Giải mã bí mật Sân bay Sao Vàng: Bài 3 - Từ sân bay dã chiến đến Căn cứ không quân chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ một sân bay quân sự dã chiến được xây dựng năm 1965, sau năm 1979, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đất nước, sân bay Sao Vàng được đầu tư nâng cấp trở thành một căn cứ không quân chiến lược.
Điều khiển "hổ mang chúa" luyện tập sẵn sàng chiến đấu
Điều khiển "hổ mang chúa" luyện tập sẵn sàng chiến đấu

Như bài trước đã công bố, ròng rã cả năm trời, 1 vạn thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa cùng với các lực lượng khác được tăng cường lao động cả ngày lẫn đêm để xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng. Và, thời gian chiến tranh ác liệt ấy, bom đạn kẻ thù thường xuyên trút xuống khu vực xây dựng sân bay và các xóm, làng vùng phụ cận, cướp đi sinh mạng của nhiều người trong đó có 57 TNXP.

Sân bay quân sự Sao Vàng đã hoàn thành giai đoạn 1 đủ điều kiện để không quân ta cất cánh tác chiến. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng sân bay ngay trên quê hương, hơn 7.000 TNXP ưu tú của "công trường 101" - " công trường thủy lợi Thanh Hóa" - được bổ sung cho các đơn vị quân đội từ Bắc đến chiến trường miền Nam. Một bộ phận khác được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa điều động đi xây dựng Nhà máy thuốc lá Cẩm Lệ Thanh Hóa, nay là Công ty Vinataba Thanh Hóa. Từ đó, Sân bay quân sự Sao Vàng bắt đầu thực hiện sứ mạng của mình trong chiến tranh và là "đại bản doanh" của Đoàn không quân Yên Thế - Trung đoàn không quân 923 anh hùng, thuộc Sư đoàn không quân 371 ngày nay.

Trao đổi kinh nghiệm bay huấn luyện

Trao đổi kinh nghiệm bay huấn luyện

Từ năm 1967 đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ( 30/4/1975) , từ Sân bay quân sự Sao Vàng, những cánh "én bạc" thường xuyên xuất hiện trên bầu trời theo lệnh tác chiến của trên, đối đầu với không lực Hoa Kỳ. Và cũng từ những năm, tháng ấy trên vùng đất Lam Sơn lịch sử - nơi người anh hùng áo vải Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa - tinh thần "quân với dân một ý chí" được nhân lên gấp bội. Cứ mỗi khi bom, đạn kẻ thù trút xuống sân bay, ghi lát đường băng trúng đạn, bom, cong, vênh dựng lên tua tủa, ngay lập tức bộ đội cùng với thanh niên, dân quân tự vệ, mặc bom rơi đạn nổ, lao ra san lấp hố bom, vận chuyển ghi để thay thế kịp thời đáp ứng nhiệm vụ của không quân.

Hòa bình lập lại, cùng với việc xây dựng đất nước, công cuộc bảo vệ tổ quốc luôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng và đặt lên hàng đầu khi mà các thế lực thù địch và ngoại bang gây hấn.

Đất nước hưởng thái bình chưa được bao lâu thì Khmer Đỏ quấy rối biên giới Tây Nam. Dẹp xong Khme Đỏ lại đến biên giới phía Bắc. Cuối năm 1978 và những năm tiếp theo, giặc phương Bắc lăm le xâm chiếm bờ cõi. Nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc lại nóng lên từng ngày.

Để chuẩn bị chống lại thủ đoạn thâm độc của ngoại bang, "công trường 101" xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng lại tiếp tục được khởi động (cuối năm 1978 đầu năm 1979) bằng việc đầu tư, nâng cấp. Hàng chục ngàn lao động của Thanh Hóa ra quân nâng cấp các tuyến đường giao thông, đặc biệt tuyến QL 47 từ TP Thanh Hóa đi Sân bay quân sự Sao Vàng.

Được Liên Xô giúp đỡ, Sân bay Sao Vàng nhanh chóng được cải tạo nâng cấp từng bước hiện đại. Đường băng sân bay dài 3,2km được đổ bê tông kiên cố và rộng 50m, đường lăn, hầm cho máy bay tránh trú được xây dựng kiên cố đáp ứng cho các loại máy bay từ MIG 17, MIG 21, Su 22 , đặc biệt loại máy bay hiện đại nhất SU30MK2 của Không quân Việt Nam anh hùng thường trực, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa thân yêu của tổ quốc.

Và, cũng từ những tháng năm ấy, Sân say quân sự Sao Vàng năm xưa thực sự trở thành Căn cứ không quân chiến lược của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Những tháng ngày lặn lội đi thực tế, cứ có dịp, tôi lại đảo qua thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, đặc biệt vào những ngày các biên đội SU 30MK2 luyện tập. Ngắm nhìn những chiếc "hổ mang chúa" tung cánh gầm rú trên bầu trời, lòng tràn đầy hứng khởi và niềm tin son sắt về công cuộc tiến lên chính quy, hiện đại của quân đội nói chung và Quân chủng PK-KQ nói riêng.

Điều hết sức thú vị và không ngờ tới đối với tôi - tác giả loạt bài này - là Trung đoàn không quân 923 anh hùng "đồn trú" ngay trên quê hương Thanh Hóa thân yêu.

Vào tháng 4/1975, tôi đang là tiểu đội trưởng, tiểu đội 2W, trung đội thông tin thuộc Tiểu đoàn 631 anh hùng (D1-E25) Mặt trận Tây Nguyên ( B3). Khi đơn vị chúng tôi đánh giặc từ Tây Nguyên xuống đến tỉnh Ninh Thuận, địch phòng thủ và ngăn chặn quyết liệt cánh quân hành tiến theo QL 1A.

Tiểu đoàn 631 được lệnh "cắt rừng" hành quân lên Bác Ái (Ninh Thuận) rồi "luồn sâu lót sẵn" bên ngoài Sân bay Thành Sơn ( phòng tuyến Phan Rang - Tháp Chàm của địch) để tiến công đánh chiếm Sân bay Thành Sơn. Đúng 11 giờ ngày 16/4/1975, Tiểu đoàn 631 anh hùng của chúng tôi đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn Sân bay Thành Sơn của địch. Sau đó chúng tôi được lệnh ở lại bảo vệ và dọn dẹp sân bay để chiều ngày 28/4/1975 "phi đội quyết thắng" do phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục chỉ huy xuất kích ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất , góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên 5 chiếc máy bay A37 xuất kích, có 6 phi công điều khiển thì 4 phi công - Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng - là phi công của trung đoàn 923 anh hùng. 2 phi công còn lại là Nguyễn Thành Trung và Trần Văn On từng là phi công của VNCH. Một trong 5 máy bay A37 của "phi đội quyết thắng" ném bom Tân Sơn nhất 46 năm trước, hiện được trưng bày tại khuôn viên Trung đoàn 923 anh hùng ( Căn cứ không quân chiến lược Sao vàng)

Một trong 5 máy bay A37 " phi đội quyết thắng" ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất hiện được trưng bày tại Căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng

Một trong 5 máy bay A37 " phi đội quyết thắng" ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất hiện được trưng bày tại Căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng

Còn gì thú vị hơn, vui mừng và tự hào hơn, khi năm xưa đánh chiếm sân bay của địch, rồi chứng kiến các phi công của Trung đoàn 923 anh hùng, trong đội hình "phi đội quyết thắng" từ sân bay ấy xuất kích trên 5 máy bay A37 do Mỹ sản xuất. Để rồi sau 46 năm lại được ngắm nhìn 1 trong 5 chiếc máy bay ấy ngay trên mảnh đất quê hương thân yêu - Căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng...

(Còn tiếp)