Được Mỹ ủng hộ, quân đội Philippines sẽ nối lại hoạt động tiếp tế trên biển bị Trung Quốc cản trở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Vấn đề tranh chấp chủ quyền Trung Quốc-Philippines trên Biển Đông đang nóng lên. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hôm 21/11 ra lệnh quân đội trong tuần này nối lại nhiệm vụ tiếp tế bị Trung Quốc ngăn cản.
Tảu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản không cho tàu Philippines đến gần bãi Vũng Mây (Ảnh: Sunnews).
Tảu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản không cho tàu Philippines đến gần bãi Vũng Mây (Ảnh: Sunnews).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 22/11, Delfin Lorenzana tuyên bố, ông đã chỉ thị cho quân đội nối lại việc cử các tàu tiếp tế đến bãi Vũng Mây, nhấn mạnh rằng “Trung Quốc lần này sẽ không can thiệp” vào hoạt động của Philippines nữa (!?). Delfin Lorenzana nói rằng ông đã nhiều lần liên lạc với Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), Đại sứ Trung Quốc tại Philippines từ thứ Ba (16) đến thứ Bảy tuần trước (20/11).

Ông Lorenzana nói: "Họ (Trung Quốc) không có quyền ngăn cản, cản trở hoặc quấy rối tàu của chúng ta trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, cho dù đó là tàu cá hay hải quân của chúng ta đến tiếp tế cho con tàu Sierra Madre trên bãi cạn Ayungin".

Phó Đô đốc Ramil Roberto Enriquez, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, cho biết tính đến tối ngày 20/11, số tàu Hải Cảnh của Trung Quốc ở khu vực Bãi Vũng Mây đã giảm từ 3 chiếc ngày 16 xuống còn 2 chiếc.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói đã chỉ thị cho quân đội nối lại hoạt động dùng tàu tiếp tế cho binh sĩ ở bãi Vũng Mây (Ảnh: Đông Phương).

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói đã chỉ thị cho quân đội nối lại hoạt động dùng tàu tiếp tế cho binh sĩ ở bãi Vũng Mây (Ảnh: Đông Phương).

Theo Yahoo, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về tuyên bố liên quan của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana.

Vào thứ Ba tuần trước (16/11), khi hai chiếc tàu tiếp tế của chính phủ Philippines đi đến bãi cạn Vũng Mây để tiếp tế lương thực cho binh lính Philippines đóng trên một con tàu mắc cạn ở đó. Trên đường tới đây, các tàu Philippines đã bị 2 tàu Hải Cảnh Trung Quốc áp sát chặn đường, 1 chiếc khác dùng vòi rồng áp lực cao ngăn chặn. Vụ việc diễn ra khoảng 1 tiếng đồng hồ, các tàu tiếp tế của Philippines buộc phải bỏ dở nhiệm vụ tiếp tế.

Bãi Vũng Mây (tên tiếng Anh là “Second Thomas Shoal”, Trung Quốc gọi là “Renai Jiao” – Nhân Ái Tiêu, Philippines gọi là “Ayungin Shoal”) là một vòng san hô ở phía Đông quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, vị trí nằm cách tỉnh Palawan của Philippines 195 km về phía Tây Nam, Philippines tuyên bố bãi nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ. Năm 1999, Philippines đã cố ý cho chiếc tàu đổ bộ cũ nát BRP Sierra Madre mắc cạn trên bãi và chiếm đóng bãi đá ngầm này. Con tàu hiện được dùng làm nơi đóng quân của một nhóm lính thủy đánh bộ Philippines. Philippines thường tiếp tế cho họ bằng đường hàng không. Họ cũng đã gia cố cho chiếc tàu mắc cạn, đồng thời lên kế hoạch sử dụng con tàu mắc cạn này làm tiền đồn lâu dài.

Chiếc BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn trên bãi Vũng Mây (Ảnh: Sunnews).

Chiếc BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn trên bãi Vũng Mây (Ảnh: Sunnews).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Năm (18/11) nói tại cuộc họp báo rằng các tàu Philippines vào ngày hôm đó đã xâm phạm vùng biển Trung Quốc và tàu Hải Cảnh đã thực thi công vụ theo luật để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và trật tự trên biển. Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày hôm sau đã lên tiếng mô tả các hành động của Trung Quốc là “nguy hiểm, khiêu khích và vô lý”, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ có thể thực hiện các cam kết của mình theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines.

Phía Philippines bày tỏ "tức giận, lên án và phản đối" trước các hành động vũ lực mà Trung Quốc thực hiện. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin hôm thứ Năm đã đưa ra một tuyên bố nói rằng ông đã bày tỏ "sự tức giận, lên án và phản đối của chúng tôi đối với vụ việc này" tới đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất".

Ông Locsin nói, “đá ngầm Ayungin là một phần của quần đảo Kalayaan và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines”. Ông nhắc nhở Trung Quốc rằng các tàu công vụ của Philippines được "Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines – Mỹ" bảo vệ.

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc phun vòi rồng đe dọa tàu Philippines (Ảnh: AP).

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc phun vòi rồng đe dọa tàu Philippines (Ảnh: AP).

Bộ Ngoại giao Mỹ vào thứ Sáu (19/11) đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc về các hành động vũ trang của Trung Quốc đối với các tàu của Philippines trên Biển Đông, nói cuộc tấn công vũ trang của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự đáp trả của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price cho biết, “Hoạt động leo thang này đã đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực, và Mỹ ủng hộ Philippines đồng minh của mình.” Ông Ned Price đã đưa ra tuyên bố trên khi đang tháp tùng Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến thăm tới Abuja, thủ đô của Nigeria, ở Châu Phi.

Ông Ned Price cho biết hành động của Trung Quốc đã “làm gia tăng căng thẳng khu vực, vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông được luật pháp quốc tế bảo vệ và phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Ông Price cũng cảnh báo rằng bất kỳ "cuộc tấn công vũ trang" nào nhằm vào các tàu công vụ của Philippines đều sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Mỹ - Philippines ký năm 1951. Theo hiệp ước này, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh của mình là Philippines.

Bãi Vũng Mây đang trở thành một điểm nóng tranh chấp Trung Quốc-Philippines (Ảnh: Chinanews).

Bãi Vũng Mây đang trở thành một điểm nóng tranh chấp Trung Quốc-Philippines (Ảnh: Chinanews).

Phía Trung Quốc thì cho rằng tàu Hải Cảnh Trung Quốc đang “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Biển Đông là kênh thương mại quan trọng nhất của thế giới, với lượng hàng hóa trị giá hàng nghìn tỷ USD đi qua hàng năm. Ngoài ra, nơi đây còn có nguồn lợi thủy sản phong phú và trữ lượng dầu khí khổng lồ. Các quốc gia và khu vực xung quanh khu vực như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với một phần Biển Đông.

Năm 2016, Tòa Trọng tài La Hay đã đưa ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý của yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết này.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông gần đây rất căng thẳng. Vào ngày 20/10, Bộ Ngoại giao Philippines cũng cáo buộc và phản đối các tàu công vụ Trung Quốc đã thực hiện hơn 200 hành động khiêu khích vô tuyến bất hợp pháp nhằm vào các tàu của Philippines trên Biển Đông, như phát âm thanh và còi báo động, thực hiện khiêu khích.