CSIS: Trung Quốc duy trì hoạt động hơn 300 tàu "dân quân biển" ở Biển Đông vào mọi lúc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khoảng 300 tàu dân quân hàng hải của Trung Quốc luôn duy trì hoạt động ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, theo CSIS.
Xuồng tuần tra của Philippines đi qua các tàu của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: EPA)
Xuồng tuần tra của Philippines đi qua các tàu của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: EPA)

Báo cáo trên được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố hôm 19/11, trong đó nói rằng lực lượng dân quân – bao gồm phần lớn là các tàu đánh cá – đã mở rộng phạm vi hoạt động và tham gia vào nhiều chiến dịch hung hăng kể từ năm 2000 cho đến nay.

“Kể từ khi các đồn trú trên đảo nhân tạo của Trung Quốc hoàn tất xây dựng vào năm 2016, các tàu dân quân đã được triển khai tới quần đảo Trường Sa với số lượng lớn hơn và thường lệ hơn bao giờ hết” – báo cáo được CSIS công bố có đoạn – “Lực lượng dân quân này, hiện đang ở Biển Đông, đến từ khoảng 10 cảng ở tỉnh Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc. Dữ liệu viễn thám cho thấy có khoảng 300 tàu dân quân đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa vào mọi ngày.”

Báo cáo mới, có tên “Thu lại tấm màn che về lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc”, cũng nhận diện 122 tàu dân quân, 52 tàu khác được cho là một phần của lực lượng dân quân biển, dựa trên các báo cáo của giới truyền thông, dữ liệu viễn thám và các cuộc tuần tra hàng hải ở vùng biển tranh chấp.

Báo cáo nói rằng gần 100 tàu dân quân biển Trung Quốc đã được triển khai gần đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong năm 2018, và khoảng 200 tàu từng tụ tập ở đá Ba Đầu vào mùa Xuân năm nay.

Trong báo cáo, CSIS nói rằng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá, thăm dò đáy biển và nhiều hoạt động khác của các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ ra vụ tàu KN-951 của Việt Nam bị đâm vào năm 2014.

CSIS nói rằng dân quân biển của Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong việc “quấy rối những hoạt động quân sự của nước ngoài mà Bắc Kinh phản đối”. Báo cáo của họ dẫn ra vụ việc xảy ra vào tháng 3/2009, khi tàu thăm dò USNS Impeccable bị bao vây bởi 5 tàu Trung Quốc – trong đó có 2 tàu đánh cá – trong khi hoạt động ở vùng biển cách đảo Hải Nam 75 hải lý về phía Nam.

Chủ sở hữu của các tàu dân quân này tập trung dọc đường bờ biển Trung Quốc, sát với các vùng biển tranh chấp, trong đó 22 trên 28 công ty được xác nhận là trực tiếp sở hữu ít nhất 1 tàu dân quân ở tỉnh Quảng Đông. Có 5 tàu dân quân thuộc tỉnh Hải Nam.

Báo cáo nói rằng chính phủ Trung Quốc đang trợ cấp cho các con tàu này, trong đó những con tàu có chiều dài 55 m trở lên cùng với động cơ có công suất trên 1.200kW đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa thường nhận được khoản tiền trợ cấp là 24.175 NDT (3.700 USD) mỗi ngày.

Phản ứng trước báo cáo của CSIS, Chen Xiangmiao – chuyên gia nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia – nói rằng sẽ là không phù hợp và là thổi phồng nếu nói ngư dân ở Biển Đông là một phần lực lượng dân quân biển. Ông nói rằng báo cáo của CSIS nêu chưa chính xác về thành phần cấu thành lực lượng dân quân biển.

Tuy nhiên, Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói với hãng Al Jazeera rằng: “Các thành viên dân quân biển của Trung Quốc không chỉ đơn giản là hoàn thành tốt nhiệm vụ này toàn thời gian. Họ được cho là “có thể vừa câu cá vừa chiến đấu’”.

Lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc đã được các chuyên gia mô tả là một ví dụ điển hình về chiến thuật “vùng xám” nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của mình ở những khu vực mà các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền mà không tham gia vào chiến tranh truyền thống.

“Việc sử dụng các chiến thuật vùng xám đặt ra một thách thức trực tiếp và nghiêm trọng đối với một trật tự dựa trên luật lệ, vốn đặt ra các điều kiện để các quốc gia tương tác với nhau, khắc phục sự khác biệt khi có chủ quyền” – ông Koh nói thêm.