Tôi, phóng viên đã về hưu và đang là cộng tác viên của Viettimes, đang công tác tại TP HCM, thì anh Tôn Lâm gọi điện. Anh bảo rằng tuần sát Tết anh sẽ vào TP HCM, và ngày sát Tết sẽ về Bạc Liêu, quê hương anh. Anh rủ tôi đi cùng.
(Anh Tôn Lâm là nhân vật chính trong bài báo "Người thay mặt Bộ Chính trị đàm phán với Mỹ trong việc Việt Nam rút quân khỏi Căm pu chia", bài đầu tiên trong 5 bài đăng trên Viettimes, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.)
Nhà anh Tôn Lâm tại huyện Hòa Bình, cách Thành phố Bạc Liêu 12 cây số. Ảnh Huỳnh Phan. |
Đi khoảng 300 cây số, từ TP HCM, khi đến nhà, anh Tôn Lâm dẫn tôi đến thăm khu lăng mộ và nhà thờ. Có khoảng 40 ngôi mộ từ bà cố nội của anh, đến cha mẹ anh và những người thân đã mất.
Riêng khu nhà thờ có 2 chiếc: bên nội và bên ngoại. Riêng nhà thờ bên nội, ngoài ảnh của người thân của anh, tôi thấy hình cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Anh Tôn Lâm mới kể với tôi từ sau khi đàm phán thành công với Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Đông Á Richard Soloman về việc Mỹ sẽ tái đàm phán về bình thường hóa quan hệ ngoại giao nếu Việt Nam rút quân khỏi Cam pu chia, anh với ông Nguyễn Cơ Thạch ngày càng thân nhau.
"Chúng tôi bàn nhiều về các giải pháp kinh tế giúp Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, và vực dậy nền kinh tế', anh Tôn Lâm nói.
"Thậm chí, để lưu tôi lại Hà Nội, ông Thạch còn đề nghị tôi chọn lấy 1 trong 126 biệt thự do nhà nước quản lý tại Hà Nội để làm chỗ ở, thuận tiện cho công việc", anh Tôn Lâm kể.
"Tôi từ chối, bởi nhà nước Việt Nam còn nghèo", anh Tôn Lâm nhớ lại.
Theo anh Tôn Lâm, ông Nguyễn Cơ Thạch sau đó còn ra lệnh cho Sở Địa chính (sau này là Sở Tài nguyên - Môi trường) Hà Tây cấp cho anh 80 héc ta đất, vì ông biết anh là nhà tư vấn đầu tư. Anh cũng chối vì lý do tương tự.
Sau này, khi anh mở Công ty Tư vấn Viet-Sing, anh cũng bỏ tiền ra thuê tại số 1 Láng Hạ. "Mình giúp đất nước, vì mình là người Việt Nam. Mình làm tư vấn đầu tư kiếm được tiền mà", anh Tôn Lâm khẳng định.
Tôn Lâm thích nhất bức ảnh này chụp với ông Nguyễn Cơ Thạch, bởi hai người rất tươi cười, tự tin bên nhau. "Đó là ảnh đen - trắng, chứ không màu mè, tựa như tình bạn của chúng tôi vậy", anh Tôn Lâm nói.
Anh Tôn Lâm kể có hai chi tiết mà anh rất thích và kính phục ông Nguyễn Cơ Thạch: Một là câu nóicủa ông khi anh Lâm chỉ trích ông, trước mặt đoàn TV CBS, là sau 13 năm, kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, người dân vẫn khổ thế này, ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói rằng "chúng tôi đã mắc rất nhiều sai lầm"; câu thứ hai là câu nói với anh khi cả hai cùng qua New York làm một số việc rằng "chúng ta nên tìm nhà người quen để ở, nằm trên ghế bố cũng được, vì đất nước còn nghèo quá". |
Trong quá trình giúp cho chính phủ Việt Nam sau năm 1991, anh Tôn Lâm còn được Tổng Bí thư Đỗ Mười mời tới gặp. Ông rất quí anh vì ông (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã cùng ông Nguyễn Cơ Thạch giao nhiệm vụ cho anh đàm phán với Bộ Ngoại giao Mỹ.
TBT Đỗ Mười và anh Tôn Lâm. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Ngay cả Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng cho mời anh tới gặp. "Trong Bộ Chính trị ai cũng biết việc làm của anh", anh Tôn Lâm nói.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và anh Tôn Lâm. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Nhưng những cuộc gặp gỡ thú vị nhất với anh Tôn Lâm là với Phó Thủ tướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đi cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch, người bí thư và học trò của Tướng Giáp trong kháng chiến chống Pháp.
Hai phía bàn rất nhiều chuyện. Đặc biệt là những chuyện anh Tôn Lâm rành về Mỹ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tiếp anh Tôn Lâm. Anh Tôn Lâm đặc biệt ấn tượng với một lần Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp mời anh tới chơi. Ông mặc ngay quân phục, và kéo cả phu nhân ra tiếp cùng mình cho thân tình. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Anh Lâm kể, từ khi ông Nguyễn Cơ Thạch về hưu sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 7, anh không có dịp gặp lại ông nữa. Dù có một lần anh gặp ông tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và định tiến tới gặp ông nhưng bị ngăn lại.
Khi ông mất, năm nào vào ngày giỗ, anh đều dẫn con trai tới viếng mộ và thắp hương cho ông. Anh kể anh nói với cháu rằng "khi nào ba mất con phải hoàn thành việc này thay ba; đó là con người ba kính phục về nhân cách và nể trọng vì tài năng".
Anh Tôn Lâm và con trai thắp hương cho cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Còn tại dinh cơ của anh ở Bạc Liêu, cứ đến giao thừa, anh lại đến thắp nhang cho các cụ và ông Nguyễn Cơ Thạch. Cách đây gần 10 năm, khi xây chùa, anh cho đưa ảnh ông Nguyễn Cơ Thạch vào.
Anh nhớ có một Phó Thủ tướng dám thẳng thắn hỏi anh "chú Lâm có giải pháp gì giúp chúng tôi?" Và anh đã đưa ra 3 giải pháp, sau một tuần về thăm mẹ ở Bạc Liêu...
Anh Tôn Lâm thắp nhang cho cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh Huỳnh Phan. |
Năm 2015, Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển công văn tới Bộ Ngoại giao đề nghị xét thưởng cho anh Tôn Lâm cùng hai người Mỹ, người môi giới, người đàm phán với anh về việc Mỹ sẽ hành động gì nếu Việt Nam rút quân khỏi Căm pu chia (chúng tôi có văn bản).
Trong thư trả lời lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài, cơ quan được ủy nhiệm lo việc khen thưởng cho anh Tôn Lâm và 2 người đối tác Mỹ, sau khi tường thuật lại những việc đã làm, anh đã nói:
"... Riêng tôi, tôi xin phép không nhận bất cứ sự khen thưởng nào về việc làm của tôi. Vì tôi xem đây là bổn phận của một người Việt Nam đứng trước khó khăn của đất nước và dân tộc."
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chơi tennis với anh Tôn Lâm. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Còn tác giả lại rất xúc động khi thấy anh Tôn Lâm in nguyên bài báo trên Viettimes, đóng khung, và treo lên tường. Một ở tư dinh của anh, một ở khu thờ tự.
Công việc nhỏ nhoi của tác giả đã khiến anh Tôn Lâm, người đã từ chối cả villa, hay đất đai, hoặc sự khen thưởng, cảm thấy vui!
Ảnh Huỳnh Phan. |
Thấy vẻ mặt anh Tôn Lâm vẫn đau đáu với đất nước, dân tộc, tự nhiên tác giả lại nhớ tới hai vụ Việt Á và lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị bắt vì lừa đảo, tham nhũng. Nói lại với anh những chuyện đó, trong lúc dân tình đang khổ sở vì Covid-19, họ lại đang tâm làm tiền trên đau khổ của nhiều người khác. Thấy anh Tôn Lâm mặt buồn, nhưng ánh mắt vẫn hiện lên sự kiên quyết. Hình như anh đang muốn làm điều gì to tát, tác giả cảm giác như vậy.