Thanh Hóa là tỉnh đất rộng người đông, được xem là vùng đất " địa linh nhân kiệt". Từ khi có Đảng, trải qua những năm tháng kháng chiến cũng như hòa bình, dựng xây quê hương, đất nước, địa phương này luôn đóng góp xứng đáng sức người sức của cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Vì thế, những người lãnh đạo Thanh Hóa luôn trăn trở bằng mọi cách huy động tối đa lợi thế, nguồn lực để thúc đẩy kinh tế phát triển, vượt qua nghèo đói, chăm lo và cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc ngày một tốt hơn.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (bế em bé) tặng hoa chúc mừng hành khách trên chuyến bay khai trương 5/2/2013 |
Gần 10 năm về trước, khi quy mô nền kinh tế Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng khá tốt, nhu cầu đi lại, làm ăn, tham quan du lịch ngày một tăng cao, lãnh đạo Thanh Hóa đã "xắn tay" ngay chuẩn bị cho việc xây dựng một sân bay dân dụng.
Lúc đầu, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) và huyện Quảng Xương, những địa phương gần với Khu kinh tế Nghi Sơn, được quan tâm nghiên cứu và được cho là địa điểm tốt để xây dựng sân bay. Nhưng để có một sân bay ra đời cần một khoản đầu tư lớn, khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng, đó là một bài toán khó!
Và rồi tất cả những ý định xây dựng một sân bay mới nhường chỗ cho chủ trương xin ý kiến Bộ Quốc phòng tạo điều kiện cho phép Thanh Hóa được sử dụng một phần Căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng để hoạt động thương mại. Được Bộ GT-VT, Bộ Quốc phòng ủng hộ xin ý kiến, Chính phủ đồng ý đồng thời Bộ Quốc phòng chỉ đạo ngay Quân chủng PK-KQ, trược tiếp là Sư đoàn không quân 371 và trung đoàn không quân 923 tạo mọi điều kiện cho tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn ( nay là thứ trưởng Bộ GT-VT) tặng hoa và quà cho hành khách thứ 33.000 (về trước kế hoạch trên giao 5 năm) |
Tình nghĩa, mà trên hết là tinh thần "quân với dân một ý chí" từ trong chiến tranh được nhân lên trong thời bình, trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước.
Cuối năm 2011-2012, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tập trung cao độ cho việc ra đời Cảng hàng không Thọ Xuân. Trung đoàn không quân 923 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sư đoàn không quân 371 đã dành dãy nhà làm việc của bộ đội thông tin thuộc Căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng để Thanh Hóa cải tạo làm nhà ga hành khách của cảng.
Mặc dù kinh phí eo hẹp nhưng Thanh Hóa vẫn dành 100 tỉ đồng mở đoạn đường (khoảng 3km) nối từ nhà ga ra QL 47, thuận tiện cho các phương tiện giao thông hoạt động đưa đón khách và hàng hóa. ACV hết sức quan tâm đến dự án khi điều ê kíp (50 người) từ lãnh đạo đến nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào chi viện.
Trong vòng chưa đầy 1 năm, tất cả mọi điều kiện từ mặt đất đến bầu trời đã sẵn sàng cho ngày 5/2/2013 đón chuyến bay khai trương từ thành phố mang tên Bác về Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa. Rồi ngày đó đã đến, chiếc máy bay Airbus 321 của Vietnam Airlines chở đầy hành khách nhẹ nhàng tiếp đất, hạ cánh an toàn và lăn vào sân đỗ trong tiếng hò reo như sấm rền của cả vạn người vùng thị trấn Sao Vàng.
Nhà ga hành khách ngày khai trương chuyến bay 5/2/2013 |
Thực ra khi nghe tin Thanh Hóa có ý định làm sân bay, nhiều người nghi ngờ và nói rằng: hội chứng sân bay, rồi lấy đâu ra hành khách để đi máy bay. Thậm chí có lãnh đạo Thanh Hóa (xin giấu tên) ra Hà Nội chào mời các hãng bay vào khai thác còn nhận được câu trả lời: được vài người làm ăn xa, lấy đâu ra hành khách mà khai thác, chúng tôi còn phải tính toán... Có lẽ nhận thấy những khó khăn của những cảng hàng không trong kinh doanh, Bộ GT-VT giao kế hoạch rất khiêm tốn cho Cảng hàng không Thọ Xuân: Từ ngày khai trương ( 5/2/2013) đến hết năm 2020 (trên dưới 7 năm) đạt được 330.000 lượt hành khách qua cảng.
Nhà ga mới năm 2016 |
Thế nhưng, diễn biến sau đó không khỏi khiến cho nhiều người, nhất là cán bộ, nhân viên trong ngành hàng, bất ngờ và sửng sốt. Ngày 6/8/2015 (hơn 2 năm hoạt động) Cảng hàng không Thọ Xuân đã cán đích vận chuyển đạt 330.000 lượt hành khách về trước kế hoạch trên giao 5 năm. Suốt từ đó cho đến năm 2020, năm nào Cảng hàng không Thọ Xuân cũng tăng trưởng rất ấn tượng.
Ngày 10/12/2019, Cảng hàng không Thọ Xuân đã vận chuyện đạt 1.000.000 lượt hành khách qua cảng. Đây là một con số biết nói và đầy ấn tượng. Về dự buổi đón hành khách thứ 1.000.000, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV, phát biểu: "Tôi chân thành xin lỗi Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Thanh Hóa, khi giao nhiệm vụ cho Cảng hàng không Thọ Xuân (năm 2013 - TG) chưa đánh giá đúng tiềm năng và thế mạnh của Thanh Hóa". Còn ông Mai Xuân Liêm thì đỡ lời ông Thanh: "Tôi chưa thấy ai nhận lỗi lại phấn khởi tươi cười như anh Lại Xuân Thanh!".
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh ( thứ 4 trái qua) Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm ( thứ 4 phải qua) tặng hoa hành khách thứ 1 triệu |
Thấy được sự tăng trưởng ngoạn mục và tương lai hứa hẹn của Cảng hàng không Thọ Xuân nên Bộ GT-VT, ACV, cũng như tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đầu tư. Từ ban đầu cơ sở vật chất còn nghèo nàn, sau 4 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, Cảng hàng không Thọ Xuân đã có diện mạo mới, hiện đại, khang trang và đáp ứng bay cả ngày lẫn đêm và trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, có thể đón 1,2 triệu khách/năm.
Ngày 25/9/2018, Bộ GT-VT đã có văn bản chính thức đồng ý nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế. Mới đây, Chính phủ đã quyết định: Cảng hàng không Thọ Xuân chính thức trở thành cảng hàng không dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Có thể nói, ở vùng đất Lam Sơn- Sao Vàng lịch sử, nơi người anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Vùng đất mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1 vạn TNXP không sợ hy sinh gian khổ cùng với bộ đội xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng, tiền thân của Căn cứ không quân chiến lược Sao vàng ngày nay.
Chính căn cứ không quân chiến lược này đã, đang và sẽ mãi mãi cùng với Cảng hàng không Thọ Xuân non trẻ, tuy "hai mà một" làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của tổ quốc cũng như góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa nói riêng, đất nước Việt nam nói chung ngày càng phát triển...
(Còn tiếp)