Trước khi lên đường đi thăm Trung Quốc, ngày 13/8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã khiến Bắc Kinh bất ngờ khi cho biết sẽ tìm cách hủy bỏ các dự án xây dựng cơ bản trị giá 22 tỷ USD thuộc kế hoạch “Vành đai, con đường” mà người tiền nhiệm của ông đã ký kết với Trung Quốc vì Malaysia không muốn sa vào bẫy nợ nần của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cùng ngày 13/8 cho biết, ông Mahathir sẽ tới thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 17 đến 21/8 tới đây. Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của vị thủ tướng 93 tuổi này kể từ khi quay trở lại chính trường cách đây 3 tháng.
Các quan chức chính phủ Malaysia bên sa bàn tuyến Đường sắt ECRL
|
Trước khi tiến hành chuyến thăm, ông Mahathir đã nhận lời trả lời phỏng vấn dành riêng cho phóng viên hãng thông tấn AP của Mỹ. Ông nói sẽ đề xuất với lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu hủy bỏ hai dự án xây dựng cơ bản là tuyến đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL) dài 688km và 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên làm bằng vốn vay Trung Quốc mà cựu Thủ tướng Najib Razak đã phê chuẩn trước đây.
Đây là động thái gay gắt nhất mà chính phủ mới ở Malaysia bày tỏ đối với kế hoạch “Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Việc ông Mahathir công khai thể hiện lập trường trước truyền thông quốc tế rõ ràng khiến Trung Quốc bất ngờ, khó xử.
Ông Mahathir nói, ông hy vọng giữ mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư của họ, nhưng đó phải là những dự án mang lại lợi ích cho Malaysia. “Tôi không cho rằng chúng tôi cần đến hai dự án này, vì chúng tôi nhận thấy chúng không khả thi; do đó nếu có thể, chúng tôi muốn từ bỏ những dự án đó” – ông nói.
Ông Najib Razak và các quan chức hai nước tham dự lễ khởi công tuyến đường sắt ERCL
|
Chính phủ mới của Malaysia đã tạm dừng các công việc liên quan đến các dự án do các công ty quốc doanh của Trung Quốc xây dựng và kêu gọi giảm giá thành với mức độ rất lớn, nhưng một số tiền đã phải chi ra, dù dừng lại cũng khó có thể thu hồi. Ông Mahathir nói: “Nếu hoàn toàn hủy bỏ mọi dự án là không thể khả thi. Malaysia sẽ gác chúng lại cho tương lai, đợi đến khi cần thiết sẽ tiếp tục làm”.
Cựu Thủ tướng Najib Razak sau khi lên nắm quyền đã thực thi chính sách được coi là thân Trung Quốc, Trung Quốc cũng coi Malaysia là bộ phận hợp thành quan trọng và đối tác chủ yếu trong sáng kiến mậu dịch toàn cầu “Vành đai, con đường”. Năm 2016, ông Najib Razak đã ký kết với Trung Quốc hai dự án trị giá 20 tỷ USD gồm tuyến đường sắt Bờ biển phía Đông dài 688km và 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên. Chính phủ mới của ông Mahathir sau khi lên nắm quyền đã ra lệnh ngừng mọi công việc liên quan đến việc triển khai chúng.
Cá nhân ông Najib Razak bị nghi ngờ biển thủ hàng trăm triệu USD tiền vốn của nhà nước trong “Quỹ Một nước Malaysia” (1MDB). Ngày 5/7, chính phủ Malaysia đã khởi tố ông Najib Razak 4 tội danh, trong đó bao gồm việc tự ý chuyển 10 triệu USD từ “1MDB” sang tài khoản cá nhân. Chính phủ mới của ông Mahathir còn phát hiện: chính phủ Najib Razak đã chuyển cho phía đối tác là Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) tới 88% tổng số tiền theo hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí, trong khi công trình chỉ mới hoàn thành được 13% công việc.
Cựu Thủ tướng Najip Razak đang bị khởi tố về tội tham nhũng và rửa tiền
|
BBC đưa tin, quan chức cao cấp của chính phủ Malaysia cho rằng, công ty quốc doanh CNPC này của Trung Quốc bị nghi ngờ giúp Najib Razak rửa tiền. Chính phủ mới tin rằng, vụ bê bối tiền bạc nghiêm trọng ở quỹ “1MDB” có liên quan đến công ty Trung Quốc, Ông Tony Pua, quan chức đặc biệt của Bộ Tài chính Malaysia nói: “Toàn bộ dự án này giống như một vụ lừa đảo, rõ ràng liên quan đến rửa tiền”.
Vụ bê bối tham nhũng đã khiến Liên minh Mặt trận Quốc dân (Barisan Nasional) của ông Najib Razak bất ngờ thất cử trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2018. Barisan Nasional chưa bao giờ bị thất bại trong các cuộc bầu cử kể từ khi Malaysia giành được độc lập năm 1957.
Theo Đông Phương, ngoài vấn đề đầu tư của Trung Quốc, ông Mahathir còn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải của tàu thuyền trên Biển Đông và phản đối việc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Ông nói: “Chúng tôi cho phép tất cả mọi tàu thuyền, bao gồm cả tàu quân sự đi qua Biển Đông, nhưng không cho phép bố trí tàu chiến ở Biển Đông. Đây là lời cảnh cáo đối với tất cả mọi người: không nên gây ra cục diện căng thẳng không cần thiết!”.