Một phiên tòa cũ…
Chiều 6/9/2017, trước khi phiên tòa sơ thẩm đại án OceanBank (OJB) bước vào phần giải lao 10 phút, bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch OceanBank) đã xin hội đồng xét xử “nửa phút” để nói về tư cách đại diện vốn của ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng Giám đốc OceanBank), khi tham gia HĐQT.
Trước đó, trong phiên sáng, Luật sư đã thắc mắc rằng, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ OJB, thì ông Sơn không đại diện phần vốn góp của PVN thì tại sao lại được tham gia HĐQT OJB (?).
“Anh Sơn thực ra là đại diện vốn góp trong phần 62,9% của bị cáo. Cho nên là quy kết về hành vi có lợi/hại cho các cổ đông nếu có, thì để được làm việc đó thì chỉ có lợi/hại cho bị cáo, chứ không phải PVN”, Hà Văn Thắm cho biết.
Ra tòa, ông Hà Văn Thắm mới thú thực về quy mô sở hữu OceanBank của bản thân: 62,9% -vượt xa con số trên sổ cổ đông và gấp nhiều lần các tỷ lệ giới hạn theo Luật các TCTD...
|
Thông tin của Hà Văn Thắm đã tiết lộ quy mô sở hữu thực sự của ông này ở OceanBank. Té ra, đó không phải là con số như trên giấy tờ, đảm bảo theo quy định tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010:
“1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu cổ phần theo quy định tại khoản 3 Điều 149 của Luật này để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;
b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;
c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.
3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.”
Khoản 4 của điều luật trên cũng “thòng” rõ: “Tỷ lệ sở hữu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.”
Thực tế, quy mô sở hữu của nhóm Hà Văn Thắm ở OceanBank vượt tới hơn 3 lần so với giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Không hẳn các cơ quan thanh tra giám sát không nắm được điều này, nhưng về lý thì Hà Văn Thắm cũng chẳng sai. Ông Thắm “lách” luật.
Bản thân ông và những bên thuộc diện “người có liên quan” chỉ đứng tên lượng cổ phần OJB trong mức cho phép. Nhưng những “người nhà” khác của ông Thắm còn nắm lượng cổ phần lớn hơn. Sổ cổ đông ghi tên họ nhưng bản chất, họ chỉ đứng hộ Hà Văn Thắm. Vô tình hay hữu ý, họ - nhưng người có thể chỉ là nhân viên, tài xế, họ hàng xa… - đã giúp các ông chủ “lách” luật.
Cách làm của Hà Văn Thắm có phải là cá biệt và sáng tạo trong giới “bank”?
Hẳn nhiên là không, các đại án ngân hàng đã đưa ra xét xử đều phát lộ những chi tiết tương tự. Từ Ngân hàng Xây dựng đến Ngân hàng Phương Nam, Sacombank…
Rồi các ngân hàng khác thì sao? Có thể họ chuẩn mực, nhưng hẳn cũng có cả những ngân hàng “chưa bị lộ”!
Các cổ đông “gần lớn”
Biên bản kiểm phiếu Lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản ngày 11/3/2019 của VPBank thể hiện 65 cổ đông nắm 71,83% vốn nhà băng này. Quá trình tăng vốn liên tục và niêm yết đã giúp làm loãng đáng kể cơ cấu sở hữu của VPBank. Biên bản ĐHĐCĐ ngày 1/8/2017 cho thấy 45 cổ đông nắm 72,46% vốn VPBank. Năm 2012, có thời điểm 44 cổ đông nắm tới 89% vốn VPBank.
Với cách thức thu thập thông tin tương tự, tại ngày 12/2/2019, có 30 cổ đông sở hữu 75,08% vốn VIB, không chênh nhiều so với ngày 11/11/2013, khi 78 cổ đông chiếm 76,77%.
Với VietBank, đây là ngân hàng thương mại cổ phần có số lượng cổ đông rất hạn chế. Tại ngày 22/9/2017, VietBank có 106 cổ đông, trong đó 66 cổ đông chiếm đến 95,116%, 1 nhóm 6 cổ đông nắm 30,69%.
Ở một số ngân hàng khác, VietCapital Bank tại ngày 30/9/2018 có 64 cổ đông nắm 60,7% vốn. ABBank ngày 14/2/2018 có 86 cổ đông nắm 72% vốn. Bắc Á Bank ngày 30/11/2017 có 137 cổ đông, không có cổ đông lớn. Kienlongbank ngày 26/4/2018 có 95 cổ đông nắm 95,7% vốn. LienVietPostBank ngày 17/10/2017 có 92 cổ đông nắm 61,24%.
Một số ngân hàng khác, cơ cấu sở hữu còn cô đặc hơn nữa.
NCB có khá nhiều cổ đông "gần lớn"...
|
Biên bản họp đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2018-2023 ngày 20/4/2018 thể hiện 28 cổ đông nắm tới 87% vốn của TPBank.
Báo cáo cập nhật cơ cấu cổ đông của SeABank cho thấy chốt tại thời điểm cuối năm 2018, SeABank có tất cả 1.302 cổ đông. Trong đó 1.282 cổ đông nắm dưới 1%, tổng cộng có 4,51%, 20 cổ đông nắm 95,49% còn lại, tính ra bình quân gần 4,8% mỗi nhà đầu tư, xấp xỉ ngưỡng trở thành cổ đông lớn (5%).
Nhưng vẫn còn ngân hàng mà cơ cấu sở hữu còn cô đặc hơn nữa, đó là Ngân hàng Quốc dân (NCB). Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 9/11/2017 để bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới của NCB ghi nhận, chỉ có sự tham gia của 16 cổ đông, nhưng lại chiếm đến 83,75% vốn. Như vậy, tính ra mỗi cổ đông sở hữu bình quân 5,23% vốn NCB; Và nếu trừ đi cổ đông lớn CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định (9,9%) thì 15 cổ đông còn lại sở hữu 73,1% NCB, trung bình 4,9% mỗi cổ đông. Đây là tỷ lệ rất cao, nhất là trong bối cảnh NCB đã niêm yết chứng khoán từ năm 2010.
Với cơ cấu sở hữu cô đặc đến bất ngờ như vừa nêu, dễ hiểu về các băn khoăn và cả nghi ngờ mà thị trường đặt ra.
Luật Doanh nghiệp quy định sở hữu từ 5% trở lên là cổ đông lớn và phải công bố thông tin nhưng nếu sở hữu 4,9999…% thì không cần (không tính người nội bộ). Do đó, danh tính của đa phần cổ đông ngân hàng mãi xa kín với thị trường. Các động thái giao dịch, chuyển nhượng của họ luôn là bí ẩn và cũng rất khó biết họ đến từ nhóm nào.
Nhắc lại rằng, vốn pháp định áp dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần là 3.000 tỷ đồng, có nghĩa tỷ lệ sở hữu 4,9999…% sẽ tương ứng với số vốn góp tối thiếu là xấp xỉ 150 tỷ đồng (theo mệnh giá).
Tất thảy các ngân hàng Việt Nam hiện đều đăng ký vốn điều lệ ở mức lớn hơn 3.000 tỷ đồng, quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng cũng khá phổ biến – kể cả ở nhóm tư nhân (Techcombank: 34.966 tỷ đồng; VPBank: 25.300 tỷ đồng, MBBank: 21.605 tỷ đồng; Sacombank: 18.852 tỷ đồng,…).
Có nghĩa, ở nhiều ngân hàng sẽ tồn tại những cổ đông – dù chưa được gọi là “cổ đông lớn” và gần như không xuất hiện - nhưng lại nắm giữ lượng vốn góp nhiều trăm tỷ đồng, thậm chí tới cả nghìn tỷ đồng – tức là còn lớn hơn quy mô vốn của nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Tại sao ở nhiều ngân hàng lại phổ biến các cổ đông “gần lớn” như vậy?
Trước tiên, đó có thể là một hiện tượng rất thị trường. Do các nhà đầu tư giao dịch, chuyển nhượng được lượng cổ phiếu chừng ấy. Chưa kể, nếu là cá nhân, thì theo quy định, “không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.”
Thứ hai, như đã đề cập, luôn có các nhà đầu tư/cổ đông không muốn trở thành cổ đông lớn, để phải chịu ràng buộc về nghĩa vụ công bố thông tin. Cũng phải thông cảm, vì rằng việc phải cập nhật, thông báo, báo cáo về các giao dịch nhiều khi khá bất tiện và lại có thể ảnh hưởng đến kết quả đầu tư, chuyển nhượng.
Họ cũng không muốn bị “để ý”. Với sự hiếu kỳ của công chúng, việc trở thành một đại gia sở hữu khối tài sản nhiều trăm tỷ, nghìn tỷ đôi khi khá phiền hà, bất lợi. Nếu đã là một doanh nhân, doanh nghiệp có tiếng, họ cũng thường có xu hướng che chắn danh mục và hoạt động đầu tư của mình.
Hoặc không loại trừ khả năng, có một bên nào đó muốn các cổ đông “gần lớn” này giữ kín danh tính.
Với trường hợp nhờ “đứng hộ” như trong câu chuyện của ông chủ OceanBank Hà Văn Thắm, hẳn ông Thắm cũng không muốn những người đứng tên giùm mình được nhiều người biết đến. Thông tin mà các cổ đông lớn buộc phải công bố sẽ là manh mối quan trọng để dắt dây đến những người chủ thực sự, kể cả những người này đúng là không thuộc diện “người có liên quan” theo quy định.
Vậy tại sao lại phải nhờ người khác đứng tên hộ? Có lẽ trước tiên là bởi giới hạn sở hữu mà pháp luật quy định cho các cổ đông và nhóm cổ đông.
Nhà làm luật đưa ra quy định “cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”, trong các mục tiêu hướng đến, có lẽ cũng hàm ý cả việc lường tránh nguy cơ chi phối, thao túng ngân hàng.
Thực tế xét xử các vụ án cho thấy, không ít các ông chủ nhà băng đã lạm dụng ngân hàng để phục vụ cho của các doanh nghiệp sân sau. Mà hậu của của những việc làm này thì rất khôn lường và không chỉ giới hạn tác động ở ngân hàng.
Tiền “tươi” và tiền “hơi”
Để “lách” quy định về sở hữu, một số chủ ngân hàng đã nhờ người đứng tên hộ. Vừa đảm bảo đúng luật mà vẫn duy trì được sự chi phối ở ngân hàng. Việc nắm quyền chi phối các nhà băng là rất quan trọng, bởi khi ấy, ngân hàng sẽ là của riêng họ, ý chí của họ sẽ quyết định hoạt động và cả… nơi giải ngân cho những khoản tiền khổng lồ mà ngân hàng huy động được. Chưa kể nhiều đặc quyền khác.
Để đảm bảo mức độ chi phối, một nhóm cổ đông có liên quan, thông thường, sẽ phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu trên 50% cổ phần ngân hàng. Chắc ăn hơn, con số phải đạt từ 65%, hoặc hơn nữa.
Nhưng như đã đề cập, vốn điều lệ của tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam hiện nay đều đạt trên 3.000 tỷ đồng và mức chục nghìn tỷ đồng cũng đang dần rất phổ biến. Vậy ai muốn làm chủ thực sự các ngân hàng này, phải thu xếp được lượng tài chính nhiều nghìn tỷ đồng, hoặc cả chục nghìn tỷ đồng.
Tốt nhất, tối ưu nhất và theo quy định thì đó phải là tiền “tươi”. Nhưng thực tế các chủ ngân hàng thường có những cách biến tấu khác. Chẳng hạn, vay ngân hàng khác để lấy tiền góp vốn, với tài sản đảm bảo là chính lô cổ phần được phát hành/nhận chuyển nhượng; thậm chí là “cắm” thẳng cổ phần vào chính ngân hàng vừa thực hiện phát hành (dĩ nhiên là thực hiện khéo qua các cổ đông đứng tên – mà ít người biết).
Hoặc có những thời kỳ phổ biến hình thức ngân hàng này đầu tư góp vốn vào ngân hàng khác. Cách làm này giúp vốn các nhà băng được tăng lên, quy mô vốn tự có toàn hệ thống phồng lên, nhưng số vốn thực góp thì lại hạn chế hơn nhiều. Vấn nạn sở hữu chéo chính từ đây mà ra và hệ lụy thì vẫn nan giải đến tận ngày nay.
Trước áp lực xử lý sở hữu chéo từ cơ quan quản lý, các ngân hàng thoái vốn lẫn nhau. Nhưng với thực trạng u ám tại nhiều ngân hàng, việc tìm được người mua bỏ ra trăm tỷ, nghìn tỷ để chuyển nhượng không phải là dễ. Khi này, hình thái sở hữu chéo biến thể từ trực tiếp sang kiểu gián tiếp: ngân hàng (hoặc ủy thác cho ngân hàng trung gian) cấp vốn cho thương vụ chuyển nhượng và nhận ngược lại cổ phiếu làm tài sản đảm bảo. Nguồn lực thực ra vẫn đến từ các nhóm nhân hàng sở hữu chéo nhau.
Tất nhiên, trong các “deal” kiểu ấy, nhu cầu về các cổ đông “đứng tên” sẽ cao. Và nó cũng có xu hướng tạo ra thêm những cổ đông “gần lớn”!
“Ai có tiền tươi thóc thật, nguồn tiền rõ ràng, có đủ đầy chuyên môn nghề và không vi phạm pháp luật, hãy làm ngân hàng”
|
…
Cần phải phải ghi nhận rằng, nỗ lực thiết lập lại trật tự và lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng đang được làm rốt ráo ít năm qua. Vì tính nhạy cảm và đặc thù dây chuyền trong hoạt động các ngân hàng, việc tái cấu trúc cần được tiến hành một cách thận trọng và căn cơ. Nó cần có thời gian và cũng cần cả những giải pháp quá độ.
Áp lực Basel II khiến nhiều các ngân hàng TMCP đang đau đầu với bài toán tăng vốn, nhưng cách tăng vốn “hơi” theo kiểu cũ đã bị nhận diện và nghiêm cấm.
Ngay khi trở thành người đứng đầu NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng đã tuyên bố rõ: “Ai có tiền tươi thóc thật, nguồn tiền rõ ràng, có đủ đầy chuyên môn nghề và không vi phạm pháp luật, hãy làm ngân hàng”./.