Theo The Fiji Times, tại cuộc đối thoại giữa các đối tác trong Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum), ông Baron Waqa, Tổng thống nước chủ nhà Nauru đã tranh cãi kịch liệt với trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc. Sự cố dẫn đến việc đoàn Trung Quốc rời khỏi phòng họp bỏ về, gây xôn xao dư luận.
Hãng AP đưa tin, khi đó Đại sứ Đỗ Khởi Văn, Trưởng đoàn Trung Quốc đang phát biểu về vấn đề biến đổi khí hậu thì bị ông Baron Waqa cắt ngang, bắt dừng lại. Các đại biểu Trung Quốc đã lập tức bỏ về trong sự sửng sốt của cả hội trường. Tổng thống Waqa sau đó giải thích, theo quy định chỉ các đối tác cử cấp bộ trưởng trở lên tới dự mới được đăng đàn phát biểu. Đại biểu Trung Quốc coi thường quy định đó, cứ phát biểu, lại còn nói quá dài dòng, đã đến lượt nhà lãnh đạo quốc gia khác phát biểu mà ông ta cứ tiếp tục phát biểu, nên ông buộc phải ngắt lời.
Ông Đỗ Khởi Văn, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc phát biểu
|
Việc ông Đỗ Khởi Văn bị Waqa ngắt ngang khi đang phát biểu khiến phòng họp trở nên ồn ào, cả đoàn Trung Quốc đứng dậy bỏ về. Sau đó ông Waqa chỉ trích Đỗ Khởi Văn có thái độ “ngạo mạn” (insolent) và nói: “Ông ta rất cù nhầy, lại còn rất vô lễ, làm lỡ mất mấy phút của hội nghị các nhà lãnh đạo, trong khi bản thân chỉ là một quan chức”. Tổng thống Baron Waqa còn cho rằng: “Có lẽ vì ông ta đến từ một nước lớn nên muốn bắt nạt chúng tôi”.
Tờ The Fiji Times cho biết, trước khi diễn ra hội nghị đã có dấu hiệu cho thấy giữa Nauru và đoàn Trung Quốc có vấn đề. Nauru là quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan đã từ chối thị thực đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu ngoại giao của đoàn đại biểu Trung Quốc, mà yêu cầu họ phải sử dụng hộ chiếu phổ thông để nhập cảnh.
Ông Baron Waqa nói, Nauru và Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao, nhưng “hai bên từ lâu nay trong việc trao đổi đối đẳng đều sử dụng hộ chiếu phổ thông để qua lại giữa hai nước. Theo sự sắp đặt xưa nay, các quan chức Nauru dù tới Bắc Kinh tham dự hội nghị đa phương cũng chỉ sử dụng hộ chiếu phổ thông. Cho nên Trung Quốc cũng như vậy, khi họ tới thăm Nauru cũng sử dụng hộ chiếu phổ thông. Đó là chuyện bình thường, họ (các đại biểu Trung Quốc) đều biết rõ điều này”.
Trung Quốc không phải là nước thành viên của Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF), nhưng là 1 trong số 18 quốc gia đối tác đối thoại (Partner Dialogue) cùng với Mỹ, EU, Pháp và Ấn Độ. Tuy Đài Loan có quan hệ bang giao với Nauru, nhưng không được hưởng đãi ngộ đối tác giống như Trung Quốc, nhiều năm qua Đài Loan đều bị gạt ra ngoài lề hội nghị PIF.
Tổng thống Nauru Baron Waqa
|
Tuy nhiên, tình hình năm nay diễn ra khá phức tạp, do Hội nghị PIF diễn ra tại Trung tâm hành chính Nauru (Nauru Civic Center) – công trình do Đài Loan tài trợ xây dựng. Đại sứ quán của Đài Loan cũng đặt ở đây, cách nơi diễn ra hội nghị chỉ 30m, trong bãi để xe thậm chí vẫn còn giữ ký hiệu nơi đỗ xe của đại sứ Đài Loan. Được biết, Cộng hòa Nauru lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1980, đến 2002 thì cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc Đại Lục. Tới 2005, Nauru lại cắt quan hệ với Bắc Kinh và quay lại khôi phục quan hệ với Đài Loan.
Phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước vụ việc này. Chiều 5/9, tại cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về diễn biến sự kiện, và Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói: phía Trung Quốc tham gia diễn đàn với tư cách đối tác đối thoại theo lời mời của Ban thư ký Diễn đàn PIF. Bà nói: “Nauru là nước tổ chức diễn đàn đã đi ngược lại tập quán quốc tế và quy định của PIF, diễn một vở kịch tồi tệ. Trước khi diễn ra hội nghị, Nauru yêu cầu các nhân viên Trung Quốc dự hội nghị sử dụng hộ chiếu phổ thông để nhập cảnh. Chỉ sau khi đa số các nước thành viên can thiệp và dọa tẩy chay, Nauru mới đồng ý cho đại biểu Trung Quốc nhập cảnh với hộ chiểu ngoại giao. Trong khi diễn ra hội nghị, họ lại tìm cách cản trở đại biểu Trung Quốc phát biểu. Vì vậy đại biểu Trung Quốc đã nghiêm khắc giao thiệp và bỏ về để bày tỏ phản đối”. Hoa Xuân Oánh cho biết, nhiều đoàn đại biểu khác cũng rời hội trường để bày tỏ sự bất bình.
Bà Hoa cũng bác bỏ ý kiến của Tổng thống Waqa nói Trung Quốc ỷ mạnh hiếp yếu, bắt nạt nước nhỏ; cho rằng đó chỉ là sự “gây chuyện vô lý”.