Cúm không còn theo mùa, đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi, người có bệnh nền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc người đàn ông 51 tuổi ở Bình Định tử vong do mắc cúm mùa là một minh chứng mới nhất cho thấy sự nguy hiểm của cúm mùa, đặc biệt với người cao tuổi và người có bệnh nền.

VT_ phòng.JPG
Bệnh nhân mắc cúm mùa nhiều lúc nhập viện đông, không còn chỗ để cách ly

Cúm mùa đã không còn theo mùa

Ngay sau ca tử vong ở Bình Định vào cuối tuần qua do cúm mùa, chúng tôi có mặt ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân cúm.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – cho biết từ đầu năm tới nay, số ca cúm nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã hơn 2.000 người. Nhiều lúc, bệnh nhân đông nên Trung tâm quá tải, không có chỗ để cách ly.

Trong đó, đại đa số là người cao tuổi, có bệnh nền. Đây là bệnh viện tuyến cuối nên bệnh nhân đến đều trong tình trạng nặng.

“Giờ đây, cúm mùa không còn theo mùa nữa mà bệnh nhân cúm nhập viện quanh năm, thay vì mùa đông - xuân hay thời tiết lạnh mới xuất hiện. Có thể là do môi trường thay đổi hoặc do virus cúm đã thích ứng” - PGS. Cường thông tin.

Bà L.T.N. (69 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị viêm phổi mạn tính tắc nghẽn do hen phế quản nhiều năm, đợt này đến Trung tâm Cơ Xương Khớp (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị do bị áp xe cơ thắt lưng chậu được 2 ngày, thì xuất hiện ho và sốt, khó thở, phải dùng khí dung.

Xét nghiệm cho thấy bà mắc cúm A nên được chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Sau 3 ngày điều trị ngày đây, bệnh của bà đã đỡ. Khi nào test cúm về âm tính, bà sẽ được trở lại Trung tâm Cơ Xương Khớp để tiếp tục điều trị các bệnh nền.

Bà N. cho biết bà tiêm vắc xin cúm đều hàng năm. Theo PGS. Cường, chính nhờ tiêm vắc xin cúm mà khi bị cúm bà không bị nặng và biến chứng, thời gian điều trị cũng nhanh hơn.

Ở phòng bên cạnh, có 4 nam bệnh nhân mắc cúm đang được điều trị. Anh Phạm Văn T., con trai ông Phạm Văn Th. (58 tuổi, ở Vũ Thư, Thái Bình) cho biết ông Th. bị ho, sốt kéo dài và tức ngực nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để khám, thì phát hiện ông vừa mắc cúm A vừa bị bệnh xơ gan, huyết áp cao, tiểu đường, phải thở oxy …

VT_ Kiểm tra.JPG
PGS.TS. Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền lại mắc cúm mùa

Do bệnh nặng, ông được chuyển lên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Được điều trị đúng phác đồ, bệnh cúm đã đỡ, nhưng ông vẫn phải chờ cắt sốt, test cúm âm tính mới điều trị các bệnh khác.

Ông Th. nghĩ rằng đã được tiêm vaccine COVID-19 nên không cần tiêm phòng cúm, không ngờ việc này đã khiến ông phải đi cấp cứu

Ông Chu Văn C. (55 tuổi, ở Lạng Sơn) đang điều trị tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới bị cúm nên sốt ho kéo dài, phải truyền nước nhiều ngày. Ông cho biết ông không tiêm vắc xin cúm vì chủ quan rằng nếu mắc cũng thoảng qua, không quá nguy hiểm, mà không ngờ lại bị nặng thế.

Trước đó, một bệnh nhân tim mạch từ Lào Cai về điều trị tại Viện Tim mạch thì phát hiện nhiễm cúm, được đưa sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Do nhiễm cúm trên nền bệnh tim mạch nặng, nên dù được hồi sức tích cực nhưng đã không qua khỏi.

VT_ TRang.JPG
Bác sĩ Thu Trang khám cho bệnh nhân mắc cúm mùa lại có nhiều bệnh nền nên rất nặng

Đừng coi thường cúm mùa

Theo PGS. Cường, bệnh cúm rất nguy hiểm, nhất là với những người có bệnh nền, người cao tuổi, hoàn toàn không như nhiều người tưởng đây chỉ là “bệnh cảm cúm qua loa”. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm, 3-5 triệu ca cúm nặng và 300.000-500.000 ca tử vong.

Thế giới đã trải qua đại dịch cúm Tây Ban Nha cách đây một thế kỷ làm chết khoảng 50 triệu người trong số 500 triệu người mắc, ngoài ra cúm gia cầm (H5N1) ở người cũng có tỷ lệ tử vong rất cao, tới 50%. Đại dịch cúm Hồng Kông (1968), đại dịch cúm A/H1N1pdm09 (2009) cũng được cảnh báo toàn cầu vì tốc độ lây lan nhanh chóng và làm tử vong hàng triệu người.

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, ai cũng có thể nhiễm cúm mùa. Tuy nhiên, người cao tuổi thường có các bệnh lý nền mạn tính đi kèm, như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường… nên dễ bị tổn thương nhất do cúm là tác nhân thúc đẩy.

Tỉ lệ nhập viện, tỉ lệ tử vong có liên quan đến cúm mùa tăng cao ở nhóm bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý mạn tính. Bởi cúm có thể tàn phá các hệ thống cơ quan chính, vì thế, người cao tuổi/người có bệnh mạn tính khi nhiễm cúm, sẽ chịu tác động nặng nề.

Theo ông Cường, bị nhiễm cúm, khả năng nhồi máu cơ tim tăng gấp 6-10 lần, khả năng đột quỵ cũng tăng 3-10 lần, còn suy tim tăng 24% nguy cơ nhập viện. Bệnh nhân đái tháo đường thuộc nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm cúm và biến chứng nặng.

Ông Cường lưu ý: Tuổi càng cao, nguy cơ gặp các biến chứng do cúm mùa càng tăng. Thậm chí, người cao tuổi có thể không bao giờ phục hồi lại như trước khi nhiễm cúm, cả về sức khỏe, khả năng vận động và lối sống.

Bệnh nhân tim mạch, tiểu đường,.. khi mắc cúm có nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

 VT_ Cường khám 1.JPG
Người đàn ông mắc cúm mùa, lại có bệnh nền nên phải đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới

Vắc xin - “bình phong” bảo vệ người cao tuổi

Cúm mùa rất nguy hiểm với người cao tuổi và người có bệnh nền, nhưng lại có thể phòng tránh được bằng vắc xin.

Một nghiên cứu vào năm 2023 đã chỉ ra, càng lớn tuổi thì tỉ lệ tiêm phòng cúm càng thấp. Nhiều người chủ quan nghĩ “cúm mùa chỉ là bệnh vặt” nên không tiêm. Thực tế ở các điểm tiêm chủng, chỉ thấy người lớn đưa trẻ nhỏ đi tiêm chứ hiếm thấy đưa người cao tuổi đi tiêm phòng.

PGS. Đỗ Duy Cường nhấn mạnh việc tiêm vắc xin phòng cúm sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm cúm. Đặc biệt, theo WHO và US CDC, tiêm vắc xin phòng cúm còn giúp giảm đáng kể các biến chứng nặng do cúm gây ra, giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở ở người cao tuổi và những bệnh nhân có bệnh mạn tính.

Các đối tượng cần phải được ưu tiên tiêm vắc xin cúm là phụ nữ có thai, người cao tuổi (> 65 tuổi), người có bệnh mạn tính, nhân viên y tế và trẻ em < 5 tuổi.

VT_tiem vac xin.JPG
Tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để tránh mắc cúm, nhất là với người có bệnh mạn tính

Ở những người lớn khỏe mạnh, vắc xin cúm cung cấp sự bảo vệ ngay cả khi các chủng virus lưu hành không trùng khớp hoàn toàn với virus trong vắc xin.

Trước tình hình này, để bảo vệ sức khoẻ của bệnh nhân, nhất là những người lớn tuổi và có bệnh nền, tới đây, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thành lập đơn vị tư vấn và tiêm chủng vắc xin, nhằm tăng cường việc tư vấn và tiêm vắc xin phòng cúm cho các bệnh nhân nằm điều trị nội trú trước khi ra viện.

“Bệnh nhân nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin và sẽ yên tâm hơn khi được tư vấn và tiêm vắc xin ngay tại bệnh viện” – ông Cường nói.