|
Một ảnh từ đoạn chat của nhóm phụ huynh |
Ngày 19/4, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn chat của một nhóm phụ huynh Hà Nội. Nội dung chính gây bão của nó là việc một số trường THCS trên địa bàn đã ngăn cản việc thi vào lớp 10 đối với những em học sinh được cho là có học lực không tốt, nhằm tạo ra thành tích ảo cho nhà trường.
Thông tin này nhanh chóng lan đi, ngoài một số ít người tỏ ra ngạc nhiên, ngờ vực thì phần lớn phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đều xác nhận rằng đúng, đã tồn tại từ lâu; và không phải chỉ có ở Hà Nội.
Ngay sau khi thông tin này được phát tán chỉ vài giờ thì một giáo viên xin giấu tên đã xác nhận với PV VietTimes về tình trạng trên ngay ở trường của anh.
Thầy giáo này cho biết: "Hàng năm, cứ vào dịp này là các trường THCS của Hà Nội lại cấp tập làm công tác hướng nghiệp. Gọi là hướng nghiệp cho lịch sự chứ họ làm công tác “chặn đường” thi, cấm học sinh lớp 9 thi vào 10 THPT. Lẽ ra họ không cần làm động tác đó. Bởi chỉ tiêu công lập chỉ có 70%, thì đằng nào chả có 30% các em sẽ phải đi học các trường nghề và các trung tâm Giáo dục thường xuyên. Hà cớ gì các trường phải làm công tác hướng nghiệp và phân luồng kiểu đó cho mệt?
Đó là do cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục. Ngành giáo dục lấy kết quả thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua các trường, các trường lấy điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên dạy. Hơn nữa dạy lớp 9 còn là một nguồn thu nhập khổng lồ đối với giáo viên thông qua việc dạy ôn luyện thi. Năm sau có được bố trí dạy lớp 9 hay không là phụ thuộc vào kết quả điểm số thi vào 10 của học sinh lớp mình dạy.
|
Một đoạn chat trong nhóm phụ huynh Hà Nội nêu rõ 3 cách "chặn đường" vào lớp 10 của học sinh |
Thay vì tính điểm bình quân bằng cách chia đều cho tổng số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS của cả trường thì Sở Giáo dục lại tính điểm bình quân bằng cách chia cho tổng số học sinh lớp 9 của trường đó dự thi vào 10 THPT.
Ví dụ : trường A có tổng số 500 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS . Nếu để cả 500 em này đi thi vào 10 THPT, và tổng số điểm thi vào 10 THPT các em đạt được là 3.200 điểm, thì tổng điểm của thi vào 10 THPT của trường A sẽ phải chia bình quân cho 500, được 6.4 điểm bình quân. Nhưng nếu trường đó loại được 100 em học trung bình, yếu, kém (bằng cách lừa như trên), số HS còn lại là 400 em, tổng số điểm là 3.000 điểm, trường đó chia trung bình cho 400 em, điểm bình quân là 7.5. Trường B, cũng có tổng số 500 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS nhưng họ loại được 130 em. Vậy điểm trung bình của họ sẽ cao hơn trường A. Nghiễm nhiên trường B được đánh giá dạy tốt hơn trường A.
Tương tự, cô Y (dạy lớp 9A2) mà loại được nhiều HS đi thi hơn cô B (dạy lớp 9A1) thì điểm của cô Y sẽ cao hơn điểm của cô B, nghiễm nhiên cô Y được tiếng là dạy tốt hơn cô B. Năm sau cô B sẽ không được phân dạy lớp 9 hoặc chỉ được phân dạy 1 lớp."
Dư luận bức xúc và đặt nhiều câu hỏi liên quan. Quyền được học tập là quyền hiến định của trẻ em, được luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em của LHQ ghi nhận và bảo vệ. Không lẽ lại có chuyện tày đình vô pháp này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay giữa lòng Hà Nội?! Đó là chưa nói tới việc, giáo dục là sứ mạng duy nhất của các trường học, nếu cứ học sinh nào học yếu thì tìm cách đuổi đi để giữ thành tích mà báo cáo cho đẹp thì những nhà trường ấy đến mặt đất này để làm gì?
Giữa thủ đô, một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, giáo dục của cả nước chứ có phải trong rừng sâu núi thẳm đâu mà có thể công khai diễn ra những việc tày đình như vậy được?
Thực hư thế nào thì chưa thể khẳng định chắc chắn ngay được, phải chờ các cơ quan chức năng làm rõ và có kết luận cụ thể. Dư luận đang mong muốn và đòi hỏi ngành giáo dục Hà Nội và Bộ Giáo dục phải lập tức xác minh và xử lý nếu có tình trạng quái gở này. Thậm chí cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc vì đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Có nhiều người đề nghị, nếu có tình trạng này trên thực tế thì cần cách ly những người chủ trương (ban giám hiệu), lẫn người tiếp tay (giáo viên) khỏi môi trường giáo dục. Cần làm một cuộc điều tra trên cả nước để xem việc làm này hiện đã lan rộng tới đâu, từ đó mà có hướng xử lý và chấn chỉnh kịp thời.
Dư luận cũng thẳng thắn chỉ ra rằng nếu sự việc được xác thực, thì chính Sở Giáo dục Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chịu trách nhiệm chính trong việc đã gây nên và để xảy ra căn bệnh thành tích trầm kha dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường như thế này, bằng cách chấm dứt mọi cuộc chạy đua thành tích vô bổ và sai lầm này.