Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Hòa bình Paris (27.1.1973), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao với một loạt nước, ngoài phe xã hội chủ nghĩa, trong đó có Úc. Ông Nguyễn Dy Niên được cử làm Đại biện Lâm thời. Lúc đó, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn có sứ quán ở Úc.
Ông Niên kể: “Ngày tôi qua Canberra để lập sứ quán, ra sân bay đón tôi là Carl Thayer, một người Mỹ tên là Christina và một Việt Kiều yêu nước. Họ mang cả khẩu hiệu ra để đón mình ở sân bay.”
Sau khi thành lập xong sứ quán, ông Niên bắt đầu giao lưu nhiều với Carl Thayer. Carl Thayer sang Sài Gòn năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại học Brown (Mỹ), trong chương trình International Voluntary Services, dạy tiếng Anh trong vòng một năm. Hàng tuần, cứ giờ rỗi là ông lại qua thư viện tìm sách về lịch sử Việt Nam.
Ông lấy bằng Thạc sĩ ở Đại học Yale năm 1971, sau đó sang Úc sinh sống và làm việc. Ông là nghiên cứu viên tại Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng Úc (năm 1977 ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại The Australian National University) - NV).
“Ông Thayer rất có cảm tình với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ông Niên nói.
Lúc đầu, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng không biết gì về ông Carl Thayer, nhưng nghe ông Niên báo cáo về, nói ông làm ở Viện Chiến lược (Bộ Quốc phòng Úc), và rất có cảm tình với Việt Nam, ông Thạch vội bảo ông Niên nghiên cứu kỹ, và mời ông Thayer thăm Việt Nam.
Cùng với Carl Thayer, ông Thạch còn yêu cầu mời David Marr, một nhà sử học của Úc (gốc Mỹ) về cuộc chiến tranh Việt Nam chống Pháp, vốn đã khá nổi tiếng.
(Chính lời mời này đã tạo điều kiện làm nên tình bạn khăng khít giữa sử gia David Marr và cố GS Phan Huy Lê. Chính GS Phan Huy Lê trong một hội thảo mang tên Phan Chu Trinh đã “sửa sai” cho những đánh giá sai lầm của giới chính trị và giới sử Việt Nam về David Marr - NV”)
Ông Niên rất ngưỡng mộ Thayer, tuy hai người gần đồng tuổi nhau.
“Ông ấy hiểu rất rõ về lịch sử và chính trị Việt Nam nên phân tích tình hình rất chuẩn và có tầm nhìn xa”, ông Niên nói, dẫn ra ví dụ như Thayer nói là Chính quyền Việt Nam Cộng hòa sẽ bị thất bại sau khi người Mỹ rút đi.
Hay Carl Thayer đã kiên trì trong việc tổ chức cho ông Niên nói chuyện với sinh viên về Việt Nam. Ông Niên nói, sau mỗi buổi nói chuyện và trả lời câu hỏi, sinh viên Úc mới hiểu Việt Nam đấu tranh vì sự thống nhất dân tộc, chứ không phải là cuộc chiến tranh ủy quyền, và Mỹ vào Việt Nam, tuy không chiếm đất, nhưng chiếm lợi thế ở Đông Nam Á, so với Trung Quốc…
GS Carl Thayer, sau hội thảo Biển Đông lần thứ hai (2010) đã đi uống cà phê với người viết. Ông nói mãi đến năm 1981 ông mới nhận lời mời của ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó đã trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
“Ông Thạch đã tiếp tôi khá lâu, cung cấp cho tôi những gì diễn ra ở Campuchia và ở phía Bắc trước đó 3 năm, hết sức cụ thể và cô đọng”, GS Thayer nói.
GS Thayer còn nói ông Thạch còn tổ chức một chuyến đi cho ông qua Campuchia để phối kiểm thông tin. “Ông Thạch là một người có tầm nhìn thật đặc biệt”, GS Thayer thốt lên với người viết.
“Ông Carl Thayer đã ủng hộ Việt Nam là rất tốt rồi, nhưng qua đó lại còn tác động đến những học giả Mỹ và Úc mà ông quan biết để họ hiểu và ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Công ông ấy lớn lắm, và tầm nhìn ông Thạch cũng rất lớn, khi quyết định mời ông ấy vào Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên thốt lên trong sự thán phục.
Còn người viết muốn bổ sung hai chi tiết cho ông Niên.
Thứ nhất, GS Carl Thayer đã đào tạo được 7 tiến sĩ cho Việt Nam.
Thứ hai, Viện Quốc phòng Úc, nơi GS Carl Thayer phục vụ nhiều năm và về hưu, là nơi các sĩ quan quân đội Việt Nam tham dự các khóa học, chính là nơi họ có thể giao tiếp và trao đổi kinh nghiệm với các sĩ quan Mỹ, cũng tham dự vì lý do tương tự.
“Việc hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra trước khi văn bản chính thức được ký rất lâu rồi”, GS Carl Thayer từng nói với người viết.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại Hội nghị Ngoại giao năm 1982. Ảnh Internet. |
Phải đưa một người sang làm Phó Trưởng Ban Đối ngoại để "đổi" lấy bà Tôn Nữ Thị Ninh
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Quốc hội, lại có một kỷ niệm khác về ông Nguyễn Cơ Thạch.
Sau khi đi học bên Pháp, và giúp đỡ Phái đoàn Đàm phán Paris về công tác phiên dịch, năm 1972 bà Tôn Nữ Thị Ninh về Sài Gòn dạy học. Sau năm 1975, do một sự tình cờ, bà gặp lại ông Xuân Thủy, Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Paris của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đã quen với bà khi bà giúp đoàn đàm phán.
Ông nói một câu: “Cháu dạy cũng giỏi, cũng có ích cho việc đào tạo người tài cho đất nước. Nhưng người khác có thể thay cháu dạy học, còn cái tài đối ngoại của cháu không ai thay được.”
“Tôi cân nhắc, hỏi ý kiến ba tôi, rồi theo ông Xuân Thủy ra Bắc, về Ban Đối ngoại Trung ương”, bà Ninh nói.
Đến năm sau, 1980, bà theo đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm Ấn Độ với tư cách phiên dịch. Trong đoàn có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
“Ông Thạch quan sát tôi rất kỹ”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nổi tiếng là sắc sảo, nói.
Sau chuyến đi, ông lại gần tôi, và nói: “Cô Ninh này, qua Bộ Ngoại giao đi!”
“Nghe ông nói vậy, tôi sung sướng quá. Nhưng tôi nói với ông là ông Xuân Thủy vừa đưa tôi về Ban Đối ngoại, lo lắng nhà cửa cho tôi, lẽ nào tôi lại bỏ đi”, bà Ninh nhớ lại.
Bà nói thêm với ông Thạch rằng bà phải ở tạm đến khi ông Xuân Thủy về hưu. Ông Xuân Thủy về hưu năm 1982.
Nhưng ông Thạch thấy bà Ninh rất giỏi, ông không chờ được. Ông vận động, thuyết phục ông Xuân Thủy, rồi, cuối cùng, quyết định đánh đổi một người trong Bộ Ngoại giao sang làm Phó Trưởng ban Đối ngoại Đảng. Lâu quá rồi nên bà Ninh cũng quên tên người "đóng thế" bà.
Sang Bộ Ngoại giao, ông Thạch bảo luôn bà Ninh: “Có hai vị trí dành cho cô: một là ở Vụ Bắc Mỹ, hai là ở Vụ Các tổ chức Quốc tế.”
Hồi đó, về Vụ Bắc Mỹ là ước mơ của hầu như tất cả các sinh viên ngoại giao mới ra trường, về nhiều mặt. Bà Ninh, tuy là tay ngang sang Bộ Ngoại giao, cũng không phải ngoại lệ.
Nhưng ông Thạch cũng lưu ý thêm: “Về Vụ Các tổ chức Quốc tế tha hồ mà tranh luận ở Liên Hợp Quốc với đại diện các nước khác, nhất là các siêu cường. Cô lại rất giỏi hai ngoại ngữ Anh và Pháp.”
Vậy là bà Ninh đã quyết định. Và trong suốt cuộc đời, bà không ân hận đã chọn sai, mặc dù trong 5 năm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trước khi về hưu, bà chủ yếu làm việc với Quốc hội Mỹ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trao đổi với các đồng nghiệp trẻ hơn thuộc Bộ Ngoại giao về đối ngoại đa phương. Ảnh Internet. |
Lên trước lương nhờ phán đoán Mao Trạch Đông không giết Đặng Tiểu Bình
Cố Tổng Lãnh sự Quảng Châu Dương Danh Dy, vốn không học ngoại giao, và được phân công làm Đại diện Thương mại Việt Nam ở Bắc Kinh, ở cùng với sứ quán. Vốn liếng kiến thức về Trung Quốc của ông khiến cho một cán sự ở sứ quán là ông Lưu Đoàn Huynh rất thích, hai người sau đó trở thành bạn thân.
Khi về nước, ông Huynh có giới thiệu ông Dy với Vụ trưởng Vụ Trung Quốc là ông Hoàng Bảo Sơn. Sau khi nói chuyện với ông Dy, ông Hoàng Bảo Sơn có nói lại với ông Huynh (và ông Huynh có nói lại với ông Dy) rằng: “Tay này ghê gớm lắm, nhưng mình dùng được. Chứ để hắn lọt vào tay người khác, họ trù hắn chết”.
Tính ông Dương Danh Dy khá đặc biệt, kiên quyết cãi đến cùng để bảo vệ ý kiến mà ông cho là đúng của mình. Nghe ông Hoàng Bảo Sơn nói vậy, ông đã theo ông Sơn về Bộ Ngoại giao.
Ông Dy có cách nghiên cứu khá đặc biệt, không giống bất kỳ ai khác.
“Tôi trước hết nghiên cứu tổng thể, từ lịch sử, chính trị, kinh tế đến quan hệ song phương, chứ không kiểu “đợi trên gõ xuống cái gì mới nghiên cứu cái đó”. Chẳng hạn, về các đại hội Đảng của Trung Quốc, đại hội nào giải quyết vấn đề gì tôi đều nắm hết,” ông Dy nói.
Vì vậy, hễ có việc gì liên quan đến Trung Quốc, ông Thạch lại gọi ông lên trao đổi trực tiếp. Ông Thạch nói: “Làm việc với những lãnh đạo khác, không hiểu biết gì, chán lắm. Có việc gì cậu cứ lên đây, anh em mình trao đổi, bàn bạc.”
Kỷ niệm ông Dy nhớ nhất là năm 1966, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bị Chủ tịch Mao Trạch Đông kết tội là tên tư bản số 2 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và cách tuột hết chức vụ.
Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có hỏi ông Dương Danh Dy rằng liệu Mao Trạch Đông có giết Đặng Tiểu Bình không, ông Dy nói rằng “chắc là không, vì Mao biết Đặng là người giỏi, có lúc vẫn dùng”.
Kết quả đúng như vậy, đến năm 1973, Đặng Tiểu Bình được phục chức. Ông Dy được ông Thạch tăng lương trước thời hạn. Ông được tăng hai lần như vậy.
Dù ông Thạch muốn đề bạt ông Dy lên cấp vụ, nhưng nhiều người không thích, vì tính ngang bướng của ông. Ông Dy vẫn chỉ làm cán sự, rồi chuyên viên Bộ Ngoại giao, nhưng có một điều khác biệt.
Ông Dương Danh Dy và ông Lưu Đoàn Huynh là hai cán sự, rồi chuyên viên, duy nhất được tham dự giao ban cấp vụ của Bộ Ngoại giao. Ông Dy vẫn kiên trì làm tư vấn cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao về tình hình Trung Quốc, và tham gia vào các đề tài lớn về Trung Quốc.
(Cuối đời ông Dy, ông đã làm được một chuyện lớn là làm cho ông Võ Văn Kiệt hiểu được ông Nguyễn Cơ Thạch, mặc dù ông Thạch đã mất, và ông Kiệt chỉ sống được 2 năm nữa, kể từ cuộc gặp đó. Nhưng thôi, đó là chuyện của bài khác.)
Cố Tổng Lãnh sự Quảng Châu, nhà nghiên cứu Trung Quốc, Dương Danh Dy, trong cuộc trả lời phỏng vấn với người viết, 4 tháng trước khi mất. Ảnh Huỳnh Phan. |
Câu chuyện kết thúc của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên
Dù là học trò, trợ lý của ông Nguyễn Cơ Thạch, được ông Thạch hết sức tin tưởng, ví dụ như lên trình Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ về việc bỏ Điều 1, coi Trung quốc là kẻ thù số 1, ra khỏi Hiến pháp 1980, ông Nguyễn Dy Niên cũng phải chấp nhận qui trình khi được thăng chức.
Ở Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch đã định ra qui trình trước khi một cán bộ được công nhận cấp vụ. Thử thách một số năm, với cương vị mình sẽ làm, sau đó sẽ được bỏ phiếu, xem có đạt không.
Ông Niên mất 3 năm (1976, sau khi làm Đại biện Lâm thời tại Úc, đến năm 1979) làm trợ lý vụ trưởng, trước khi trở thành vụ phó Vụ Châu Á 4. Ông lại mất 3 năm từ 1984 đến hết 1986 làm trợ lý Bộ trưởng, cho đến khi được bỏ phiếu và chính thức được phong Thứ trưởng vào tháng 2.1987.
“Ông Nguyễn Cơ Thạch sử dụng người hết sức linh hoạt, mà cũng rất bài bản. Tất cả vì một nhiệm vụ chung, đó là triết lý của ông”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kết luận.
(Còn nữa)
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên vẫn theo dõi những bài viết của GS Carl Thayer. Nhất là những bài về Biển Đông.
Ông cũng tự hào vì đã tham gia vào quá trình tạo điều kiện cho GS Carl Thayer hiểu rõ Việt Nam, và vẫn đang đóng góp khẳng định chủ quyền biển đảo, chống lại "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Nói với người viết, người đàn ông hơn 85 tuổi nói rằng ông rất muốn gặp lại GS Carl Thayer. Ông nói ông sẽ nói với Học viên Ngoại giao bố trí cuộc gặp.
Còn người viết lại muốn cuộc gặp gỡ diễn ra tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội, thế nào người viết với tư cách người sắp xếp chẳng được mời. Bởi người viết đã có lần phỏng vấn GS Carl Thayer tại đó, với ly bia ông mời.