Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, ngày 18/11, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cùng ngày đã bày tỏ lên án vụ một tàu Hải Cảnh Trung Quốc sử dụng thủy pháo (vòi rồng) áp suất cao ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines đi đến bãi Vũng Mây (tên tiếng Anh là “Second Thomas Shoal”, Trung Quốc gọi là “Renai Jiao” – Nhân Ái Tiêu, Philippines gọi là "Ayungin") nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Teodoro Locsin cho biết, vụ việc xảy ra vào hôm thứ Ba (16/11) khi hai tàu tiếp tế của nước này đang tiến đến bãi cạn Vũng Mây để tiếp tế lương thực cho binh lính Philippines đóng trên một con tàu mắc cạn ở đó. Trên đường tới đây, các tàu Philippines đã bị 2 tàu Hải Cảnh Trung Quốc áp sát chặn đường, 1 chiếc khác dùng vòi rồng áp lực cao ngăn chặn. Vụ việc diễn ra khoảng 1 tiếng đồng hồ, các tàu tiếp tế của Philippines buộc phải bỏ dở nhiệm vụ và không có thương vong trong vụ việc.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin (Ảnh: Đông Phương). |
Ông Teodoro Locsin đã lên án phía Trung Quốc vi phạm pháp luật, và sau đó đã bày tỏ sự tức giận, lên án và phản đối tới Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên và Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất."
Ông Teodoro Locsin mô tả các tàu tiếp tế của Philippines là tàu dân sự, có tính chất "công cộng" và được hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines bảo vệ. Ông tuyên bố tới đây sẽ tiếp tục tiếp tế cho các binh sĩ trên bãi và cảnh báo: nếu Trung Quốc không kiềm chế sẽ gây tổn hại đến quan hệ hai nước. Ông Locsin cũng chỉ ra rằng Trung Quốc không có quyền thực thi luật pháp ở các khu vực liên quan và các khu vực lân cận, nhắc nhở phía Trung Quốc cần chú ý và chấm dứt hành động này.
Chiếc tàu BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn trên bãi Vũng Mây (Ảnh: IHT). |
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn ra chiều ngày 18/11 theo giờ Bắc Kinh, một số phóng viên đã đặt câu hỏi về tình hình gần đây trên Biển Đông. Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn bộ này trả lời: “Vào tối ngày 16/11, hai tàu tiếp tế của Philippines đã đột nhập vào vùng biển gần Renai Jiao thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc mà không có sự đồng ý của Trung Quốc.”
Ông Triệu Lập Kiên khẳng định “các tàu Hải Cảnh Trung Quốc thực thi công vụ theo luật pháp và bảo vệ chủ quyền và trật tự trên biển của Trung Quốc. Hiện tại, khu vực biển Renai Jiao nhìn chung yên tĩnh, hai bên Trung Quốc và Philippines đang duy trì liên lạc về vấn đề này.”
Có khoảng gần chục lính thủy đánh bộ Philippines hiện đóng quân trên con tàu cũ nát mắc cạn trên bãi Vũng Mây (Ảnh: Dwnews). |
Bãi Vũng Mây thuộc cụm Bình Nguyên nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa, cách Đá Vành Khăn khoảng 14 hải lý về phía đông nam, là một vòng san hô, dài 15 km và rộng 5,6 km, phần lớn lộ ra khi thủy triều xuống; phía nam có một số cửa rạn san hô tàu 300.000 tấn có thể vào bên trong đầm phá.
Bãi Vũng Mây nằm cách tỉnh Palawan của Philippines 195 km về phía Tây Nam, Philippines tuyên bố bãi nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ. Năm 1999, Philippines đã cố ý cho chiếc tàu đổ bộ cũ nát BRP Sierra Madre của Philippines, mắc cạn trên bãi và chiếm đóng bãi đá ngầm này. Con tàu hiện được dùng làm nơi đóng quân của một nhóm lính thủy đánh bộ Philippines. Philippines thường tiếp tế cho họ bằng đường hàng không. Họ cũng đã gia cố cho chiếc tàu mắc cạn, đồng thời lên kế hoạch sử dụng con tàu mắc cạn này làm tiền đồn lâu dài.
Phía Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền đối với Vũng Mây và cáo buộc Philippines xâm phạm chủ quyền của họ, yêu cầu Philippines kéo chiếc tàu chiến trên bãi đi, đồng thời cho tàu chiến và tàu Hải Cảnh thường xuyên kiểm soát và giám sát vùng biển xung quanh bãi. Sau khi việc xây dựng trái phép các bãi cạn mà họ chiếm giữ trái phép ngày càng trở nên hoàn thiện, Trung Quốc đã định kì tuần tra một cách thường xuyên bãi Vũng Mây.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc (trái) bảo vệ tàu cá Trung Quốc hoạt động tại vùng biển Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên Biển Đông (Ảnh: Reuters). |
Được biết, các quan chức ngoại giao và quốc phòng của chính quyền Donald Trump trước đây và Joe Biden hiện nay đã tuyên bố rằng nếu lực lượng vũ trang, tàu thuyền hoặc máy bay của chính phủ Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông, Mỹ có nghĩa vụ thực hiện các hành động chung phù hợp với Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines kí năm 1951.
Trung Quốc luôn tuyên bố rằng "Mỹ không phải là một bên liên quan ở Biển Đông và các tranh chấp, nhưng nước này thường xuyên nhúng tay vào vấn đề Biển Đông", đồng thời thúc giục Mỹ "không nên trở thành kẻ gây rối, phá hoại và làm loạn hòa bình và ổn định của khu vực."
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia thành viên ASEAN đã công khai hoan nghênh việc Mỹ tham gia vào vấn đề an ninh khu vực.