Đức viện trợ vũ khí hạng nặng hiện đại, hy vọng “thay đổi cuộc chơi” ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đức đã viện trợ cho quân đội Ukraine pháo tự hành PzH 2000, dự kiến cung cấp thêm pháo phòng không tự hành GEPARD, tên lửa phòng không IRIS-T SLM, pháo phản lực MARS cùng khối lượng khổng lồ trang thiết bị quân sự khác.
Pháo tự hành PzH 2000 của Đức ở Ukraine (Ảnh: BILD)
Pháo tự hành PzH 2000 của Đức ở Ukraine (Ảnh: BILD)

Trang Military mil.in.ua công bố các video, cho thấy lựu pháo tự hành 155 mm Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000) do Đức sản xuất đã được quân đội Ukraine đưa vào tham gia chiến đấu trên chiến trường Donbass.

Những pháo tự hành PzH 2000 đang hoạt động trên chiến trường vùng Donetsk. Theo những video mà các quân nhân Ukraine công bố trên tài khoản mạng xã hội Twitter, pháo tự hành Đức sử dụng loại đạn nổ phá mảnh DM121 BT (Boat Tail) do Rheinmetall Waffe Munition chế tạo.

Quân đội Ukraine, sử dụng pháo tự hành Đức PzH-2000 trên chiến trường Donbass (Video: mil.in.ua)

PzH-2000 là pháo tự hành 155 mm do tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann của Đức và được Bundeswehr (quân đội Đức) đưa vào biên chế mùa thu năm 1998. Phương Tây đánh giá PzH-2000 là một trong những hệ thống pháo thông thường mạnh nhất. Trong chế độ bắn liên tục, PzH-2000 có tốc độ bắn 3 phát/9 giây, 10 phát/56 giây và bắn liên tục 10 đến 13 phát/phút. Quy trình nạp đạn được tự động hóa. 2 pháo thủ có thể nạp 60 quả đạn pháo trong trống đạn chưa đầy 12 phút.

Hoạt động nạp đạn vào trống đạn của pháo tự hành PzH 2000. (Video: mil.in.ua)

PzH 2000 hiện đang trong biên chế của quân đội Ý, Hà Lan, Hy Lạp, Lithuania (Litava), Hungary, Qatar và Croatia.

Theo cam kết, Ukraine được chuyển giao 12 khẩu PzH-2000 từ các đối tác phương Tây trong chương trình chung Đức và Hà Lan. Đức chuyển giao 7 khẩu PzH 2000 cho Ukraine, Hà Lan chuyển giao 5 hệ thống.

Ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã xác nhận pháo tự hành PzH 2000 của Đức được biên chế cho Lực lượng vũ trang Ukraine

Các pháo thủ Ukraine đã đến Đức huấn luyện cách sử dụng lựu pháo PzH 2000. Chương trình huấn luyện khai thác sử dụng yêu cầu đào tạo trong 6 tháng, nhưng binh lính Ukraine phải làm chủ vũ khí trong 36 ngày, kế hoạch huấn luyện ban đầu chỉ có trong 10 ngày.

Theo tuyên bố của quân nhân Ukraine, đăng tải trên mil.in.ua, pháo tự hành của Đức hiệu quả gấp 3 lần so với các loại pháo Liên xô tương tự, đang có trong biên chế quân đội Ukraine. Quân đội Ukraine cũng khẳng định, số lượng pháo này không đủ để ngăn cuộc tiến công của Nga trên tiền tuyến.

Các khẩu pháo của NATO không tăng cường số lượng pháo binh quân đội Ukraine, chỉ cố gắng lấp khoảng trống thiếu hụt do một số lượng lớn pháo binh Ukraine bị phá hủy. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tính đến ngày 2/7, 3.073 pháo dã chiến và súng cối bị phá hủy và phá hỏng. Nhưng các quốc gia NATO chỉ cung cấp được vài trăm khẩu pháo khác nhau.

Lực lượng pháo binh hiện đang là vũ khí quan trọng nhất trên chiến trường Ukraine. Do số lượng pháo binh suy giảm từng ngày, quân đội Ukraine đã không đủ các phương tiện hỏa lực đi cùng trong các kế hoạch tấn công mà chính quyền Ukraine đặt ra với quân đội Ukraine.

Quân đội Ukraine triển khai pháo tự hành PzH 2000 trên chiến trường Donbass, ngụy trang kỹ lưỡng trong rừng (Video: BILD)

Tòa nhà Quốc hội Đức – Bundestag (Ảnh: BILD)

Tòa nhà Quốc hội Đức – Bundestag (Ảnh: BILD)

Trang Military mil.in.ua, dẫn nguồn từ báo Đức BILD cho biết, các quan chức cấp cao Đức từ tháng 4 thông báo ý định phân bổ 2 tỷ euro hỗ trợ quân sự bổ sung, hơn một nửa số tiền này sẽ chuyển thành vũ khí, trang bị viện trợ cho Ukraine.

Trong báo cáo về tình hình xuất khẩu các sản phẩm quân sự 6 tháng đầu năm 2022, do cơ quan báo chí Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức công bố vào ngày 1/7 nêu rõ, nửa đầu năm 2022, chính quyền Đức phê duyệt cung cấp vũ khí và hàng hóa quân sự với ngân sách gần 562 triệu euro cho Ukraine.

Báo cáo cho biết: “Theo dữ liệu sơ bộ, trong nửa đầu năm 2022, những giấy phép đơn lẻ xuất khẩu vũ khí được cấp phép có trị giá 4,14 tỉ euro. 92% được gửi đến các nước đối tác, bao gồm cả Ukraine. Theo Bộ Kinh tế Đức, trên bối cảnh đang diễn ra ở Ukraine, sự ủng hộ của Berlin với Kiev “được phản ánh cụ thể trong các số liệu nửa đầu năm: giấy phép trị giá 562 triệu euro được cấp cho quốc phòng Ukraine.”

Ngày 28/6, Hạ viện Đức nhất trí hỗ trợ toàn diện cho Ukraine và cung cấp vũ khí hạng nặng cho quốc gia này. Các quan chức Đức tuyên bố, cung cấp "vũ khí sát thương hiệu quả và các hệ thống hiện đại, các vũ khí hạng nặng", cho Ukraine là một trong những giải pháp chấm dứt các hoạt động quân sự trên lãnh thổ quốc gia này.

Ngày 28/6, Chính phủ Liên bang Đức công bố danh sách tổng thể về viện trợ vũ khí, trang thiết bị sát thương và phi sát thương cho Ukraine.

Danh sách bao gồm các vũ khí trang thiết bị có nguồn gốc từ các kho dự trữ quân đội (Bundeswehr) và từ ngành công nghiệp quốc phòng, được mua bằng quỹ Sáng kiến ​​Kích hoạt và Nâng cao của Chính phủ Liên bang với tổng số 2 tỷ euro cho năm 2022.

Các khoản tiền bổ sung này sẽ được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ Ukraine. Đồng thời, được sử dụng để tài trợ cho những khoản đóng góp gia tăng bắt buộc của Đức cho Cơ chế Hòa bình Châu Âu (EPF), từ đó các nước thành viên EU có thể được hoàn trả những khoản tài chính viện trợ, đã cung cấp cho Ukraine.

Tổng số vũ khí đạn dược, trang thiết bị quân sự đã viện trợ nửa đầu năm 2022

3.000 đạn phóng lựu chống tăng “Panzerfaust-3” và 900 khẩu súng; 14.900 mìn chống tăng; 500 tên lửa đất đối không Stinger; 2.700 tổ hợp phòng không di động cơ động Strela; 7 pháo tự hành PzH 2000 bao gồm cả công tác điều chỉnh, huấn luyện và cung cấp phụ tùng thay thế (dự án chung hợp tác với Hà Lan);

21,8 triệu viên đạn vũ khí bộ binh; 50 đạn xuyên phá boongke; 100 súng máy MG 3 với 500 nòng súng và kim hỏa dự phòng; 100.000 quả lựu đạn; 5.300 gói thuốc nổ; 100.000 mét dây cháy chậm và 100.000 kíp nổ; 350.000 ngòi nổ;10.500 viên đạn pháo; 10 súng chống máy bay không người lái (UAV), 14 radar chống máy bay không người lái (UAV) và thiết bị gây nhiễu.

Chính phủ Đức cung cấp một số lượng lớn cơ sở vật chất cho chiến tranh, trong đó có 178 phương tiện cơ giới (xe tải, xe buýt nhỏ, xe địa hình), 30 xe cơ giới bánh hơi bọc thép.

Vũ khí trang bị Đức dự kiến cung cấp nửa cuối năm 2022

53.000 viên đạn cho pháo phòng không bọc thép tự hành; 8 radar di động mặt đất di động và thiết bị quan sát quang ảnh nhiệt ; 8 UAV trinh sát; 10 xe cơ giới thiết giáp; 7 bộ tác chiến điện tử gây nhiễu; 8 vũ khí chống UAV; 4 thiết bị rà phá bom mìn di động, được điều khiển từ xa; 32 UAV; 54 xe thiết giáp chở quân M113 trang bị vũ khí (từ Đan Mạch, chuyển đổi do Đức tài trợ); 30 pháo phòng không thiết giáp tự hành GEPARD, Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SLM, Radar phản pháo kích COBRA; 80 xe bán tải, 3 pháo phản lực – tên lửa MARS cùng các cơ số đạn; 100.000 bộ sơ cứu, 22 xe vận tải quân sự.

Đức cũng cung cấp các chi tiết, phụ tùng thay thế để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí trang bị, đồng thời với hoạt động huấn luyện đào tạo khai thác sử dụng trên lãnh thổ quốc gia.