Đừng vội kết tội, hãy lắng nghe dân!

Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước ý kiến của người dân phản ánh trên mạng xã hội về một số tiêu cực, Bệnh viện K đã ra thông cáo báo chí khẳng định đó là vu khống, bịa đặt và xuyên tạc sự thật.

Sáng 19/8, mạng xã hội lan truyền clip chị D.T.T - người hay làm từ thiện ở bệnh viện K - khóc lóc phản ánh: “Bệnh nhân mỗi lần đi xạ (trị) mất 200.000 đồng…. Đút lót thì ngày mai cho xạ trị, không đút lót để tuần sau”.

Trả lời báo chí, ông Lê Văn Quảng (Giám đốc Bệnh viện K) cho biết bệnh viện đã mời công an xác minh làm rõ vụ việc. “Tất cả chuyện vu khống ở Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp… chúng tôi cũng đã làm tường trình kèm theo clip gửi cơ quan công an và Bộ Y tế", ông Quảng nói.

Tôi ngạc nhiên khi ông Quảng nói phản ánh đó là “vu khống” khi vừa mời công an vào làm việc, chưa có kết luận.

Sáng 20/8, Bệnh viện K phát đi thông báo với tiêu đề: “Bệnh viện K thông tin chính thức về các thông tin vu khống, bịa đặt sai sự thật về bệnh viện đang lan truyền trên mạng xã hội”.

Thông báo dài 1.500 từ lặp đi, lặp lại quan điểm rằng những phản ánh trong video được đăng tải về bệnh viện K và một số bác sĩ đều là những lời bịa đặt, vu khống, xúc phạm hình ảnh, uy tín của cơ sở y tế này. Trong thông báo, bệnh viện cũng cảnh báo “các lời nói, hành vi tiếp tay, giúp sức, chia sẻ và lan truyền những thông tin xuyên tạc, vu khống, bịa đặt sai sự thật khi chưa có kết luận từ các cơ quan chức năng... sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Tuy nhiên, điều đáng nói, vấn đề mà dư luận quan tâm nhất là việc “mỗi lần đi xạ (trị) mất 200.000 đồng” lại không thấy bệnh viện đề cập.

Thông thường, sau khi có thông tin phản ánh về hoạt động của bệnh viện, lãnh đạo các đơn vị sẽ chỉ đạo xác minh nội bộ, thậm chí cả từ phía bệnh nhân xem có việc đó hay không? Tuy nhiên, trong thông báo phát đi từ bệnh viện K lại không đề cập nội dung này. Không biết, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo xác minh cán bộ, nhân viên cấp dưới về thông tin “mỗi lần đi xạ (trị) mất 200.000 đồng” hay chưa? Và những người liên quan tường trình thế nào?

Trong thông báo mà bệnh viện công khai cũng nhắc lại việc: “Bệnh viện đã gửi đơn trình báo, tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan quản lý... Hiện nay, vụ việc đang trong quá trình xử lý để nhanh chóng làm rõ và đưa ra kết luận”. Tức là đến thời điểm Bệnh viện K đưa ra thông báo chính thức, vụ việc vẫn chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

Nhìn vào những gì đang diễn ra, nhiều độc giả cho rằng những người làm công tác truyền thông của Bệnh viện K đã xử lý khủng hoảng bằng việc đưa ra thông báo kiểu “lửa đổ thêm dầu”.

Mặc dù Bệnh viện K đã đưa ra những thông điệp "cảnh báo" nhưng khi bình luận về clip người phụ nữ khóc lóc trên mạng xã hội, rất nhiều người đã kể về những chuyện họ trải qua ở Bệnh viện K, đồng thời đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm sáng tỏ sự thật.

Lãnh đạo Bộ Y tế, các cục, vụ chức năng và Giám đốc Bệnh viện K cần nắm bắt những thông tin chính là tiếng nói và suy nghĩ người dân, và đặt câu hỏi vì sao nhiều người đồng loạt lên tiếng như vậy? Tại sao, đông đảo người dân nhắc đến những sự việc không hay xảy ra tại Bệnh viện K mà không phải cơ sở y tế khác?

Bệnh viện đừng vội chụp mũ cho những ý kiến đó, mà hãy bình tĩnh tìm nguyên cớ!

BV K2.png
Bệnh viện K cơ sở 2 Tam Hiệp ở Hà Nội. Ảnh: Internet

Khi người dân có ý kiến, trước hết cần cầu thị lắng nghe, tìm hiểu kỹ càng, sẵn sàng công khai cám ơn nếu ý kiến đó giúp bệnh viện nhìn ra những tiêu cực, giúp “cơ thể” bệnh viện lành mạnh. Thay vì phủ nhận, cần tìm hiểu vì sao nhiều người lại đồng loạt phản ánh không tốt về cơ sở y tế?

Trước khủng hoảng truyền thông, nhiều lãnh đạo cao cấp đã cởi mở, lắng nghe người dân để nắm bắt tình hình, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, hạn chế những bất cập. Không có lý do gì, lãnh đạo các đơn vị cấp dưới lại vội kết tội, không đối thoại, tiếp nhận thông tin từ người dân.

Cần thay đổi cách quản trị và ứng xử khi bệnh viện xảy ra khủng hoảng. Chuyện đúng sai và xử lý đối với người có hành vi vi phạm sẽ được cơ quan chức năng thực hiện theo quyền hạn và trách nhiệm. Còn bệnh viện, với toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị máy móc được nhà nước trang bị để phục vụ người dân, lãnh đạo cơ sở y tế cần quản lý chặt chẽ, cầu thị lắng nghe dư luận để đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Đó là cách không để bất kỳ cá nhân nào lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo của người bệnh để trục lợi, đồng thời khép lại những ì xèo từng thấy trên mạng những ngày qua.