giá sách là không hợp lý rồi.

Tôi đồng tình với việc chọn "khổ to, giấy đẹp" cho bộ sách mới, nhưng giá sách phải giảm xuống cho phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và đào tạo cần rà soát xem những đầu sách nào không hoặc ít sử dụng thì ngưng không cho phát hành nữa, hoặc phải yêu cầu các nhà trường ghi rõ cho phụ huynh biết đó là những sách ít sử dụng để phụ huynh cân nhắc.

Bà Đinh Thị Mai (phụ huynh có con học lớp 1 và lớp 3 ở quận 7, TP.HCM)

H.HG. ghi

Lợi nhuận cao có phải vì sách tăng giá?

Câu chuyện xuyên suốt buổi trưa ngày chủ nhật 3-7 ở gia đình tôi chính là thông tin NXB Giáo Dục lãi ròng sau thuế tới 287 tỉ đồng trong năm 2021. Chồng tôi bảo rằng năm 2021 là năm nhiều gia đình ở nước ta lao đao vì dịch bệnh, vậy mà mức lợi nhuận của NXB Giáo Dục cao hơn cả những năm trước. Đó có phải vì giá SGK mới tăng cao so với giá SGK cũ hay không?

Thật ra, nếu so giá SGK mới với mức thu nhập của gia đình tôi hoặc nhiều gia đình trung lưu khác ở các đô thị phát triển thì thấy bình thường. Nhưng các cơ quan quản lý hãy một lần về vùng sâu, vùng xa mà xem: số tiền vài trăm ngàn đồng để mua một bộ SGK là quá lớn so với mức thu nhập của người dân những vùng này. Chưa kể một gia đình đâu chỉ có 1 con mà có đến 2-3 con. Và để cho con đi học, phụ huynh đâu chỉ mua sách mà phải mua tập, bút, thước, đồng phục, đóng học phí... Vì vậy, giá SGK tăng cao là góp phần gây áp lực cho phụ huynh nghèo.

Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước cần đưa ra quy định cụ thể về việc bắt buộc các NXB làm SGK phải trích ra một phần lợi nhuận để xây dựng tủ sách dùng chung cho các trường khó khăn hay tặng SGK cho những học sinh nghèo...

Bà Phạm Thùy Vân Yên (phụ huynh có con học lớp 2 ở quận Bình Thạnh, TP.HCM)

H.HG. ghi

(Theo Tuổi trẻ)