Một báo cáo do các nhà phân tích của Deutsche Bank thực hiện cho thấy 20 bang của Mỹ đang triển khai, hoặc đang có kế hoạch triển khai, các gói kích thích.
Lưu ý rằng, những kế hoạch như vậy sẽ có tác động tới hơn một nửa dân số Mỹ và có quy mô lên tới 31 tỉ USD. Con số này tương đương với gần 1/4 gói hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch Covid-19 được chính phủ Mỹ thông qua vào tháng 3/2021.
Gói kích thích của các bang được đưa ra trong bối cảnh lạm phát vẫn đang neo cao. Dữ liệu công bố vào ngày 13/10 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 8,2% trong tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái, và gần như không đổi so với tháng trước đó, trong khi giá cả - trừ năng lượng và thực phẩm – cán mốc cao kỷ lục mới trong 40 năm.
Dữ liệu từ Fed Cleveland đã đưa ra một bức tranh không mấy khả quan. CPI trung vị (median CPI) mà đơn vị này tính toán đã tăng 7% trong tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái – tăng cao hơn so với tháng trước đó và đánh dấu mức tăng cao thứ ba từ trước đến nay.
Quy mô của các gói kích thích tại các bang của Mỹ được Deutsche Bank tổng hợp từ nguồn công bố công khai và ước tính dựa trên dữ liệu từ Sở Thuế vụ cấp bang. Mức chi trả dao động từ 75 USD cho mỗi người đóng thuế ở bang Idaho cho tới 3.284 USD cho mỗi người dân ở Alaska, và tổng kích cỡ của chương trình dao động từ 36 triệu USD ở Florida cho tới 9,5 tỉ USD ở California. Một số bang, bao gồm Colorado và Massachusetts, có các bộ luật cân bằng ngân sách trong đó yêu cầu trả lại phần doanh thu thặng dư cho người đóng thuế.
Ở một số bang, như California và Georgia, các khoản thanh toán trong gói kích thích mới được coi như các biện pháp giảm thiểu tác động của lạm phát. Nhưng sau cùng, các gói kích thích này lại 'thổi bùng' lạm phát - vấn đề mà Fed muốn quyết tâm tháo gỡ.
Matthew Luzzetti, kinh tế gia trưởng của Deutsche Bank, nói rằng các biện pháp kích thích mà các bang công bố đến thời điểm hiện tại đã đóng góp thêm khoảng 0,5% GDP theo quý. Lượng tiền thặng dư nên được đem ra hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong quý 4 và quý đầu năm 2023, đặc biệt là ở những bang nơi mà các khoản chi nhằm vào đối tượng các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình vốn có xu hướng tiêu dùng cận biên cao hơn, ông nói.
Nếu tất cả 31 tỉ USD tổng giá trị gói kích thích được chi trả trong quý hiện tại, đội ngũ của ông Luzzetti ước tính rằng lực cầu tăng thêm sẽ làm tăng dự báo tăng trưởng GDP của Deutsche Bank từ 1,9% lên 2,5%.
Không phải tất cả số tiền trong gói kích thích này đều được phân bổ cho người dân. Deutsche chỉ ra một nghiên cứu, trong đó ước tính rằng chỉ có khoảng 40% số tiền trong gói kích thích giai đoạn đại dịch được phân bổ, phần còn lại được tiết kiệm hoặc để thanh toán nợ.
Ngay cả như vậy, các nhà kinh tế học nói rằng gói kích thích mới của các bang có thể thêm 0,3 điểm phần trăm vào GDP của Mỹ. Quan trọng hơn, họ nói rằng các khoản thanh toán này có thể làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế trong ngắn hạn.
Điều này được ví như 'con dao 2 lưỡi'.
“Chúng tôi coi gói kích thích này sẽ làm tăng tổng cầu, và nó sẽ khiến sức ép lạm phát trở nên dai dẳng hơn,” ông Luzzetti nói. Nói cách khác, nếu các khoản chi này giúp nền kinh tế dẻo dai hơn trước chính sách thắt chặt tiền tệ, chúng có thể đòi hỏi một phản ứng chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn và có hại nhiều hơn lợi ích.
Các nhà đầu tư hiện đang tìm kiếm lý do để tin rằng Fed sẽ sớm áp dụng một chính sách mềm dẻo hơn, thay vì áp dụng muộn. Gói kích thích cấp bang là một lý do để chôn vùi giấc mơ đó.
Sau tất cả, không có gì là miễn phí./.
Thay đổi chiến lược của Mỹ: Giảm "đòn" quân sự, tăng "đòn" kinh tế
Tranh cãi về việc Fed tăng lãi suất quá nhanh
Nỗ lực chống lạm phát của Fed có thể gây ra suy thoái trầm trọng tới mức không cần thiết?
Theo Barron's