Fed có đáng bị chỉ trích vì nâng lãi suất quá nhanh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch Fed Jerome Powell và đồng nghiệp đang hứng chỉ trích từ nhiều phía, cả ở trong và bên ngoài nước Mỹ.
Đồng USD mạnh cùng việc Fed nâng lãi suất đã gây hiệu ứng tiêu cực tới nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh: Bloomberg)
Đồng USD mạnh cùng việc Fed nâng lãi suất đã gây hiệu ứng tiêu cực tới nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh: Bloomberg)

Lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến đồng USD ngày càng mạnh lên. Điều đó tạo thêm gánh nặng cho các quốc gia đang chìm trong vay nợ, cũng như các doanh nghiệp đi vay bằng đồng USD. Fed có phải chịu trách nhiệm cho những hành động được cho là gián tiếp gây nên tình trạng bất ổn kinh tế ở nhiều quốc gia khác(?).

VietTimes trân trọng gửi tới độc giả bài chuyển ngữ thể hiện quan điểm của Eswar Prasad – giáo sư đến từ ĐH Cornell, chuyên gia phân tích tại Brookings và là tác giả của cuốn “Tương lai của Tiền tệ” (The Future of Money) – về nội dung này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông đang hứng chỉ trích từ nhiều phía.

Một mặt, họ đang chịu chỉ trích vì không nâng lãi suất sớm và đủ kiên quyết chống lạm phát.

Mặt khác, những người lo ngại rằng Fed đang thiết kế một cuộc suy thoái cũng quay sang chỉ trích ngân hàng trung ương Mỹ.

Và giờ, Fed thậm chí còn hứng chỉ trích từ bên ngoài nước Mỹ. Các đợt nâng lãi suất của Fed đã làm tăng tỷ giá hối đoái của đồng bạc xanh với các đồng tiền khác.

Trong quá trình này, Fed đã làm tăng chi phí vay nợ của nhiều quốc gia, cũng như các tập đoàn vay mượn bằng đồng USD. Một cơ quan của Liên Hợp Quốc mới đây đã chỉ trích Fed vì gây tổn hại triển vọng kinh tế ở nhiều nước đang phát triển, thậm chí kêu gọi Fed đảo ngược các đợt nâng lãi suất gần đây.

Trong cuộc họp mà IMF và World Bank tổ chức tại Washington hồi tuần trước, các nhà hoạch định chính sách đến từ khắp thế giới dường như đoàn kết trong việc chỉ trích Fed vì làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của họ. Giới chức Mỹ dường như đơn độc khi ủng hộ Fed.

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các thị trường tài chính của họ áp đảo thị trường các nước khác. Và đồng USD vẫn duy trì được ưu thế so với các đồng tiền khác. Bởi vậy, những hành động của Fed gây tác động tới mọi ngóc ngách của thế giới. Vậy Fed có trách nhiệm với những hậu quả gây ra do quyết định của họ? Quan điểm này cũng hợp lý nhưng lầm hướng. Nếu như Fed cố gắng đặt nền kinh tế thế giới trong sự ủy trị của họ, họ có thậm chí có thể gây ra nhiều tổn hại hơn về phần mình.

Fed đang thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt hơn so với nhiều ngân hàng trung ương lớn khác. Và triển vọng tăng trưởng của Mỹ, mặc dù đang suy yếu, vẫn tốt hơn đại đa số các nền kinh tế lớn khác. Không quá ngạc nhiên khi sức mạnh của đồng USD tăng đột biến.

USD rất đặc biệt. Phần lớn hoạt động thương mại xuyên biên giới đều được thực hiện bằng đồng bạc xanh. Nó là đồng tiền được sử dụng để phát hành nợ trên các thị trường quốc tế. Và nó cũng là đồng tiền thống trị trong danh mục dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Bởi vậy, USD có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên các thị trường tài chính thế giới. Nghiên cứu chuyên sâu cho thấy, sự dao động của đồng USD ảnh hưởng tới các nền kinh tế thị trường mới nổi, thường là theo chiều hướng xấu.

Mỹ không phải một hòn đảo cô lập. Điều xảy ra ở phần còn lại của thế giới cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế của nó và Fed có trách nhiệm liên quan vì tham gia hoạch định chính sách. Nhưng liệu có phải Fed được quyết định về ảnh hưởng trực tiếp từ USD mạnh và lãi suất cao của Mỹ đối với các nước khác, khi họ nâng lãi suất?

Quyền lực của Fed được luật pháp quy định là giữ cho giá cả ổn định và đảm bảo cho thị trường lao động bền vững nhất có thể.

Lạm phát cao dai dẳng sẽ gây thêm nhiều đau đớn ở cả Mỹ và phần còn lại của thế giới. Hơn nữa, Fed cũng chịu sức ép phải mở rộng trách nhiệm được ủy thác. Thêm một nhiệm vụ nữa sẽ chỉ khiến cho uy tín và tính hiệu quả của Fed chịu tổn thất.

Sự trỗi dậy của đồng USD đã khiến nhiều người bàn tới việc ký kết một Hiệp định Plaza mới.

Trước đây, Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã ký Hiệp định Plaza vào năm 1985 để hạn chế sự tăng giá của đồng USD. Nhưng đó là điều không nên.

Tỷ giá hối đoái chủ yếu phản ánh các lực lượng thị trường, bao gồm các chính sách và triển vọng tăng trưởng của Mỹ và các nước khác. Việc kiểm soát tỷ giá hối đoái một cách trực tiếp là điều mà các ngân hàng trung ương không nên làm.

Những lời phàn nàn về đồng USD quá mạnh cho phép Mỹ gây ra tổn thương cho những nước khác ngày càng tăng. Có lẽ các nước khác nên tự lèo lái con tàu của họ và tự tách mình khỏi sự thống trị của đồng USD. Họ nên tự hỏi rằng, tại sao thế thống trị của đồng USD lại kéo dài đến như vậy, bất chấp nền kinh tế Mỹ từng chịu nhiều cú sốc trong những thập kỷ gần đây.

Trong tài chính quốc tế, mọi thứ đều là tương đối.

Ngoài thế thống trị tài chính, động lực của nền kinh tế Mỹ và sức mạnh của các thể chế của họ cũng không có đối thủ.

Khu vực đồng tiền chung Eurozone bị cuốn vào các thế lực chính trị. Nhật Bản trong khi đó trải qua tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài, càng trở nên trầm trọng hơn bởi dân số già hóa. Anh thì đang 'tự bắn vào chân mình'. Trung Quốc đang chịu gánh nặng bởi một lĩnh vực tài chính dễ đổ vỡ.

Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy tỷ lệ dự trữ đồng USD trên toàn cầu đã giảm nhẹ nếu so với các đồng tiền nhỏ khác, ví dụ như đồng đôla Canada và Australia, đồng franc Thụy Sĩ.

Trong khi đó, khoảng cách giữa USD và các đối thủ lớn hơn vẫn gia tăng, càng củng cố thế thống trị của nó. Đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền mà các nhà đầu tư ở khắp mọi nơi tìm đến trong những thời điểm bất ổn kinh tế và tài chính.

Một thế giới không có một đồng tiền thống trị duy nhất chưa hẳn đã là tốt.

Các nhà đầu tư nước ngoài cần có những tài sản an toàn sẵn có trong một đồng tiền đáng tin cậy mà họ có thể đầu tư và bán một cách dễ dàng khi cần thiết.

Nếu không có đồng tiền như vậy, họ sẽ hoảng loạn khi gặp vấn đề. Thiếu đi một ngân hàng trung ương uy tín đủ khả năng bơm lượng lớn tiền đủ để đáp ứng nhu cầu của thế giới trong những thời khắc quan trọng, tình hình tồi tệ có thể trở nên trầm trọng hơn.

Thay vì phàn nàn, các nước khác nên giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và giành được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách đưa ra những chính sách tốt hơn, cải thiện các tổ chức của mình./.

Theo Barron's