Có thể kể đến những cặp bài trùng ngân hàng – công ty chứng khoán như: Techcombank – TCBS, VPBank – VPS, BIDV – BSC, ABBank – ABS, SeABank – AseanSC; NamABank – BMSC; MSB – MSI;…
Với Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISe), ngay tên gọi của nó đã gợi nhắc đến một nhà băng: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Quả thực VISe từng là một cặp với VIB.
Cụ thể hơn, VIB chính là cổ đông sáng lập nên VISe vào năm 2006, bên cạnh 8 cổ đông sáng lập khác – đều là những cá nhân, và duy trì vị thế cổ đông lớn ở đây suốt nhiều năm. Không lạ khi Chủ tịch VIB thời ấy – ông Trịnh Văn Tuấn - cũng đồng thời kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch VISe.
Đại gia Trịnh Văn Tuấn: Từ VIB đến OCB
Cùng với một doanh nhân gốc Đông Âu khác, là ông Đặng Khắc Vỹ, ông Trịnh Văn Tuấn được xem là người khai sinh ra VIB. Sau quãng thời gian kinh doanh thành công và có tích lũy tại Ba Lan, năm 1996, vợ chồng ông Trịnh Văn Tuấn trở lại Việt Nam, và VIB chính là điểm bắt đầu của doanh nhân sinh năm 1965 này.
Vị đại gia gốc Hòa Bình gắn bó với VIB từ ngày đầu, trực tiếp tham gia HĐQT 5 khóa đầu tiên, trong đó có có 6 năm giữ vị trí Chủ tịch (từ 2002 - 2008). Đến ĐHĐCĐ lần thứ 12 năm 2008 của VIB, ông Tuấn tiếp tục được tín nhiệm bầu tham gia HĐQT khóa V (2008-2013), nhưng không còn làm Chủ tịch HĐQT, nhường lại vị trí Tổng Giám đốc Hàn Ngọc Vũ thay thế.
Đại gia Trịnh Văn Tuấn ngày mới về OCB (năm 2010).
|
Không đợi đến hết nhiệm kỳ, ngày 18/3/2010, ông Tuấn rút khỏi HĐQT VIB. Rời bỏ ngân hàng mà mình đã khai sinh, nhà sáng lập VIB bắt đầu cuộc chơi mới, cũng là một ngân hàng TMCP, thành lập cùng năm với VIB (1996). Nhưng nó đặt hội sở ở phía Nam: Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Có thể độ phủ và quy mô tài sản chưa bằng VIB, song ở OCB, nhóm ông Tuấn không phải “chung rừng” với một đại gia Đông Âu cỡ bự và trên tầm như nhóm ông Đặng Khắc Vỹ.
Ba cổ đông lớn nhất của OCB khi ấy: Văn phòng Thành ủy Tp. HCM dĩ nhiên sẽ không can thiệp quá mạnh vào ngân hàng; Tương tự, Tổng công ty Bến Thành là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Vietcombank là siêu nhà băng nhưng do nhà nước chi phối vốn, mà OCB chỉ là một trong số những ngân hàng mà Vietcombank sở hữu chéo; BNP Paribas dù mang danh cổ đông chiến lược nhưng OCB với họ suy cho cùng chỉ là một khoản đầu tư.
OCB, do đó, là chốn có thể giúp ông Tuấn có vị thế của một chủ nhà băng thực sự - nếu đủ lực. Tựa như cách "madame" Nguyễn Thị Nga rời Techcombank để tạo nên SeABank.
Ngày 29/07/2010 – tức 4 tháng sau ngày ông Tuấn thôi nhiệm ở VIB - Hội đồng quản trị OCB có quyết định số 73/2010/QĐ-HĐQT về việc bổ nhiệm ông Trịnh Văn Tuấn giữ chức vụ Tổng Giám đốc ngân hàng. Ông Tuấn chính thức đảm trách Ban điều hành OCB kể từ ngày 01/08/2010, thay thế ông Trần Văn Vĩnh xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Thời điểm này, trên giấy tờ, cá nhân ông Trịnh Văn Tuấn và người liên quan chưa sở hữu một cổ phần OCB nào. Cáo bạch mà ông Trịnh Văn Tuấn ký ngày 05/11/2010 nhằm phục vụ cho việc tăng vốn của OCB từ 2.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng cũng xác nhận việc trắng sở hữu của nhà ông Tuấn ở OCB tại cùng thời điểm.
Tuy vậy, thông cáo về sự bổ nhiệm ông Trịnh Văn Tuấn vào đầu tháng 8/2010 có tiết lộ một chi tiết: “Ông Trịnh Văn Tuấn cũng là người đại diện cho nhóm cổ đông góp 15% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Phương Đông trong đợt tăng vốn lên 3.100 tỷ đồng năm 2010 (khoảng 465 tỷ đồng).” Có thể hiểu, đến lúc đó, nhóm ông Tuấn đã gom được một lượng cổ phần đáng kể để “đổ bê tông” cho ông về OCB.
Tài liệu mà VietTimes thu thập được xác nhận, cuối năm 2010, cá nhân ông Trịnh Văn Tuấn đã trực tiếp đứng tên sở hữu 12,2 triệu cổ phần OCB, tương ứng với 4,63% vốn điều lệ. Chưa kể người có liên quan và người ẩn danh.
Nên biết, năm 2010, vốn điều lệ của OCB đã được điều chỉnh từ mức 2.000 tỷ đồng lên mức 2.635 tỷ đồng, tương ứng với việc phát hành thêm 63,5 triệu cổ phần. Trong phương án tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng của OCB, đáng chú ý, bên cạnh việc phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho BNP Paribas, còn dành 61 triệu cổ phần để “phát hành riêng lẻ cho đối tác trong nước”. Đối tác trong nước ấy liệu có phải là nhóm ông Tuấn (?!).
Tháng 6/2011, ông Trịnh Văn Tuấn được bầu vào HĐQT và trở thành Phó Chủ tịch OCB. Đến tháng 5/2012, ông Tuấn tiến thêm một nấc, trở thành lãnh đạo cao nhất ở OCB và liên tục nắm giữ vị trí Chủ tịch ngân hàng này cho đến ngày nay.
Nhóm cầm quyền cũng không quên gia tăng sở hữu để củng cố vị thế làm chủ tại OCB, không chỉ bằng “tiền tươi thóc thật” mà qua cả các công cụ đòn bẩy. Tuy nhiên, nội dung này sẽ được VietTimes đề cập trong một kỳ khác.
Cặp đôi OCB – VISe
Thực ra, không cần đến VISe thì OCB cũng đã có sẵn một công ty chứng khoán ruột, là Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS).
ORS cũng được sáng lập bởi OCB, để cung cấp các nghiệp vụ, dịch vụ tài chính chứng khoán cho OCB, các khách hàng của OCB, cũng như thị trường để khép kín chuỗi giá trị. ORS được thành lập năm 2006, cùng năm mà VIB thành lập nên VISe. Dĩ nhiên, sau khi ra đời, nó là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý cổ đông cho OCB.
Ấy vậy, nhưng dịch vụ này hiện đã được chuyển giao sang cho VISe. OCB thực tế đã “dứt tình” với ORS từ năm 2015, qua động tác triệt thoái toàn bộ vốn. ORS giờ cũng không còn liên quan gì với OCB – dù là gián tiếp. Thương hiệu mới - Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) – phần nào cho thấy nơi mà nó đầu quân: TPBank.
Không tự nhiên mà OCB chia tay ORS để đến với VISe, cũng như VISe không tự nhiên chia tay VIB để đến với OCB!
Nó gắn liền với sự dịch chuyển và cả ý chí của đại gia Trịnh Văn Tuấn – cựu Chủ tịch VIB và đương kim Chủ tịch OCB.
VISe do VIB sáng lập nên nhưng là chủ thực sự của nó lại là gia đình ông Trịnh Văn Tuấn.
Theo đó, thời điểm ông Tuấn quyết định rút khỏi VIB (tháng 3/2010), VIB chỉ còn là một cổ đông thứ yếu ở VISe, với tỷ lệ sở hữu chưa đầy 7,8%. Trong khi, ông Tuấn và vợ - là bà Cao Thị Quế Anh (SN: 1966) – lại trực tiếp nắm giữ tới 48,24% cổ phần, chưa kể 1% của bà Trần Thị Lộc (mẹ ruột ông Tuấn).
Không bất ngờ khi ông Trịnh Văn Tuấn vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT VISe, sau ngày rời VIB. Tuy vậy, ông Tuấn cũng chỉ “ra mặt” ở VISe cho đến ngày 19/01/2012, trước khi rút khỏi HĐQT và nhường lại vị trí cho vợ mình, là bà Cao Thị Quế Anh.
Một thương vụ điển hình cho sự song hành của cặp đôi OCB - VIS. Trong các "deal" trái phiếu, nếu OCB là trái chủ hay tham gia bảo lãnh thanh toán, VIS thường là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu. (Ảnh: Vise)
|
Bà Anh sau này cũng rút khỏi cơ cấu lãnh đạo VISe. Song song với đó, vợ chồng Chủ tịch OCB cũng sang tay toàn bộ cổ phần VISe đứng tên. Tuy vậy, theo tìm hiểu của VietTimes, VISe thực ra vẫn trong tầm ảnh hưởng của gia đình ông Trịnh Văn Tuấn.
Nhờ vậy, công ty chứng khoán này vẫn là một đối tác tin cậy mà OCB thường lựa chọn trong các thương vụ thu xếp vốn, chẳng hạn như 3 deal trái phiếu mà VietTimes từng đề cập, bên cạnh việc được OCB ủy quyền cho thực hiện quản lý, xác nhận các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu và thực hiện các quyền khác của cổ đông.
Các ông chủ nhà băng ở Việt Nam thường không chỉ làm một "banker" thuần túy. Mỗi ngân hàng thương mại cổ phần, thường được định vị bên canh một tập đoàn sân sau - chủ yếu liên quan đến địa ốc. Theo đó, nhắc đến VPBank, thị trường hay hình dung đến MIKGroup; Tương tự như ABBank – Geleximco; Techcombank - Masterise Group; MSB – TNG; Nam A Bank – Hoàn Cầu Group; LienVietPostBank – Him Lam; VietBank – Hoa Lâm;… Vậy còn OCB, liệu ông chủ của nó – đại gia Trịnh Văn Tuấn – có chỉ thuần làm ngân hàng? |