Cựu CEO Facebook Việt Nam Christy Trang Lê: Hành trình từ ngoại đạo đến lãnh đạo

VietTimes -- Cuối tuần qua, VietTimes đã có cơ hội gặp gỡ tân CEO Go-Việt, Christy Trang Lê (tên tiếng Việt là Lê Diệp Kiều Trang) và lắng nghe kinh nghiệm của chị trong hành trình gần 10 năm gắn bó với công nghệ, bắt đầu từ một "người ngoại đạo".

"Người ngoại đạo" trong giới công nghệ

Sau khi kết hôn và theo chồng định cư tại Boston, Mỹ, chị Trang dự định theo đuổi ngành tài chính. Nhưng chị chia sẻ, tại thời điểm đó, để có công việc tài chính tốt, chị phải xuống New York.

Vì không tìm được công việc tốt gần nhà, chị Trang đã quyết định ở nhà nội trợ khoảng 1 năm sau khi cưới. Trong thời gian ở nhà nội trợ, chị nhận ra tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ tại Boston. Chị Trang quyết định chuyển sang lĩnh vực công nghệ, đăng kí bằng thạc sĩ kinh doanh (MBA) tại Đại học MIT. “Lúc ấy, hiểu biết của tôi về công nghệ chỉ giới hạn thông qua những câu chuyện về công việc của chồng”.

Chị Trang tâm sự, thời điểm đó chị cũng như hầu hết những người không có kiến thức nền tảng về công nghệ, đều mang nỗi sợ khi tiếp xúc với môi trường mới. Tuy nhiên, công nghệ là một thế giới hoàn toàn khác tài chính. Những giá trị sáng tạo mới mẻ trong lĩnh vực này đã thu hút chị.

Tốt nghiệp MBA, Christy Trang Lê dự định khởi nghiệp nhưng lúc đó chị lại nhận được lời mời thử sức tại McKinsey và bản thân lại rất ngưỡng mộ công ty này trong việc cung cấp kiến thức nền cho nhân viên.

Theo nhận định, những nhân viên bắt đầu tại McKinsey chỉ thông minh chứ chưa có kiến thức nền trong các lĩnh vực chuyên môn, nhưng trong thời gian rất ngắn được đào tạo, họ trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

“Con đường start-up không phải là con đường duy nhất để các bạn chủ động”. Theo chị, kể cả khi làm việc cho một doanh nghiệp, nếu đặt mục tiêu để bồi dưỡng bản thân thì hoàn toàn có thể tìm được cơ hội cũng như phát triển năng lực của bản thân.

Chị Trang chia sẻ về thời gian đầu sáng lập Misfit, rất khó tìm kỹ sư phần mềm tại San Francisco. Nhận thức được tiềm năng các kỹ sư phần mềm tại Việt Nam, vợ chồng chị Trang đã tìm các bạn trẻ Việt. Bản thân chị Trang khi đó cũng gắn bó với một team khoảng 20 người tại Misfit, trong khi vẫn đang làm việc tại McKinsey. Đến thời điểm này, chị Trang quyết định phải tìm lối đi cho riêng mình, vì thế chị đã cùng chồng phát triển Misfit.

Tại Misfit, chồng chị là người lên ý tưởng, còn chị là người trực tiếp vận hành. Trên cương vị ấy, chị nhận ra rằng, quản lý dòng tiền trong một doanh nghệp start-up là "bài toán kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật".

Bởi cơ hội để start-up làm việc với các đối tác lớn như Apple và Best Buy không nhiều. Nếu không biết cách quản lý dòng tiền lưu động thì rất khó để có cơ hội lần thứ hai. Vì vậy, nữ doanh nhân trẻ đã chắt chiu từng cơ hội để nắm bắt: “Hễ cơ hội tới là làm bằng mọi giá, chụp lấy cơ hội đó và đi tới cơ hội kế tiếp”.

Bên cạnh đó, chị cũng nhận ra rằng, mở rộng quy mô là một trở ngại lớn mà hầu hết các start-up sớm muộn đều phải đối mặt. Việc sớm nhận ra tiềm năng trên thị trường quốc tế là một trong những nguyên nhân giúp Misfit được định giá cao hơn một nhà sản xuất thiết bị đeo thông minh khác là Pebble.

Xây dựng bản sắc doanh nghiệp cho Misfit

Với cương vị là "sếp nữ" trong công ty công nghệ, Christy Trang Lê đã chia sẻ những khó khăn khi điều hành công việc tại một start-up công nghệ như Misfit. “Tôi thấy khó làm việc nhất với khách hàng người Hàn Quốc vì họ không quen làm việc với phụ nữ. Vì thế nên phải cứng rắn, vì mình không tôn trọng mình thì không ai tôn trọng mình hết”, chị chia sẻ.

Cựu CEO Facebook Việt Nam Christy Trang Lê: Hành trình từ ngoại đạo đến lãnh đạo ảnh 2

Trong môi trường doanh nghiệp, nữ lãnh đạo luôn cố gắng tạo tư duy bình đẳng, nam nữ đều có cơ hội thăng tiến như nhau. Tại một số nước như Hàn Quốc, phụ nữ thường ở nhà sau khi kết hôn nên lãnh đạo các tập đoàn lớn hầu hết không có nữ giới, tuy nhiên theo chị, tại Việt Nam, nữ lãnh đạo rất có ưu thế bởi vì họ có thể trở thành hình mẫu để các nhân viên nữ cố gắng phấn đấu để phát triển bản thân.

Lý giải về việc có rất ít phụ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại các start-up công nghệ, chị Trang cho rằng loại hình này tại Việt Nam còn rất mới, lại có nền tảng từ kỹ thuật nên bản thân đã có sự chênh lệch giữa nam và nữ từ khâu đào tạo trong các trường có chuyên môn. Vì thế có rất ít cơ hội lãnh đạo cho người không có chuyên môn công nghệ. Nữ CEO cũng nhận định, nữ giới Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ còn mắc phải điểm yếu là khó tập hợp nhân tài xoay quanh mình, vì thế phái nữ thường lãnh đạo một bộ phận hoặc dự án chứ hiếm khi trở thành đầu tàu trong công ty. Một trở ngại nữa của lãnh đạo nữ là thường quá để ý vào chi tiết, gây khó khăn khi thu hút nhân sự.

Với kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn như McKinsey hay Facebook, nữ CEO trẻ đã đúc rút được rất nhiều kỹ năng cho bản thân về cách trở thành người lãnh đạo giỏi. Khoảng thời gian làm nhân viên, chị Trang đã quan sát những leader khác và học hỏi những điều hay, đồng thời tránh mắc phải những sai lầm không đáng có. Theo chị, “làm nhân viên cũng là một cách học để trở thành lãnh đạo”.

Xây dựng đội ngũ nhân viên nhiệt huyết và có trách nhiệm là điều cần thiết với bất cứ start-up nào. Đứng trên vai trò người lãnh đạo, Christy Trang Lê cho rằng, cần dành thời gian để cùng làm việc và xây dựng sự tin tưởng trong nhân viên. Chị cho rằng rộng lượng cũng là một đức tính cần có của một lãnh đạo, “phải chấp nhận lỗi lầm của người khác và giúp họ khắc phục”.

Bên cạnh đó, nữ doanh nhân cũng đề cao việc “tuyển được người giỏi hơn mình”. Đây là điều ít ai làm được, bởi cả lãnh đạo nam hay nữ đều rất khó chấp nhận một người giỏi hơn làm trong đội mình. “Tôi nghĩ đây là hạn chế người lãnh đạo cũng như hạn chế luôn sự phát triển của cả công ty”, chị Trang nhận định.

Nguyên tắc làm việc của Christy Trang Lê là “làm việc với một người khác mình”. Theo chị, cần nhìn nhận điểm tốt của đối phương, đồng thời phát hiện ra điểm yếu của mình để cùng nhau hợp tác, phát triển. Đây cũng chính là văn hóa doanh nghiệp trong Misfit mà nữ lãnh đạo đã từng xây dựng cho nhân viên.

Chia tay Misfit để tiến tới mục tiêu mới

Năm 2015, Fossil Group đã thâu tóm Misfit trong một thương vụ có trị giá 260 triệu USD. Lý giải cho quyết định này, chị Trang cho biết "câu chuyện của giới công nghệ Sillicon Valley khác doanh nghiệp truyền thống".

Theo chị Trang, sản phẩm chỉ là ứng dụng, tới chặng đường nào đó thì ứng dụng rồi sẽ lỗi thời. Trong thế hệ trước, nếu đầu tư để nâng cấp sản phẩm vẫn còn phù hợp thì trong thế giới công nghệ, việc đẩy công nghệ tới giới hạn mới luôn hấp dẫn hơn là dành thời gian nâng cấp sản phẩm.

Cựu CEO Facebook Việt Nam Christy Trang Lê: Hành trình từ ngoại đạo đến lãnh đạo ảnh 3

Chính bởi vậy, khi Fossil Group ngỏ ý mua Misfit, nữ lãnh đạo coi đây là thời điểm hợp lý để sản phẩm của Misfit đi sâu vào dòng Wearable hơn vì Fossil có khả năng thiết kế sản phẩm Misfit như đồng hồ thông thường và nâng cấp lên thành smartwatch. “Mỗi người có một khao khát cá nhân, niềm đam mê của người làm việc trong công nghệ là tiến sâu hơn trong lĩnh vực này, thay vì nâng cấp sản phẩm hoài”, chị chia sẻ.


Sau đó, Christy Trang Lê đã có khoảng thời gian 9 tháng giữ vị trí CEO tại Facebook Việt Nam. Chị chia sẻ rằng Facebook, với lượng người dùng khổng lồ, là môi trường làm việc và học hỏi hấp dẫn đối với nhiều người.

Xét trên khía cạnh kinh tế, Facebook có tác động đáng kể bởi đây là nền tảng kết nối rộng lớn giữa người mua và người bán, tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ lẻ. Họ có thể duy trì mô hình kinh doanh hiệu quả mà không cần nguồn vốn lớn, thuê mặt tiền v.v. Đồng thời, họ có thể tiếp cận rất nhiều người muốn mua mặt hàng đó. Tuy nhiên, nữ CEO đã rời Facebook sau 9 tháng cống hiến vì nguyên nhân không sắp xếp được thời gian cho gia đình.

Cuối tháng 4 vừa qua, chị Trang bất ngờ chấp nhận lời mời ngồi lên "chiếc ghế nóng" tại Go-Viet, thay cho ông Nguyễn Vũ Đức mới rời công ty tháng trước.

“Tôi tin vào với hệ sinh thái mà 'kỳ lân' Go-Jek đang thành công ở Indonesia, tạo công ăn việc làm cho nhiều người”, chị Trang nói. “Công nghệ có thể giải bài toán kinh tế bởi khả năng kết nối trong phạm vi lớn giữa cung và cầu”.

Đông Nam Á đang trở thành một thị trường công nghệ đầy tiềm năng, với khoảng 700 đến 800 triệu dân. Trong đó dân số trẻ chiếm đa số, khoảng 80 – 90 % dân số có điện thoại thông minh, giá cước lại rẻ, thu hút rất nhiều đầu tư vào khu vực.

Mặc dù dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn để thành công với Go-Việt, trong bối cảnh thị trường các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam đã có dấu hiệu bão hòa. Tuy nhiên, nữ CEO cho rằng: “Mỗi chặng đường, mình phải làm được điều có giá trị cho công ty, các đồng nghiệp gắn bó trong thời gian ngắn vẫn có tình cảm với nhau và biết đâu còn gặp nhau nhiều trong cuộc sống sau này”.