Tranh cãi về việc Fed tăng lãi suất quá nhanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc lạm phát vẫn ở mức cao được cho là sẽ khiến Fed giữ quan điểm diều hâu và tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp sắp tới, dù cho hoạt động này vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ nét.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hứng chịu làn sóng phẫn nộ do không phản ứng sớm với lạm phát (Ảnh: Internet)
Chủ tịch Fed Jerome Powell hứng chịu làn sóng phẫn nộ do không phản ứng sớm với lạm phát (Ảnh: Internet)

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng cao hơn so với mức dự báo. Cụ thể, CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 6,6 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, CPI cơ bản tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Việc lạm phát vẫn ở mức cao nhất trong vòng 40 năm được cho là sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm diều hâu và tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp sắp tới.

Một số nhà kinh tế cho rằng Fed đang quá mạnh tay khắc phục những sai lầm trong quá khứ, không chỉ gây rủi ro suy thoái cho nền kinh tế Mỹ mà còn làm kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức.

Dẫn lời trên Wall Street Journal, Greg Mankiw – nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, cựu cố vấn kinh tế dưới thời chính quyền George W. Bush, cho rằng Fed đang hãm nền kinh tế quá mạnh. "Họ đã thắt chặt quá nhiều", ông nói, đồng thời cho rằng Fed chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy.

“Các cuộc suy thoái thường mang đến nỗi đau cho rất nhiều người. Tôi nghĩ rằng ông Powell đã đúng khi cho rằng một số nỗi đau là không thể tránh khỏi…nhưng các bạn sẽ không muốn gây ra thêm nỗi đau hơn mức cần thiết", Greg Mankiw chia sẻ.

Theo Edward Luce - biên tập viên của Financial Times - thế giới đang có cái nhìn không mấy thiện cảm với Fed khi lộ trình nâng lãi suất của nó khiến đồng USD mạnh lên và có thể đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái cùng với Mỹ.

Cây viết này dẫn lời ông Josep Borrell – Cao ủy EU về các chính sách đối ngoại – cảnh báo rằng Fed đang 'xuất khẩu suy thoái' theo cùng một cách mà Đức đã gây ra cuộc khủng hoảng cho đồng Euro giai đoạn hậu 2008 do các quyết sách của mình.

Ở một vài góc độ, các thị trường mới nổi đang đối mặt với nhiều thách thức. Các nước Châu Phi, dù không phải chịu trách nhiệm cho cuộc chiến ở Ukraine, giờ phải đối mặt với làn sóng tăng giá thực phẩm và năng lượng. Trong khi đó, đại dịch đã quét sạch những thành tựu đạt được trong lĩnh vực phát triển con người ở các quốc gia này trong nhiều năm.

Giờ đây, Fed lại 'đổ thêm khủng hoảng' chi phí trả nợ vay vào mớ hỗn độn đó.

"Sự biến động không bắt nguồn từ phía Nam bán cầu, nhưng khu vực này đang phải gánh hậu quả nặng nề nhất. Đó là chưa kể tới biến đổi khí hậu, đang trong giai đoạn khắc nghiệt nhất", Edward Luce bình luận.

Nhưng việc đổ lỗi dường như cũng là không công bằng với Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ tỏ ra bị động trước diễn biến lạm phát nên giờ buộc phải nhanh chóng tăng lãi suất để khôi phục uy tín của mình. "Họ cũng chỉ đang làm theo các quy định", Edward Luce viết.

Fed có nên tăng lãi suất chậm lại?

Thừa nhận “sự không chắc chắn gia tăng của kinh tế và tài chính toàn cầu”, bà Lael Brainard - Phó Chủ tịch Fed – nhấn mạnh Fed nên tiến về phía trước với việc tăng lãi suất “có chủ ý và phụ thuộc vào dữ liệu”.

Một số quan chức Fed cho rằng thị trường tài chính Mỹ vẫn hoạt động bình thường, báo hiệu rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tập trung vào việc giải quyết lạm phát cao trong nước.

Một báo cáo việc làm mạnh mẽ vào tháng 9/2022 càng củng cố cho quan điểm này.

Christopher Waller – Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed – nói rằng, ngân hàng trung ương vẫn chưa phải đối mặt với sự “đánh đổi” giữa mục tiêu việc làm và mục tiêu lạm phát, có nghĩa là “chính sách tiền tệ có thể và phải được sử dụng tích cực để giảm lạm phát”.

Trong bài viết trên tờ MarketWatch mới đây, Peter Morici – giáo sư danh dự tại Đại học Maryland – cho rằng Fed cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa để chống lại lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế đã thay đổi hoàn toàn bởi đại dịch, biến đổi khí hậu và các vấn đề ở Trung Quốc và Ukraine.

Peter Morici cho rằng, Chủ tịch Fed Powell cần phải mạnh tay hơn nữa, tương tự những gì mà cựu chủ tịch Fed Paul Volcker đã làm, nếu muốn chiến thắng lạm phát./.

Nguồn tham khảo: Wall Street Journal, Financial Times, MarketWatch.