Đây là đợt viện trợ thứ 14 trang thiết bị quân sự hiện có trong kho dự trữ quốc gia của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) cho Ukraine mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phê duyệt kể từ tháng 8/2021. Hiện Mỹ đã cung cấp 7,6 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm gần 7 tỉ USD kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia này ngày 24/2.
Theo tuyên bố, được đăng tải trên cổng thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ, gói viện trợ quân sự mới sẽ bao gồm: Đạn bổ sung cho Hệ thống pháo phản lực - tên lửa Cơ động Cao (HIMARS); 2 hệ thống phòng không quốc gia tiên tiến (NASAMS); 150.000 viên đạn pháo 155 mm; 4 radar phản pháo kích bổ sung.
Yếu tố quan trọng nhất của gói viện trợ mới là hệ thống phòng không tầm ngắn - tầm trung NASAMS, được cho là sẽ giúp quân đội Ukraine chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa các loại và chiến đấu cơ của Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS gồm 6 tên lửa phòng không AMRAAM (Ảnh Quân đội Mỹ) |
Hệ thống phòng không NASAMS do công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy hợp tác với tập đoàn Raytheon của Mỹ phát triển. Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ lời cảm ơn Na Uy đã tạo điều kiện chuyển giao hệ thống cho Ukraine. Thông cáo báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ viết:
“Mỹ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí trang bị, đáp ứng những yêu cầu thực tế chiến trường của đất nước này. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng xác nhận sự hợp tác có ý nghĩa lịch sử của Na Uy, cho phép Mỹ cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại giúp Ukraine phòng thủ trước các cuộc tấn công đường không của Nga ”.
Tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS, được Na Uy đưa vào khai thác sử dụng từ cuối những năm 1990. Hệ thống được thiết kế để chống lại máy bay không người lái (UAV), trực thăng quân sự, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS, được Mỹ viện trợ cho Ukraine (Video: Forces News) |
Thế hệ thứ 1 và thứ 2 của hệ thống phòng không được trang bị các tên lửa AIM-120 AMRAAM, là những tên lửa không đối không tầm trung.
Phạm vi hoạt động chiến đấu không-đối-không của tên lửa AMRAAM ước tính 75 km với phiên bản AIM-120B và hơn 160 km với phiên bản AIM-120D mới nhất, nhưng khoảng cách tấn công được tính khi phóng từ máy bay chiến đấu, di chuyển với tốc độ siêu âm ở độ cao. Tầm bắn giảm xuống chỉ còn 30 km khi AMRAAM được phóng lên từ các bệ phóng mặt đất.
Thế hệ thứ 3 của NASAMS được trang bị một biến thể của tên lửa AMRAAM là AMRAAM ER, được phát triển đặc biệt để phóng từ các bệ phóng mặt đất. Phiên bản này có phạm vi hoạt động hiệu quả trên khoảng cách hơn 40 km.
Hệ thống phòng không NASAMS được phát triển trên cơ sở radar AN / MPQ-64 Sentinel băng tần X-Doppler, có phạm vi hoạt động tối đa từ 40 - 120 km tùy thuộc vào các phiên bản. Hệ thống cũng có thể tích hợp với các radar khác của NATO.
Radar AN / MPQ-64 Sentinel (Ảnh: Quân đội Mỹ) |
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, hệ thống phòng không có hiệu quả chống lại các tên lửa hành trình do tên lửa phòng không AMRAAM và AMRAAM ER được trang bị đầu dò radar chủ động, một tính năng kỹ chiến thuật có ưu thế khi chống lại các mục tiêu nhỏ trên không.
Ukraine có thể sẽ sử dụng hệ thống NASAMS để bảo vệ thủ đô Kiev chống các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Nga. Hệ thống này sẽ không hiệu quả trên chiến tuyến, nơi các máy bay chiến đấu của Nga thường bay ở độ cao thấp và tấn công từ xa./.