Với kết quả đã có, BV Việt Đức có thể sẽ về đích trước hạn mà Bộ Y tế đề ra là hoàn thành chuyển đổi số tại các cơ sở khám, chữa bệnh chậm nhất từ 1/1/2029. Để tìm hiểu về hiệu quả của chuyển đổi số tác động đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ra sao, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc BV Việt Đức.
- Phóng viên: Chuyển đổi số là chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời, cũng là xu thế toàn cầu. Là giám đốc BV ngoại khoa hàng đầu của Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
TS. Dương Đức Hùng: Chuyển đổi số là vấn đề sống còn với sự phát triển của BV, nên cũng là nhu cầu tất yếu. Với vị thế của một BV ngoại khoa hàng đầu, chuyển đổi số càng quan trọng vì giúp cho việc quản trị tốt hơn trong tiến trình xây dựng BV thông minh.
Chuyển đổi số còn giúp nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo tuyến, có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh hiểm nghèo ở các địa phương. Từ nhiều năm trước, BV Việt Đức đã sử dụng đường truyền để hỗ trợ bác sĩ địa phương phẫu thuật tại chỗ nhiều ca phức tạp ở Lai Châu, Sơn La.
Mới đây nhất, thông qua hệ thống khám bệnh từ xa, TS. Nguyễn Thanh Xuân (Phó trưởng Khoa Phẫu thuật thần kinh 1) đã hỗ trợ các bác sĩ ở Điện Biên cấp cứu tại chỗ bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, mà gia đình định thuê trực thăng 600 triệu để đưa về BV Việt Đức, vừa tốn kém vừa tăng rủi ro. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, bác sĩ Xuân kịp lên đến nơi để phẫu thuật và bệnh nhân ổn định mới chuyển về BV Việt Đức tiếp tục điều trị.
Với ứng dụng chuyển đổi số, BV sẽ mở rộng hợp tác với các chuyên gia quốc tế để hội chẩn các ca khó trong chẩn đoán và điều trị.
- Ông có thể chia sẻ một vài kết quả về ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị BV mà ông vừa đề cập?
TS. Dương Đức Hùng: Tôi rất ý thức về vai trò của chuyển đổi số trong quản trị BV, nhất là khi nhận bàn giao ở BV Việt Đức đều là sổ sách, giấy tờ với khối lượng rất lớn. Vì thế, ngay sau khi nhận nhiệm vụ Giám đốc BV, tôi đã cùng Ban Giám đốc triển khai ngay việc ứng dụng phần mềm quản lý tài sản.
Để giảm chi phí, chúng tôi không mua tem QR mà mua máy in tem và huy động nhân lực tại các khoa để thống kê tài sản. Chỉ trong 2 tháng, với sự nỗ lực của từng thành viên, BV đã dán xong hơn 2 triệu tem lên toàn bộ tài sản cố định, tạo ra bước ngoặt trong quản lý tài sản minh bạch và hiệu quả. Giờ đây, tất cả tài sản trong BV đều được định danh đúng luật và các cá nhân, đơn vị của BV có thể cùng giám sát trong quản lý.
Với phần mềm này, qua máy tính, tôi có thể biết được từng vật tư, máy móc ở mỗi khoa, phòng một cách chi tiết: Ngày sản xuất, ngày mua, nguồn mua hay tài trợ, mới hay cũ, khấu hao còn bao nhiêu, cần sửa chữa hay phải mua mới… Việc tính khấu hao theo quy định do phần mềm tự thực hiện, còn vật tư tiêu hao cập nhật theo thời gian thực, giúp BV chủ động lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu thay vì đợi hết, hỏng mới mua sắm, sửa chữa.
Phần mềm còn có cơ chế điều chuyển tài sản giữa các khoa, phòng một cách linh hoạt, tránh lãng phí. Các khoa phòng đề xuất mua sắm, sửa chữa đều thực hiện trên phần mềm, công khai, nên tăng trách nhiệm cho những người liên quan.
Các đề xuất được tiến hành nhanh chóng, không cần phải đến tận nơi đánh giá, lập biên bản, rồi chờ đợi phê duyệt sửa chữa hay mua sắm như trước, giảm được thủ tục và thời gian. Quản lý tài sản bằng chuyển đổi số đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả cao, điều hiện chưa nhiều BV công làm được.
Phần mềm quản lý tài sản là một trong nhiều phần mềm đã triển khai thành công của BV Việt Đức, như phần mềm quản lý tài chính, phần mềm quản lý vật tư tiêu hao … đang được ứng dụng rất hiệu quả tại BV.
Từ khi áp dụng các phần mềm chuyển đổi số trong các hoạt động của BV, nhân viên các khoa, phòng - những người trực tiếp sử dụng phần mềm đều có thể triển khai, theo dõi, giám sát công việc một cách dễ dàng, thuận lợi, rút ngắn thời gian so với thao tác thủ công trước đây.
Chúng tôi thực hiện chủ trương “BV không giấy tờ” bằng những bước đi cụ thể và không ồn ào.
- Trong KCB, BV Việt Đức cũng là một trong những BV nhanh chóng triển khai “BV thông minh”, mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân và BV. Ông có thể chia sẻ về điều này?
TS. Dương Đức Hùng: Với việc sử dụng hệ thống PACS (truyền và lưu trữ hình ảnh), BV đã số hoá toàn bộ hình ảnh nội soi, điện tim, chiếu chụp, tích hợp kết quả xét nghiệm của bệnh nhân và thay vì in phim rồi giao cho bệnh nhân, nay chúng tôi giao bệnh án điện tử của bệnh nhân cho họ, để họ có thể sử dụng KCB ở nơi khác.
Mỗi bệnh nhân đến BV có một ID là số CCCD, đảm bảo thống nhất, an toàn, không lo nhầm lẫn. Chúng tôi đang triển khai mã vân tay để thuận tiện cho bệnh nhân khi đi KCB, không lo quên hay thất lạc giấy tờ.
Việc không in phim là một bước đi quan trọng của BV trong chủ trương không giấy tờ, mang lại nhiều lợi ích: Phim chụp không thể lưu trữ lâu vì sẽ hỏng, nhưng số hoá sẽ lưu trữ các dữ liệu KCB của bệnh nhân trong suốt cuộc đời họ. Các thông tin về diễn biến bệnh tật của bệnh nhân sẽ giúp bác sĩ khám lần sau điều chỉnh thuốc hay can thiệp phù hợp, có lợi cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Với người mắc tim bẩm sinh thì dữ liệu rất quan trọng để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với bệnh trạng.
Việc không in phim, tráng phim, rửa phim và sản xuất túi đựng phim, còn làm giảm tới 33 tỷ/năm cho Quỹ BHYT, chưa kể giảm độc hại môi trường từ thuốc rửa, máy in phim.
Chuyển đổi số là nền tảng để BV Việt Đức nhanh chóng triển khai bệnh án điện tử và dự kiến hết năm 2024, trên 90% sẽ là bệnh án điện tử, dần xoá bệnh án giấy.
Trước đây, bệnh nhân phải xếp hàng đăng ký khám rồi xếp hàng thanh toán viện phí, rất mất thời gian. Nhưng nay, BV có các kios đăng ký khám, hoặc bệnh nhân đăng ký khám online, qua tổng đài, nên rất nhanh chóng.
Việc thanh toán chi phí KCB ở BV Việt Đức hiện đã triển khai đến tận giường bệnh, đảm bảo an toàn: Khi bệnh nhân ra viện, khoa sẽ thống kê chi phí, nếu phần tạm ứng lúc vào viện thiếu thì bệnh nhân nộp thêm tiền bằng mã QR hay banking, nếu thừa thì BV sẽ hoàn trả tiền vào tài khoản bệnh nhân trong vòng 72 giờ, không cần phải xếp hàng đợi nộp tiền như trước.
Với cách thức như vậy, chỉ trong tháng đầu triển khai, đã có 67% bệnh nhân thanh toán ở BV không dùng tiền mặt nên dự kiến đến hết năm 2024, BV sẽ đạt 90% thanh toán không dùng tiền mặt.
- Trong khi nhiều BV còn lúng túng trong triển khai chuyển đổi số, vì phần mềm của các đơn vị cung cấp không phù hợp, BV Việt Đức có bí quyết gì để có được phần mềm như ý?
TS. Dương Đức Hùng: Tôi đi lên từ thực tế và có nhiều năm làm quản lý ở BV Bạch Mai, nên hiểu rõ các hoạt động ở một BV, để từ kinh nghiệm quản trị đưa ra ý tưởng cho đối tác xây dựng một phần mềm theo hình chóp đáy với dữ liệu thống nhất và bao trùm nhiều lĩnh vực.
Trước khi triển khai, Đảng uỷ BV thống nhất chủ trương xây dựng phần mềm, các khoa, phòng nhất trí, BV mới tiến hành. Hàng tháng, BV ngồi lại với đối tác để chỉnh sửa phần mềm theo yêu cầu thực tế cho ngày càng phù hợp.
Ví như để đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, BV đã làm việc với ngân hàng và đơn vị xây dựng phần mềm, để ra đầu bài sát hợp: Phần mềm phải có giao diện đơn giản, thuận lợi nhất cho bệnh nhân để tiến tới xoá sổ các điểm thanh toán ở BV.
Nhờ phần mềm hỗ trợ trong quản trị, chúng tôi không phải họp hành nhiều, tập trung thời gian cho chuyên môn.
Với việc đồng lòng triển khai chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, cán bộ trong BV đều hài lòng vì nhàn hơn mà công việc hiệu quả hơn.
- Trong tiến trình chuyển đổi số, BV có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
TS. Dương Đức Hùng: Công nghệ càng cao thì khó khăn càng lớn. Kinh phí là vấn đề đầu tiên, vì đầu tư CNTT hiện đại với giải pháp đồng bộ thì rất tốn kém, trong khi đầu tư CNTT chưa được đưa vào giá viện phí. Thay vì làm manh mún do không đủ kinh phí đầu tư 50-60 tỷ cho giải pháp đồng bộ, BV triển khai từng giai đoạn với cấu hình mở để có thể phát triển phù hợp với từng giai đoạn.
Đặc biệt, chúng tôi chủ trương bước đi thận trọng, tránh nóng vội, tìm hiểu kỹ các đơn vị cung cấp phần mềm có uy tín, năng lực, đảm bảo an toàn để hợp tác.
Riêng việc không in phim, mỗi năm BV đã mang lại cho Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) hơn 33 tỷ, chỉ cần BHYT chi trả cho BV 50% số tiền đó, để BV tái đầu tư phát triển CNTT thì sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp hiện đại trong KCB, tiếp tục giảm giá thành, để Quỹ BHYT bớt chi trả.
- Chuyển đổi số luôn gắn liền với rủi ro bị tấn công mạng nếu không quan tâm bảo mật. Việc Viện Tim TP.HCM bị tấn công mạng mới đây là một minh chứng. BV Việt Đức làm gì để bảo đảm an ninh mạng, thưa ông?
TS. Dương Đức Hùng: Khi tiến hành chuyển đổi số, chúng tôi rất coi trọng vấn đề an ninh mạng. Vì thế, ngoài phân quyền, tường lửa, BV chọn đối tác là Hiệp hội an ninh mạng, nơi có những nhân sự giỏi, giải pháp công nghệ đáng tin cậy, để hợp tác trong bảo mật, an ninh, nên chúng tôi yên tâm về bảo mật.
- Cảm ơn ông!